Doanh nghiệp Việt hướng tới sản xuất xanh
Hoạt động chuyển đổi xanh gồm nhiều hạng mục như chuyển dịch năng lượng xanh, công nghiệp xanh, năng lượng bền vững và kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa thực sự hiểu rõ về chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp là như thế nào. Chuyển đổi xanh là quá trình xây dựng nền kinh tế trong đó mức phát thải từ thấp đến rất thấp, đạt được thông qua việc phát triển văn minh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Chuyển đổi xanh hướng đến giảm tình trạng suy giảm hệ sinh thái và tác động xấu đến môi trường từ con người.
Một nền kinh tế xanh sẽ gắn liền với những nhà máy, xí nghiệp ít khói bụi. Nguồn năng lượng sử dụng sạch và có thể tái tạo, thân thiện với môi trường. Chẳng hạn, hoạt động sản xuất và kinh doanh không gây ô nhiễm môi trường. Hoạt động nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi không dùng chất độc hại gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư dây chuyền sản xuất xanh |
Việc phát triển sản phẩm xanh không chỉ đơn thuần là nghĩa vụ môi trường của doanh nghiệp mà còn là cơ hội “vàng” để doanh nghiệp tăng cường tính nhận dạng thương hiệu. Nhất là khi khách hàng đang ngày càng đánh giá cao và ưa chuộng các doanh nghiệp có cam kết mạnh mẽ đối với vấn đề bảo vệ môi trường và xã hội. Ngày nay, chính phủ và cả tổ chức quốc tế thường xuyên đưa ra nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi cho doanh nghiệp khi họ bắt đầu thực hiện chuyển đổi xanh. Từ đó thúc đẩy sự đổi mới, triển vọng trong nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm xanh cho xã hội. Tiềm năng của các sản phẩm xanh rất lớn, thị trường cũng đang ngày càng chấp nhận và đánh giá các nhóm sản phẩm, dịch vụ xanh. Điều này mở ra cơ hội tài chính khổng lồ cho nhiều doanh nghiệp. Các doanh nghiệp dễ dàng thu hút đầu tư, được hỗ trợ tài chính từ các tổ chức quốc tế khi họ có thể chứng minh cam kết đối với sự bền vững của chuyển đổi xanh.
Các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tài chính từ các tổ chức quốc tế khi có thể chứng minh cam kết đối với sự bền vững của chuyển đổi xanh. |
TS. Hoàng Ngọc Hải, Học viện Chính trị Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, công nghiệp xanh đang trở thành xu hướng phát triển đem lại hiệu quả trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và khắc phục hậu quả của ô nhiễm môi trường. Trong thời gian tới, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm phát triển công nghiệp xanh, bảo đảm quá trình thực hiện có thể tối ưu hóa hiệu quả lợi ích từ cấp địa phương đến toàn bộ nền kinh tế, hướng tới sự phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích tiêu dùng theo hướng xanh và bền vững trở thành quan điểm, đường lối xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và là một nội dung căn bản của mục tiêu phát triển ở Việt Nam, được triển khai ở nhiều địa phương trên cả nước, bước đầu đạt những kết quả tốt, thu hút lượng lớn người dân tham gia. Xu hướng tiêu dùng xanh tại Việt Nam ngày càng phát triển mạnh trong những năm gần đây. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới tiêu dùng thông minh, bền vững, cũng như những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường ngay từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và sử dụng sản phẩm.
Ông Trần Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hội DN Cơ khí - Điện TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc chuyển đổi mô hình sản xuất xanh, xuất khẩu xanh sẽ đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Tại thị trường trong nước, trước nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp cũng thay đổi chiến lược, chọn hướng kinh doanh “xanh, sạch” làm lợi thế cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp đầu tư bài bản công nghệ, trang thiết bị sản xuất để cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh, phát triển bền vững…Xu hướng tiêu dùng xanh, sống xanh được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới. Do đó, sự dịch chuyển sản xuất xanh để bắt kịp nhu cầu thị trường là cơ sở để doanh nghiệp phát triển bền vững. Bên cạnh đó, xanh hóa sản xuất cũng thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng, xã hội, nhằm chung tay bảo vệ môi trường và hệ sinh thái chung.
Sản xuất xanh sẽ nâng cao thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp |
Đồng thời, Nhà nước có chính sách đầu tư thích đáng cho việc xây dựng và triển khai các dự án, chương trình ưu tiên của Chính phủ về nghiên cứu, triển khai, nâng cao năng lực quản lý môi trường, khuyến khích các doanh nghiệp tự đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ môi trường cho ngành công nghiệp môi trường. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ cho ngành công nghiệp môi trường phát triển, như khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng, lắp đặt các hệ thống kiểm soát ô nhiễm thông qua các biện pháp ưu đãi, miễn, giảm thuế, khấu hao cho các doanh nghiệp...; hỗ trợ thỏa đáng đối với hoạt động nghiên cứu và triển khai liên quan đến ngành công nghiệp môi trường thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính, tổ chức các hội chợ, triển lãm, hội thảo liên quan…