Điểm lại thông tin kinh tế ngày 10/6
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 9/6 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 8/6 |
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ phiên 10/6, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.222 VND/USD, giảm mạnh 10 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá bán và tỷ giá mua giao ngay được Ngân hàng Nhà nước duy trì niêm yết lần lượt ở mức 23.650 VND/USD và 23.175 VND/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên tại 23.205 VND/USD, giảm nhẹ 3 đồng so với phiên 9/6. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 50 đồng ở chiều mua vào và 30 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.180 - 23.230 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng phiên hôm qua, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giữ nguyên ở kỳ hạn qua đêm, tăng 0,03 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1 tuần và giảm 0,03 - 0,06 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 2 tuần và 1 tháng so với phiên trước đó; cụ thể: qua đêm 0,29%; 1 tuần 0,43%; 2 tuần 0,54% và 1 tháng 1,04%.
Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD không thay đổi ở các kỳ hạn ngắn trong khi giảm 0,01 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 2 tuần và 1 tháng; giao dịch tại: qua đêm 0,20%; 1 tuần 0,29%; 2 tuần 0,38%, 1 tháng 0,63%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp giảm ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3 năm 1,40%; 5 năm 1,93%; 7 năm 2,60%; 10 năm 3,03%; 15 năm 3,19%.
Nghiệp vụ thị trường mở phiên 10/6, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 3,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.
Thị trường trái phiếu phiên 10/6, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 7.450/8.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 93%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm và 10 năm huy động thành công toàn bộ lượng gọi thầu, lần lượt là 1.500 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng. Kỳ hạn 15 năm huy động được 2.950/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm đấu thầu thất bại.
Lãi suất phát hành kỳ hạn 5 năm tại 1,92%/năm (-0,05%); kỳ hạn 10 năm tại 3,01%/năm (+0,01%); kỳ hạn 15 năm tại 3,15%/năm (+0,03%).
Thị trường chứng khoán phiên hôm qua, sau khi giao dịch dưới mức tham chiếu trong buổi sáng, cả 3 chỉ số đều phục hồi trở lại nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng, việc hút dòng tiền của nhóm midcap và penny.
Kết phiên, VN-Index đóng cửa ở mức 900 điểm, tăng 0,57 điểm (+0,06%); HNX-Index dừng ở mức 120,68 điểm, tăng 0,55 điểm (+0,46%); UPCoM-Index tăng 0,01 điểm (+0,02%) lên 57,3 điểm.
Thanh khoản thị trường tương tự phiên trước đó, đạt trên 8.200 tỷ đồng, trong đó giao dịch khớp lệnh chiếm khoảng 7.540 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng hơn 175 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố số liệu thống kê về một số chỉ tiêu cơ bản trong hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng tính đến thời điểm 31/03/2020. Theo đó, tổng tài sản của hệ thống đạt 12.482.912 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,71% so với cuối năm 2019.
Nguyên nhân chủ yếu do tổng tài sản của khối ngân hàng thương mại nhà nước giảm 3,19% xuống còn 5.266.343 tỷ đồng. Trong khi đó, tài sản của khối ngân hàng thương mại cổ phần tăng 0,57% lên 5.242.231 tỷ đồng; khối ngân hàng liên doanh - nước ngoài tăng 3,31% lên 1.383.691 tỷ đồng. Vốn điều lệ của toàn hệ thống tăng 1,13% lên 617.473 tỷ đồng.
Tin quốc tế
Trong phiên họp chính sách tháng 6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed tiếp tục giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức từ 0% - 0,25% và cam kết tiếp tục chương trình QE. 15/17 quan chức Fed cho rằng sẽ không tăng lãi suất chính sách cho đến năm 2023, chỉ có 2 người nghĩ lãi suất có thể tăng nhẹ vào năm 2022.
Fed cũng tuyên bố sẽ chấm dứt việc giảm dần lượng mua tài sản của mình mà sẽ tiếp tục mua trái phiếu chính phủ và tài sản có thế chấp, ít nhất là ở mức độ hiện tại. Fed cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh tế Mỹ với tất cả công cụ có thể khi cho rằng kinh tế Mỹ còn phải đi một “con đường dài” để hồi phục.
Văn phòng Thống kê Lao động Mỹ cho biết CPI và CPI lõi của Mỹ cùng giảm 0,1% so với tháng trước trong tháng 5 sau khi lần lượt giảm 0,8% và 0,4% trong tháng 4.
Nguyên nhân khiến CPI giảm xuống trong tháng 5 do giá gas giảm mạnh 3,5% so với tháng trước; dẫn đến việc chỉ số giá năng lượng giảm 1,8%. Bù lại, chỉ số giá thực phẩm tăng 1,0% so với tháng trước đã phần nào kìm hãm đà giảm phát. Như vậy, CPI chung chỉ tăng 0,1% và CPI lõi tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Hôm qua, Hạ viện Nhật Bản thông qua gói ngân sách bổ sung thứ hai trong năm nay, trị giá 31.914 tỷ JPY tương đương 296 tỷ USD.
Gói ngân sách bổ sung này nhằm hỗ trợ hệ thống y tế, nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19, hỗ trợ tiền thuê mặt bằng cho các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng, cấp vốn cho doanh nghiệp thông qua hình thức cho vay không lãi suất.
Tất cả những hoạt động trên chiếm khoảng 2/3 giá trị của gói bổ sung ngân sách mới, 1/3 còn lại dành cho kế hoạch dự phòng trường hợp dịch bệnh tiếp tục kéo dài.
Khoản ngân sách này được Hạ viện đề nghị bổ sung dưới hình thức phát hành trái phiếu chính phủ. Thượng viện của nước này sẽ thảo luận và đưa ra bỏ phiếu về gói này trong hai ngày 11-12/6.