Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 8-12/6
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 11/6 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 10/6 | |
Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 1-5/6 |
Tổng quan
Ngày 08/06/2020, Quốc hội Việt Nam đã chính thức thông qua Hiệp định này, trước đó, ngày 12/02, Nghị viện Châu Âu cũng đã bỏ phiếu thông qua. Có thể tóm tắt lộ trình thực hiện Hiệp định đối với một số lĩnh vực chính như sau. Về thương mại, đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch XK của Việt Nam sang EU.
Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế NK đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch XK của Việt Nam sang EU. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch XK còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế NK trong hạn ngạch là 0%. Đối với hàng XK của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch NK).
Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch XK từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế NK. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch NK). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế NK dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.
Về dịch vụ và đầu tư, thứ nhất, đối với dịch vụ ngân hàng, trong vòng 05 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét thuận lợi việc cho phép các TCTD EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong 02 NHTMCP của Việt Nam. Tuy nhiên, cam kết này không áp dụng với 04 NHTM mà nhà nước đang nắm cổ phần chi phối là BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank.
Thứ hai, đối với dịch vụ bảo hiểm, Việt Nam cam kết cho phép nhượng tái bảo hiểm qua biên giới, cam kết dịch vụ bảo hiểm y tế tự nguyện theo luật Việt Nam. Riêng đối với yêu cầu cho phép thành lập chi nhánh công ty tái bảo hiểm, Việt Nam chỉ cho phép sau một giai đoạn quá độ.
Thứ 3, liên quan đến dịch vụ viễn thông, Việt Nam chấp nhận mức cam kết tương đương trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP. Đặc biệt đối với dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng không có hạ tầng mạng, Việt Nam cho phép EU được lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sau một giai đoạn quá độ.
Thứ tư, đối với dịch vụ phân phối, Việt Nam đồng ý bỏ yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế sau 05 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, tuy nhiên ta bảo lưu quyền thực hiện quy hoạch hệ thống phân phối trên cơ sở không phân biệt đối xử. Việt Nam cũng đồng ý không phân biệt đối xử trong sản xuất, nhập khẩu và phân phối rượu, cho phép các doanh nghiệp EU được bảo lưu điều kiện hoạt động theo các giấy phép hiện hành và chỉ cần một giấy phép để thực hiện các hoạt động nhập khẩu, phân phối, bán buôn và bán lẻ.
Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch XK của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế NK sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là thị trường XK lớn của Việt Nam hiện nay với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,45 tỷ USD, trong đó XK đạt 41,5 tỷ USD, NK từ EU đạt 14,9 tỷ USD. Với cam kết xóa bỏ thuế NK lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng XK cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ, v.v. là rất đáng kể. Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA có thể giúp kim ngạch XK của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch NK từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn XK, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Ngân hàng Thế giới WB dự báo, EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng 2,4%, kim ngạch XK tăng 12% vào năm 2030.
Tuy nhiên, hiệp định cũng đặt ra nhiều thách thức với đối với các hàng hóa Việt Nam do EU là một thị trường có mức thu nhập cao, cũng là thị trường có chính sách bảo vệ người tiêu dùng chặt chẽ với những rào cản về kỹ thuật cho sản phẩm nhập khẩu rất lớn. Theo cam kết trong EVFTA, các yêu cầu về quy tắc nguồn gốc, xuất xứ sẽ là một thách thức lớn đối với DN. Ngoài ra, một số ngành trong nước như dược phẩm, sữa và chăn nuôi sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gia tăng từ các sản phẩm nhập khẩu từ EU khi EVFTA có hiệu lực.
Cụ thể, khoảng một nửa XK dược phẩm của EU sẽ được miễn thuế ngay lập tức và phần còn lại được miễn thuế sau 7 năm. Việc giảm thuế NK đối với dược phẩm từ EU sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh đối với các nhà sản xuất dược phẩm trong nước. Thịt heo đông lạnh sẽ được miễn thuế sau 7 năm, các sản phẩm hàng ngày sau 5 năm, thực phẩm chế biến sau 7 năm và thuế suất đối với thịt gà sẽ giảm dần về 0% trong 10 năm.
Hiện tại, các sản phẩm chăn nuôi của EU xuất khẩu sang Việt Nam chịu mức thuế từ 10 - 40%. Việc giảm thuế NK đối với các sản phẩm chăn nuôi từ EU sẽ thúc đẩy sự thâm nhập của các sản phẩm này vào Việt Nam và làm gia tăng áp lực cạnh tranh đối với các sản phẩm chăn nuôi trong nước.
Bên cạnh đó, một số nước châu Âu nổi tiếng về các sản phẩm sữa. Việc giảm thuế NK đối với các sản phẩm sữa NK từ EU sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh đối với các nhà sản xuất sữa trong nước.
Tin trong nước từ 08/06 - 12/06
Thị trường ngoại tệ: Tuần từ 08/06 - 12/06, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm khá mạnh 4 phiên đầu tuần và tăng trở lại phiên cuối tuần. Chốt phiên 12/06, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.222 VND/USD, giảm mạnh 23 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán được NHNN giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 23.175 VND/USD và 23.650 VND/USD.
Sau khi giảm khá mạnh 2 phiên đầu tuần, tỷ giá LNH đã tăng nhẹ trở lại vào cuối tuần. Kết thúc phiên 12/06, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.220 VND/USD, giảm 25 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tương tự, tỷ giá trên thị trường tự do cũng giảm vào đầu tuần và tăng trở lại vào cuối tuần. Chốt phiên 12/06, tỷ giá tự do giảm 40 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.210 – 23.240 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 08/06 - 12/06, lãi suất VND LNH tiếp tục xu hướng giảm của các tuần trước đó. Chốt phiên 12/06, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,23% (-0,10 đpt); 1W 0,34% (-0,20 đpt); 2W 0,48% (-0,26 đpt); 1M 1,02% (-0,28 đpt).
Lãi suất USD LNH vẫn chỉ giảm nhẹ trong tuần qua. Cuối phiên 12/06, lãi suất USD LNH đứng ở mức ON 0,19% (-0,01 đpt); 1W 0,28% (-0,01 đpt); 2W 0,36% (-0,03 đpt) và 1M 0,61% (-0,05 đpt).
Thị trường mở: Trên thị trường mở, tuần từ 08/06 - 12/06, NHNN đều đặn chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất 3,0%. Không có khối lượng trúng thầu ở cả 5 phiên, không có khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố.
NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua. Trong tuần có 2.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 2.000 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường về mức 0.
Thị trường trái phiếu: Trong tuần qua, KBNN huy động thành công 7.450/8.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 93%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm và 10 năm huy động thành công toàn bộ số lượng gọi thầu, lần lượt là 1.500 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng. Kỳ hạn 15 năm huy động được 2.950/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất phát hành kỳ hạn 5 năm tại 1,92%/năm (-0,05%); kỳ hạn 10 năm tại 3,01%/năm (+0,01%); kỳ hạn 15 năm tại 3,15%/năm (+0,03%).
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 7.272 tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ so với mức 7.412 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP giảm ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 12/06, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,65% (-0,16 đpt); 2 năm 0,86% (-0,33 đpt); 3 năm 1,34% (-0,17 đpt); 5 năm 1,93% (-0,03đpt); 7 năm 2,54% (-0,07 đpt); 10 năm 3,01% (-0,03 đpt); 15 năm 3,17% (-0,02 đpt); 30 năm 3,66% (-0,02 đpt).
Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán tiêu cực trở lại trong tuần qua khi các chỉ số giảm điểm khá mạnh ở 2 phiên cuối tuần, xóa sạch đà tăng của tuần trước đó. Kết thúc phiên cuối tuần 12/06, VN-Index dừng ở mức 863,52 điểm, giảm 22,70 điểm (-2,56%) so với phiên cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 1,17 điểm (-0,99%), xuống mức 116,91 điểm; UPCOM-Index giảm 0,48 điểm (-0,85%) xuống mức 55,95 điểm.
Thanh khoản thị trường tiếp tục tăng với giá trị giao dịch đạt gần 9.000 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại quay trở lại mua ròng mạnh với giá trị hơn 842 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Tin quốc tế
Đầu tuần qua, World Bank dự báo GDP toàn cầu sẽ giảm 5,2% trong năm nay, trái ngược hoàn toàn so với dự báo tăng trưởng 1,6% đã đưa ra hồi tháng 1. Nguyên nhân chính được đưa ra là ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 trên toàn thế giới. Trong nhóm các nền kinh tế lớn, Mỹ được dự báo suy giảm 6,1%; Eurozone giảm 9,1%, Nhật Bản giảm 6,1%. Bên cạnh đó, hầu hết các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển được dự báo suy giảm trong năm 2020, tuy nhiên Trung Quốc được dự báo tăng trưởng nhẹ 1,0% và Ai Cập tăng trưởng 3,0%. Sang đến năm 2021, thế giới được dự báo phục hồi 4,2%; Mỹ, Eurozone và Nhật Bản lần lượt phục hồi 4,0%; 4,5% và 2,5%; Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ 6,9% nhưng Ai Cập chỉ tăng trưởng 2,1%.
Trong cuộc họp ngày 09 – 10/06, Fed đưa ra dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ ở mức trên 9% và GDP Mỹ suy giảm hơn 6% trong năm 2020. Theo đó, Fed quyết định không thay đổi LSCS đang ở mức 0,0% - 0,25%. 15/17 quan chức Fed cho rằng sẽ không tăng LSCS cho đến năm 2023, chỉ có 2 người nghĩ lãi suất có thể tăng nhẹ vào năm 2022. Fed cũng tuyên bố sẽ chấm dứt việc giảm dần lượng mua tài sản của mình. Trong tương lai, Fed sẽ tiếp tục mua TPCP và tài sản có thế chấp, ít nhất là ở mức độ hiện tại. Fed cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh tế Mỹ với tất cả công cụ có thể khi cho rằng kinh tế Mỹ còn phải đi một “con đường dài” để hồi phục.
Liên quan thới thông tin kinh tế Mỹ, CPI và CPI lõi của nước này cùng giảm 0,1% m/m trong tháng 5 sau khi lần lượt giảm 0,8% và 0,4% trong tháng 4. Tiếp theo, số đơn xin trợ cấp thất ngchhiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 06/06 ở mức 1,542 triệu đơn, tiếp tục giảm xuống so với 1,877 triệu đơn của tuần trước đó và thấp hơn một chút so với dự báo ở mức 1,550 triệu.
Kinh tế Anh cho thấy sự lao dốc rất mạnh trong tháng 4. Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho biết GDP nước này suy giảm 20,4% m/m trong tháng 4 sau khi giảm 5,8% ở tháng trước đó, sâu hơn mức dự báo giảm 18,6%. So với cùng kỳ năm trước, GDP trong tháng 4 cho thấy sự suy giảm tới 24,5%. Nguyên nhân suy giảm chủ yếu do dịch Covid-19 làm tê liệt gần như toàn bộ các lĩnh vực sản xuất của nước Anh. Trong một báo cáo khác, cơ quan này cho thấy mức suy giảm 24,3% m/m ở lĩnh vực sản xuất, mạnh hơn rất nhiều so với dự báo giảm 15,0%. Sản lượng xây dựng tại Anh cũng cho thấy mức giảm 40,1%; vượt xa dự báo chỉ giảm 24,0%.