Đẩy mạnh giải ngân hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Chưa thể bỏ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng Trong điều kiện kinh tế nhiều biến động, tái cơ cấu ngân hàng yếu kém càng khó hơn |
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, chương trình 120 nghìn tỷ đồng cho vay đối với người có thu nhập thấp và công nhân là chương trình hưởng ứng của ngành Ngân hàng và cũng được giao tại nghị quyết của Chính phủ để tiến tới mục tiêu có 1 triệu căn hộ trong 10 năm tới. Gói tín dụng này không sử dụng nguồn vốn từ NSNN mà từ nguồn tiền của các tổ chức tín dụng huy động từ người dân. Lãi suất ưu đãi cũng từ nguồn tài chính của các ngân hàng tham gia.
Sau khi có nghị quyết của Chính phủ, NHNN đã ban hành văn bản hướng dẫn cho các tổ chức tín dụng thực hiện và cũng có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm để xây dựng và công bố những dự án thuộc diện được cho vay theo chương trình này theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Về phía các tổ chức tín dụng, NHNN cũng đã chỉ đạo các ngân hàng phải ban hành các quy trình nội bộ để triển khai.
Kết quả đến nay có 18/63 Ủy ban nhân dân tỉnh đã gửi văn bản công bố danh mục dự án tham gia chương trình và công bố trên cổng thông tin điện tử 53 dự án với tổng nhu cầu vay là 27 nghìn tỷ đồng. Đến nay các ngân hàng đã giải ngân được gần 105 tỷ đồng cho 3 dự án ở 3 tỉnh thành.
Giải đáp thêm về nguyên nhân gói tín dụng này giải ngân chưa được nhiều, Thống đốc cho biết, thứ nhất nguồn cung về nhà thuộc đối tượng của chương trình này còn hạn chế, trong khi nhu cầu về nhà ở rất lớn; Và nhu cầu của người dân quyết định đi vay để mua nhà lại là một câu chuyện khiến người dân phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.
Thứ hai, điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội hiện nay cũng còn có ý kiến phản ánh chưa phù hợp với thực tế như thu nhập phải không thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân, chưa có nhà ở.
Thứ ba, chương trình này thực hiện trong thời gian dài 10 năm, các khoản cho vay bất động sản thường kéo dài, trong khi giải ngân của các ngân hàng thì theo thời gian…
Từ những hạn chế nêu trên, NHNN cũng đã kiến nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm để sớm công bố các dự án nhà ở thuộc chương trình này để hệ thống ngân hàng có thể tích cực triển khai.
“Chúng tôi cũng sẽ chủ động tập trung để tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, đồng thời sẽ phối hợp với các bộ, ngành khác tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nắm rõ chương trình cho vay này”, Thống đốc phát biểu.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, Thống đốc cho biết, để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt thời gian qua NHNN cũng đã thực hiện rất nhiều giải pháp.
Thứ nhất là rà soát hành lang pháp lý để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, tạo thuận lợi cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay rất nhiều hoạt động được thực hiện qua các kênh số, ứng dụng công nghệ và vẫn đảm bảo an toàn của hoạt động thanh toán…
Kết quả, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng trưởng rất cao. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 49% về số lượng và giao dịch qua internet cũng tăng 60,3%, qua kênh điện thoại di động tăng 60,8%, qua QR Code tăng 105% và qua POS tăng 21,39%. Tình trạng người dân thực hiện rút tiền qua ATM cũng giảm xuống cho thấy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đã gia tăng.
Đến tháng 9/2023, tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán giảm còn 9,17% so với mức 11,73% cuối năm 2020. Con số này cho thấy công tác phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đã đạt được những kết quả đáng kể.
Về khó khăn trong thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, theo Thống đốc, đó là thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt của người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn; bên cạnh đó là do tâm lý e ngại của người dân khi tiếp cận với công nghệ mới trong hoạt động thanh toán, những lo ngại về vấn đề an toàn và e ngại về rủi ro do xu hướng gia tăng của tội phạm công nghệ cao.
Về định hướng giải pháp thời gian tới, Thống đốc cho biết, NHNN sẽ tiếp tục rà soát các văn bản và sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như có các giải pháp để phòng ngừa và đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật cho khách hàng, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Đồng thời với đó là tăng cường công tác thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về đảm bảo an toàn trong thanh toán không dùng tiền mặt.