Công nghiệp bán dẫn: Cần các cơ chế ưu đãi đặc thù đủ hấp dẫn
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số: Cần định hình được vị thế và chiến lược riêng của Việt Nam Luật Công nghiệp công nghệ số cần bảo hộ nội dung có bản quyền |
Nhìn nhận cơ chế tài chính, ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số là chính sách cốt lõi để phát triển đột phá ngành công nghiệp công nghệ số trong thời gian tới, Luật Công nghiệp công nghệ số dự kiến quy định sản xuất sản phẩm công nghệ số, cung cấp dịch vụ công nghệ số là ngành, nghề ưu đãi đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan.
Trong đó Nhà nước có cơ chế ưu đãi cao nhất về đầu tư, thuế, tài chính, tín dụng và đất đai cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ nghiên cứu và phát triển bán dẫn; Ưu đãi cao nhất về thuế, đất đai và các ưu đãi khác cho doanh nghiệp đầu tư dự án sản xuất bán dẫn và các doanh nghiệp phụ trợ trực tiếp trong chuỗi cung ứng theo quy định của pháp luật; Hỗ trợ chi phí đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử cho nhà đầu tư từ nguồn chi đầu tư phát triển từ ngân sách địa phương, ngân sách trung ương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan...
Các biện pháp hỗ trợ đầu tư dựa trên chi phí cần được quy định rõ trong Luật Công nghiệp công nghệ số |
Riêng đối với dự án trọng điểm về bán dẫn, Luật dự kiến đưa ra ưu đãi đặc thù trên cơ sở tham khảo quy định đặc thù đối với Dự án đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu, trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ số, đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ số có quy mô vốn đầu tư từ 2000 tỷ trở lên và Dự án đầu tư công nghiệp bán dẫn, sản xuất sản phẩm công nghệ số trọng điểm có quy mô vốn đầu tư từ 4.000 tỷ đồng trở lên.”
Song các chuyên gia cho rằng các biện pháp hỗ trợ đầu tư dựa trên chi phí cần được quy định rõ trong Luật Công nghiệp công nghệ số thay vì quy định chung chung, tới khi triển khai, DN khó có cơ sở áp dụng.
Đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ- ASEAN (USABC), ông Vũ Tú Thành - Phó giám đốc điều hành khu vực đề xuất cụ thể các biện pháp hỗ trợ chi phí để khuyến khích đầu tư, phát triển ngành bán dẫn, bao gồm: Hỗ trợ chi phí điện năng, năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo; Hỗ trợ chi phí sản xuất bán dẫn (FAB) hoặc chi phí sản xuất lắp ráp, đóng gói, thử nghiệm sản phẩm bán dẫn (ATP); Hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển; Hỗ trợ chi phí tài sản cố định cho dự án đầu tư mới hoặc mở rộng.
USABC cũng đề xuất biện pháp hỗ trợ dựa trên chi phí đầu tư dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử. Đây là biện pháp được nhiều nước áp dụng trong thời gian qua đối với các dự án lớn, nhiều tỷ đô la.
Đơn cử như Điều 59, khoản 3c quy định khung pháp lý, cho phép sử dụng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để hỗ trợ chi phí đầu tư dự án xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử bán dẫn. Tuy nhiên, USABC kiến nghị xem xét bổ sung thẩm quyền xét hỗ trợ thuộc Bộ hoặc địa phương đối với các loại hình dự án cụ thể. Đồng thời quy định rõ mức hỗ trợ/loại hỗ trợ nào được trích từ ngân sách trung ương hoặc ngân sách địa phương; cơ chế hỗ trợ.
Về biện pháp khuyến khích đầu tư dựa trên thuế, Điều 44 khoản 2a dự thảo Luật quy định ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ công nghệ số thuộc Danh mục sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng điểm, dự án trí tuệ nhân tạo được hưởng ưu đãi cao nhất về thuế suất, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 107/2023/QH15 để áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu ở mức 15% từ năm 2024 đối với các tập đoàn có tổng doanh thu toàn cầu từ 750 triệu EUR trở lên. Như vậy, các chính sách ưu đãi thuế TNDN và tăng giảm trừ chi phí R&D lên 150% sẽ trở nên kém hấp dẫn đối với các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn trên thế giới. Vì vậy USABC kiến nghị Quốc hội xem xét áp dụng Khấu trừ Thuế được hoàn đạt chuẩn (Qualified refundable Tax credits- QRTC) phù hợp với quy định của OECD để đảm bảo năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn trên thế giới.
Một chính sách thuế khác mà USABC khuyến nghị để thu hút đầu tư là thuế nhà thầu. Kiến nghị này xuất phát từ việc lĩnh vực bán dẫn là một lĩnh vực phức tạp bao gồm nhiều công đoạn từ nhà máy sản xuất thiết kế gốc (ODM) đến nhà máy sản xuất thiết bị gốc (OEM). Các tập đoàn ODM sẽ bán các thiết bị (như chip, board mạch,..) cho các tập đoàn OEM (Dell, HP) để sản xuất thiết bị vì vậy, nhà máy là doanh nghiệp chế xuất của tập đoàn ODM và OEM sẽ đặt gần nhau. Các tập đoàn ODM sẽ bán thiết bị cho OEM ở nước ngoài và thực hiện giao hàng giữa các nhà máy hoặc giao vào kho ngoại quan ở trong cùng một quốc gia để đảm bảo nguồn cung cũng như tối ưu hóa thời gian và chi phí vận chuyển lưu kho. Hoạt động giao hàng này sẽ không chịu thuế nhà thầu ở các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, theo tập quán và quy định về thuế nhà thầu hiện hành tại Việt Nam, việc bán hàng ở nước ngoài nhưng giao hàng tại Việt Nam như trên sẽ chịu thuế nhà thầu. Điều này đã buộc các tập đoàn ODM phải xuất hàng ra nước ngoài và nhập lại vào Việt Nam để giao cho các nhà máy của OEM tại Việt Nam.
Vì vậy, USABC đề xuất Quốc hội, Chính phủ Việt Nam xem xét điều chỉnh quy định về thuế nhà thầu để hỗ trợ các tập đoàn ODM và OEM giảm chi phí và thời gian vận chuyển, lưu kho của các nhà máy tại Việt Nam cũng như phù hợp với tập quán quốc tế và duy trì lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút các tập đoàn này mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Nhìn nhận quy định ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân (Điều 45, khoản 2e) là một trong các biện pháp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước, Song để đảm bảo biện pháp đủ hấp dẫn, khả thi và minh bạch, ông Vũ Tú Thành đề xuất cần xác định tiêu chí cụ thể để xác định chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt được miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 5 năm; xem xét mở rộng đối tượng, gồm cả các nhân viên kỹ thuật, nhân viên vận hành máy,…
Đồng thời, nêu rõ ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập cá nhân đối với nhân lực công nghệ số chất lượng cao khi tham gia vào các hoạt động thiết kế, sản xuất các sản phẩm công nghệ số trọng điểm, trọng yếu trong công nghiệp bán dẫn, cụ thể là những ưu đãi nào.
Ngày 21/9/2024 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Theo chiến lược, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam theo lộ trình 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2024 - 2030): Thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 01 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; phát triển một số sản phẩm bán dẫn chuyên dụng trong một số ngành lĩnh vực; Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10 - 15%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 225 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10 - 15%. Giai đoạn 2 (2030 - 2040) Phát triển công nghiệp bán dẫn kết hợp giữa tự cường và FDI, hình thành ít nhất 200 doanh nghiệp thiết kế, 02 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 15 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, từng bước tự chủ về công nghệ thiết kế, sản xuất sản phẩm bán dẫn chuyên dụng. Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 50 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 15 - 20%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 485 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 15 - 20%. Giai đoạn 3 (2040 - 2050): Hình thành ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế, 03 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn. Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20 - 25%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 1.045 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20 - 25%; Hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn Việt Nam tự chủ, có năng lực dẫn đầu ở một số công đoạn, phân khúc của chuỗi sản xuất. |