DN FDI cần xem thành công của DN Việt Nam là thành công của chính mình
VBF 2017: Tăng kết nối DN trong nước với DN FDI |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã khẳng định như vậy tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2017 diễn ra sáng nay và nhấn mạnh: Chính phủ sẽ nghiên cứu để đề ra các thể chế chính sách ưu đãi nhiều hơn cho các DN FDI có kết nối với DN Việt Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Diễn đàn (Ảnh: Thành Chung) |
Cho biết hội nhập quốc tế, trong đó lấy hội nhập kinh tế quốc tế làm trọng tâm là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cho dù có hay không có một vài FTA như TPP cũng không ngăn cản Việt Nam tiếp tục quá trình này.
Theo đó, để tạo thuận lợi cho các DN bao gồm cả DNNN, FDI, tư nhân, hộ kinh doanh cá thể, Chính phủ Việt Nam đang đi theo hướng xây dựng hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam theo hướng thông thoáng, minh bạch cho tất cả các loại hình DN. Chính phủ cũng đang triển khai quyết liệt Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 hỗ trợ phát triển DN. Tới đây Chính phủ sẽ sớm ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật hỗ trợ DNNVV, tập trung hỗ trợ có mục tiêu cho các DNNVV và hỗ trợ khuyến khích các hộ kinh doanh đăng ký thành lập DN cũng như tập trung cho việc hoàn thiện, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Liên quan tới việc tạo thuận lợi thương mại, Chính phủ đã kiện toàn Uỷ ban tạo thuận lợi thương mại quốc gia, được thành lập trên cơ sở hợp nhất Uỷ ban một cửa ASEAN với Uỷ ban tạo thuận lợi thương mại. Hiện nay các cơ quan trong Chính phủ đang tích cực và phấn đấu đến năm 2018 sẽ đưa được 80% các TTHC lên cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, đồng thời tích cực chỉ đạo các bộ ngành rà soát hoàn thiện, sửa đổi 73 thủ tục kiểm tra chuyên ngành của hải quan để tạo thuận lợi thương mại cho tất cả các DN, trong đó có FDI.
Chính phủ cũng tập trung để tháo gỡ các vướng mắc khó khăn hoàn thiện phát triển mạnh mẽ các loại thị trường. Đây là điều kiện cần và đủ cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế có thể phát triển thuận lợi, bao gồm thị trường hàng hoá, dịch vụ; xuất nhập khẩu; nội địa; biên mậu; thị trường vốn; chứng khoán; tài chính; khoa học công nghệ; bất động sản; lao động… Đồng thời Chính phủ đang tập trung mọi nỗ lực đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Liên quan đến chính sách thu hút và kết nối FDI với khu vực trong nước, quan điểm của Chính phủ Việt Nam là coi FDI là bộ phận hết sức quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam và chủ trương tiếp tục thu hút mạnh mẽ, tạo mọi điều kiện để các DN FDI vào đầu tư kinh doanh thành công tại Việt Nam, coi thành công của FDI là thành công của Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay còn có sự lệch pha giữa khu vực FDI và khu vực trong nước. Trước thực trạng này, không phải Chính phủ sẽ cố gắng thu hẹp khoảng cách bằng cách làm yếu đi khu vực FDI mà thay vào đó phải tạo mọi điều kiện, nhất là môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để kết nối thành công 2 khu vực này trong nền kinh tế quốc gia thống nhất, làm sao để DN Việt Nam và FDI đủ sức mạnh tham gia chuỗi giá trị khu vực và thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Với tinh thần đó, tới đây Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút có chọn lọc đầu tư từ FDI, tập trung ưu tiên chọn lọc những DN FDI đầu tư vào Việt Nam phù hợp định hướng tái cơ cấu của Việt Nam, ưu tiên các DN có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, có sẵn chuỗi quản trị tốt và sẵn sàng kết nối với DN Việt Nam. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu các thể chế chính sách ưu đãi nhiều hơn cho các DN FDI có kết nối với DN Việt Nam”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng bày tỏ: “Chính phủ Việt Nam mong các DN FDI ngược lại cũng coi thành công của các DN Việt Nam nói riêng và thành công của nền kinh tế Việt Nam nói chung như thành công của chính bản thân các bạn”.