Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 1-5/6
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 4/6 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 3/6 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 2/6 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 1/6 |
Tổng quan
Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 3/2020 là 1,77%, tăng so với con số cuối năm 2019 là 1,63%. Con số này có thể cao hơn trong quý II khi dịch bệnh lan rộng trên thế giới.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, 2 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng có thể bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Trong đó, lớn nhất là kinh doanh khoáng sản, nhiên liệu, nguyên vật liệu xây dựng, kinh doanh ô tô và phụ tùng, dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng khoảng 548.000 tỷ đồng, chiếm 6,6% tổng dư nợ. Con số của công nghiệp chế biến, chế tạo lên đến 520.000 tỷ đồng, chiếm 6,3% tổng dư nợ.
Hoạt động dịch vụ khác (sửa chữa các thiết bị, đồ dùng gia dụng, dịch vụ phục vụ tăng cường sức khoẻ, giặt là, cắt tóc, hiếu hỉ...) dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng khoảng 260.000 tỷ đồng, chiếm 3,1% tổng dư nợ.
Nông lâm nghiệp và thuỷ sản bị ảnh hưởng khoảng 157.000 tỷ đồng, chiếm 1,9% dư nợ, tập trung chủ yếu vào các ngành hàng rau quả, thuỷ sản, cao su, cà phê, chè, hạt tiêu.
Với hoạt động kinh doanh bất động sản, dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng khoảng 145.000 tỷ đồng, chiếm 1,75% tổng dư nợ. 139.000 tỷ đồng là dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng trong lĩnh vực vận tải, con số tương tự trong lĩnh vực dich vụ lưu trú, ăn uống, du lịch là 169.000 tỷ đồng.
Các dự án BOT, BT giao thông dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng khoảng 110.000 tỷ đồng, chiếm 1,35% tổng dư nợ.
Khai khoáng dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 45.000 tỷ đồng, chiếm 0,5%, tập trung chủ yếu vào dư nợ đối với khai thác than, dầu thô, quặng kim loại...
Theo các chuyên gia, các nguyên nhân chủ yếu sau đây khiến nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại tăng trong thời điểm này.
Thứ nhất, Covid-19 đã tác động toàn diện đến người dân và doanh nghiệp, trong đó có các ngân hàng. Nợ xấu khó có thể giảm, mà ngược lại có nguy cơ tăng, bởi kinh tế khó khăn. Trong 5 tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 26 nghìn doanh nghiệp, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước, hàng chục nghìn doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, doanh thu giảm mạnh dẫn đến mất cân đối về tài chính, vì vậy không thể tất toán các khoản vay từ ngân hàng.
Thứ hai, nhiều lao động mất việc làm hoặc tạm nghỉ ở nhà, thu nhập giảm, trong đó có khách hàng của các tổ chức tín dụng; vì vậy, mất khả năng trả nợ các khoản vay tiêu dùng.
Thứ ba, dư nợ tín dụng của các ngân hàng trong 5 tháng đầu năm 2020 tăng trưởng chậm, khiến cho tỷ lệ nợ xấu tính trên tổng dư nợ tăng. Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 29/5/2020, tín dụng chỉ tăng 1,96% so với cuối năm 2019.
Thứ tư, vào giai đoạn 2014-2015, Công ty VAMC đã mua số lượng lớn nợ xấu từ các ngân hàng, với giá trị khoảng 200.000 tỷ đồng. Thời gian đáo hạn của trái phiếu VAMC là 5 năm, nghĩa là các trái phiếu này sẽ đáo hạn vào năm 2019 và 2020. Năm 2020 là thời điểm nhiều ngân hàng phải nhận lại những khoản nợ xấu đã bán cho VAMC mà không xử lý được. Điều đó sẽ khiến tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng tăng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay, chưa thể biết dịch bệnh trên thế giới diễn biến thế nào, trong khi kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, các nước chưa kiểm soát được dịch, nên các doanh nghiệp gặp khó, không có khả năng trả nợ, nợ xấu sẽ tăng.
Với chính sách cơ cấu nợ, giãn nợ, giảm lãi vay, các ngân hàng thương mại đã góp phần giảm khó khăn cho khách hàng và giữ cho nợ xấu không bị đẩy lên cao.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ tuần từ 1-5/6, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm nhẹ dần qua hầu hết các phiên. Chốt phiên cuối tuần 5/6, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.245 VND/USD, giảm 16 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán được Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 23.175 VND/USD và 23.650 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng có xu hướng giảm nhẹ trong tuần vừa qua. Kết thúc phiên 5/6, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.245 VND/USD, giảm 35 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do cũng giảm nhẹ trong tuần qua. Chốt phiên 5/6, tỷ giá tự do giảm 30 đồng ở chiều mua vào và 40 đồng ở chiều bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.250 - 23.280 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần từ 1-5/6, lãi suất VND liên ngân hàng tăng ở 2 phiên đầu tuần và giảm trở lại các phiên cuối tuần. Chốt phiên 5/6, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 0,33% (-0,02 điểm phần trăm); 1 tuần 0,54% (-0,06 điểm phần trăm); 2 tuần 0,74% (-0,06 điểm phần trăm); 1 tháng 1,30% (-0,15 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng vẫn chỉ biến động nhẹ trong tuần. Cuối phiên 5/6, lãi suất USD liên ngân hàng đứng ở mức qua đêm 0,20% (không thay đổi); 1 tuần 0,29% (-0,01 điểm phần trăm); 2 tuần 0,39% (-0,02 điểm phần trăm) và 1 tháng 0,66% (không thay đổi).
Thị trường mở tuần từ 1-5/6, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố đều với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 3,0%. Không có khối lượng trúng thầu trên kênh này, trong tuần có 2 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, chốt tuần, không có khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố.
Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước trong tuần qua. Trong tuần có 24.996 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 2.000 tỷ đồng.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 24.994 tỷ đồng ra thị trường thông qua kênh nghiệp vụ thị trường mở trong tuần vừa qua.
Thị trường trái phiếu tuần qua, Kho bạc Nhà nước huy động được 5.800/7.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 83%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm và 10 năm huy động toàn bộ lần lượt 500 và 2.000 tỷ đồng; kỳ hạn 15 năm - 1.400/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm - 400/500 tỷ đồng.
Lãi suất kỳ hạn 5 năm tại 1,97%/năm (-0,23%), kỳ hạn 10 năm tại 3,0%/năm (+0,10%), kỳ hạn 15 năm tại 3,12%/năm (+0,05%), kỳ hạn 20 năm tại 3,43%/năm (không thay đổi).
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 7.412 tỷ đồng/phiên, giảm khá mạnh so với mức 9.245 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó.
Lợi suất trái phiếu chính phủ giảm ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 5/6, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 0,81% (-0,02 điểm phần trăm); 2 năm 1,18% (-0,19 điểm phần trăm); 3 năm 1,50% (-0,18 điểm phần trăm); 5 năm 1,96% (-0,15 điểm phần trăm); 7 năm 2,61% (-0,12 điểm phần trăm); 10 năm 3,04% (-0,06 điểm phần trăm); 15 năm 3,19% (-0,06 điểm phần trăm); 30 năm 3,68% (-0,02 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần qua tiếp tục có diễn biến tích cực khi cả 3 chỉ số chốt tuần trong sắc xanh. Kết thúc phiên 5/6, VN-Index dừng ở mức 886,22 điểm, tăng mạnh 21,75 điểm (+2,52%) so với phiên cuối tuần trước đó; HNX-Index cũng tăng mạnh 8,27 điểm (+7,53%), lên mức 118,08 điểm; UPCOM-Index tăng 1,40 điểm (+2,54%) lên mức 56,43 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng cao so với tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt trên 7.300 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng với giá trị hơn 171 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Ngày 2/6, hãng Bloomberg đưa tin Chính phủ Trung Quốc chỉ đạo các công ty nhà nước ngừng nhập khẩu nông sản Mỹ, bao gồm cả đậu tương. Tin tức này ngay lập tức gây ảnh hưởng đến niềm tin thị trường về thỏa thuận thương mại giai đoạn một hai nước đã ký.
Về cuộc đua tới chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2021-2025, ứng cử viên Joe Biden đã giành đủ số phiếu cần thiết để trở thành đại diện của đảng Dân chủ, cạnh tranh với đương kim Tổng thống Donald Trump của đảng. Gần đây, ông Biden cũng công kích Tổng thống Donald Trump trong những quyết định về xử lý dịch Covid-19, tình hình tại Hongkong và đặc biệt là cuộc biểu tình của người Mỹ về phân biệt đối xử với người da màu.
Ở phía ngược lại, có khá ít thông tin truyền thông đối với chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump, tuy nhiên đa số thị trường cho rằng thế mạnh của ông là những thành tích đạt được đối với kinh tế - tài chính Mỹ.
Nước Mỹ đón một số thông tin rất lạc quan về thị trường lao động. Đầu tiên, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ ở mức 1,88 triệu đơn trong tuần kết thúc ngày 30/05, giảm so với mức 2,12 triệu đơn của tuần trước đó, chỉ cao hơn một chút so với dự báo ở mức 1,82 triệu.
Thu nhập bình quân theo giờ của người lao động giảm 1,0% so với tháng trước trong tháng 5 sau khi tăng 4,7% ở tháng 4, trái với kỳ vọng tiếp tục tăng 1,0%.
Tuy nhiên, số việc làm phi nông nghiệp tại Mỹ bắt đầu tăng trở lại 2,5 triệu việc làm mới trong tháng 5 sau khi giảm mạnh gần 21 triệu ở tháng 4, trái với dự báo tiếp tục mất 7,8 triệu việc làm.
Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp của nước này chỉ ở mức 13,3% trong tháng vừa qua, giảm từ mức 14,7% của tháng 4 và thấp hơn nhiều so với dự báo ở mức 19,4%.
Trong tuần qua, NHTW Châu Âu ECB không thay đổi lãi suất chính sách nhưng tung thêm hỗ trợ về thanh khoản cho thị trường, đồng thời Eurozone cũng đón một số thông tin kinh tế cho thấy tình hình không quá tiêu cực. Cụ thể, ECB dự báo GDP Eurozone có thể suy giảm 13,0% trong quý II dù các quốc gia đang nới lỏng dần các biện pháp đóng cửa kinh tế.
ECB quyết định giữ nguyên các mức lãi suất chính sách là lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay cận biên và lãi suất tiền gửi lần lượt ở mức 0%; 0,25% và -0,5%. Tuy nhiên, cơ quan này mở rộng chương trình mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp lên mức 1.350 tỷ EUR, tăng thêm 600 tỷ so với kế hoạch trước đó, triển khai từ nay cho tới hết tháng 6/2021.
Liên quan đến thông tin kinh tế, PMI lĩnh vực dịch vụ của nước Đức chính thức ở mức 32,6 điểm trong tháng 5, cao hơn so với sơ bộ và dự báo của các chuyên gia ở mức 31,4 điểm. PMI lĩnh vực dịch vụ của Eurozone cũng được nâng lên 30,5 điểm, cao hơn so với sơ bộ ở mức 28,7.
Tỷ lệ thất nghiệp của khu vực này trong tháng 4 chỉ tăng lên mức 7,3% từ 7,1% của tháng trước đó, thấp hơn nhiều so với dự báo ở mức 8,2% của các chuyên gia.
Cuối cùng, doanh số bán lẻ tại Eurozone giảm 11,7% trong tháng 4 sau khi giảm 11,1% ở tháng trước đó, vẫn chưa sâu như dự báo giảm ở mức 15,0%.