Động thái tiếp theo của ECB sẽ là giảm lãi suất
Động thái tiếp theo của ECB sẽ là giảm lãi suất? |
Cắt giảm là điều chắc chắn
Tại cuộc họp chính sách kết thúc hôm thứ Năm tuần trước (ngày 25/1), ECB đã quyết định giữ nguyên lãi suất tiền gửi ở mức cao kỷ lục 4%/năm và phát đi tín hiệu cho biết, mức lãi suất này sẽ được duy trì ổn định trong một thời gian. “Hội đồng Thống đốc quyết tâm đảm bảo lạm phát quay trở lại mục tiêu trung hạn 2% một cách kịp thời”, thông cáo phát đi sau cuộc họp cho biết và nói thêm: “Dựa trên đánh giá hiện tại, Hội đồng cho rằng lãi suất cơ bản của ECB đang ở mức được duy trì trong thời gian đủ dài sẽ đóng góp đáng kể cho mục tiêu này”.
Phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc họp chính sách, Chủ tịch ECB Chritine Lagarde cũng cho rằng “vẫn còn quá sớm để thảo luận về việc cắt giảm lãi suất”.
Thế nhưng kết quả cuộc khảo sát của ECB với các nhà dự báo chuyên nghiệp được công bố một ngày sau đó cho thấy, lạm phát tại khu vực đồng tiền chung Euro có thể giảm nhanh hơn dự kiến trong năm nay do tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức yếu. Cụ thể lạm phát tại Eurozone chỉ ở mức 2,4% trong năm nay, giảm so với mức 2,7% được thấy 3 tháng trước và thấp hơn nhiều so với mức 2,7% mà nhân viên ECB dự kiến. Đặc biệt vào năm 2025, mức tăng giá trung bình có thể là 2,0%, phù hợp với mục tiêu của ECB.
Nhiều nhà kinh tế cũng cho rằng, ECB quá bi quan về lạm phát vì tăng trưởng yếu, giá hàng hóa giảm, mức tăng lương thấp hơn mức lo ngại và tác động của việc tăng lãi suất trong quá khứ đều chỉ ra rằng tốc độ tăng giá sẽ quay trở lại mục tiêu 2% của ECB sớm hơn dự báo năm 2025.
Điều đó đã củng cố niềm tin của thị trường là ECB có thể sớm cắt giảm lãi suất. “Chúng ta càng tiến sâu vào năm 2024, cơ hội cắt giảm lãi suất càng lớn”, Gediminas Simkus – một thành viên của Hội đồng Thống đốc ECB cho biết và nói thêm, việc cắt giảm lãi suất vào năm 2024 là gần như chắc chắn, ngay cả khi tháng 3 không phải là thời điểm thích hợp để bắt đầu.
Bất đồng về thời điểm
Trong các phát biểu mới đây, nhiều nhà hoạch định chính sách của ECB cũng cho rằng, động thái tiếp theo của cơ quan này sẽ là cắt giảm lãi suất. Vấn đề là họ vẫn bất đồng về thời điểm diễn ra động thái này.
“Động thái tiếp theo sẽ là cắt giảm và nó nằm trong tầm tay của chúng tôi”, Peter Kazimir - Thống đốc NHTW Sovakia, một nhà hoạch định chính sách của ECB cho biết trong một bài viết trên blog. “Tôi tin tưởng rằng thời điểm chính xác, dù là vào tháng 4 hay tháng 6, chỉ là thứ yếu đối với tác động của quyết định”, ông nói thêm.
Trong khi Mario Centeno - Thống đốc NHTW Bồ Đào Nha cho biết, ông thích hành động sớm hơn vì điều đó sẽ cho phép ECB hành động từ tốn hơn. “Chúng tôi có thể phản ứng muộn hơn và mạnh mẽ hơn hoặc sớm hơn và từ tốn hơn”, Centeno nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn.
Tuy nhiên với quan điểm thận trọng, Kazimir lập luận rằng, việc cắt giảm quá sớm là một rủi ro lớn hơn vì nó có thể làm chệch hướng của cuộc chiến chống lạm phát và nếu lạm phát bùng phát trở lại, nó có thể kéo dài thời kỳ thắt chặt tiền tệ.
Klaas Knot - Thống đốc NHTW Hà Lan cũng tỏ ra ủng hộ cách tiếp cận kiên nhẫn hơn khi cho rằng, một số mảnh ghép của vấn đề lạm phát vẫn chưa được giải quyết. “Bây giờ chúng ta có một triển vọng đáng tin cậy rằng lạm phát sẽ quay trở lại mức 2% vào năm 2025. Điều duy nhất còn thiếu là niềm tin rằng tăng trưởng tiền lương sẽ thích ứng với mức lạm phát thấp hơn đó”, Knot nói với kênh truyền hình Hà Lan hôm 28/1.
Trong khi Luis de Guindos - Phó Chủ tịch ECB trong phát biểu hôm 29/1 lại giữ cách tiếp cận trung lập hơn, cho rằng việc cắt giảm sớm hay muộn sẽ đến và ngày càng có sự lạc quan về lạm phát chung cũng như xu hướng giá cơ bản. “(Có) tin tốt liên quan đến diễn biến lạm phát và điều này sớm hay muộn sẽ được phản ánh trong chính sách tiền tệ của (chúng tôi)”, De Guindos nói với đài phát thanh RNE của Tây Ban Nha.
Hiện các nhà đầu tư kỳ vọng, ECB sẽ cắt giảm lãi suất 140 điểm cơ bản trong năm nay và gần 100% khả năng động thái đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 4.