Đổi mới công nghệ - chìa khóa phát triển kinh tế số, kinh tế xanh
Tăng trưởng xanh là hướng đi tất yếu Nguồn vốn xanh không thể chỉ dựa vào ngân hàng Ba thách thức đặt ra đối với chuyển đổi xanh |
Quang cảnh “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam: Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh”. |
Ngày 17/4, Báo điện tử VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam: Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh”.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Đỗ Tiến Sỹ - Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ, việc từng bước ‟xanh hoá" sản xuất, nhà máy xanh, công nghệ xanh, nguyên liệu sạch, năng lượng xanh… đã và đang trở thành xu thế tất yếu và tạo ra lợi thế cạnh tranh. Vì thế, việc chuyển đổi không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để xây dựng được chiến lược phát triển doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 cũng đặt ra mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Phát triển bền vững, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh đang là đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới, là mô hình hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường.
Theo ông Chử Đức Hoàng - Chánh Văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ), đổi mới công nghệ là quá trình ứng dụng các ý tưởng, phương pháp, quy trình công nghệ mới hoặc cải tiến vào thực tiễn sản xuất và đời sống, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và tạo ra giá trị mới.
Tại Việt Nam, đổi mới công nghệ chủ yếu tập trung vào việc ứng dụng, cải tiến các công nghệ sẵn có, chưa chú trọng nghiên cứu phát triển công nghệ nguồn, công nghệ mới. Để đổi mới công nghệ đóng là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi số và xây dựng nền kinh tế xanh tại Việt Nam, các chính sách, giải pháp hỗ trợ về đầu tư, kết nối, pháp lý và phát triển nguồn nhân lực sẽ cần được ưu tiên và chú trọng triển khai thực hiện.
Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức trong quá trình phát triển kinh tế số và kinh tế xanh, như hạ tầng 5G còn hạn chế, nguồn nhân lực công nghệ mới chỉ có khoảng 500.000 nhân lực công nghệ thông tin, trong khi nhu cầu cần tới 1 triệu vào năm 2025; gần 77% lao động trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo chưa qua đào tạo hoặc chỉ được đào tạo sơ cấp.
Đổi mới công nghệ có vai trò quan trọng để phát triển kinh tế số và kinh tế xanh thông qua thúc đẩy ứng dụng công nghệ sạch. |
Quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực công nghệ hạn chế, hơn 97% doanh nghiệp là nhỏ và siêu nhỏ, chỉ khoảng 5% doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, khoảng 70% doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình.
"Hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho công nghệ xanh, công nghệ số do thị trường vốn cho các dự án công nghệ xanh như trái phiếu xanh, chứng khoán xanh mới ở giai đoạn sơ khai. Kết nối và chia sẻ dữ liệu còn hạn chế: gần 80% dữ liệu nằm rải rác ở các bộ, ngành. Mới chỉ có khoảng 30% đơn vị hành chính công cung cấp dữ liệu mở", ông Chử Đức Hoàng chia sẻ.
Rủi ro an ninh mạng gia tăng, nhiều doanh nghiệp chưa có chiến lược ứng phó. Khoảng cách kinh tế số, kinh tế xanh giữa các địa phương còn xa trong đó các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng chiếm 70% doanh nghiệp công nghệ số và các dự án năng lượng sạch, sản xuất sạch tập trung chủ yếu ở miền Nam và miền Trung.
Theo ông Chử Đức Hoàng, đổi mới công nghệ có vai trò quan trọng để phát triển kinh tế số và kinh tế xanh thông qua thúc đẩy ứng dụng công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng trong sản xuất.
Đề thực hiện được việc đó, trong thời gian tới Việt Nam cần chú trọng thực hiện tăng cường đầu tư, hỗ trợ công nghệ thông qua tăng đầu tư cho nghiên cứu - phát triển công nghệ mới; ưu đãi về vốn, thuế cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ; Thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ.
Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế chính sách thông qua hoàn thiện khung pháp lý, chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho đổi mới công nghệ, xây dựng hệ thống quản lý, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Ông Chử Đức Hoàng cho rằng cần ưu tiên nguồn lực để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua đào tạo, nâng cao kỹ năng số, kỹ năng sáng tạo, xây dựng các trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ số, công nghệ xanh và hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao.