FDI thúc đẩy căn hộ dịch vụ tăng trưởng
Căn hộ dịch vụ tại Hà Nội đang trên đà phục hồi mạnh mẽ FDI tạo nguồn cầu vững chắc cho căn hộ dịch vụ và khách sạn FDI tác động tích cực tới thị trường căn hộ dịch vụ tại Việt Nam |
Khu căn hộ dịch vụ SILA Urban Living tại quận 3 TP Hồ Chí Minh. |
Đánh giá về tổng quan, ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho biết, dòng FDI đổ vào Việt Nam khá mạnh mẽ trong 3-4 năm trở lại đây. “Mặc dù FDI năm nay có phần chậm lại một chút, nhưng nếu nhìn vào số liệu của ba năm trước, chúng ta thấy rằng luôn có khoảng 2-4 tỷ USD FDI mới đăng ký, chủ yếu tập trung vào các nhà máy điện, khí hóa lỏng và năng lượng. Tạm không nhắc đến các dự án năng lượng lớn này, nhìn vào lượng FDI mới đăng ký năm nay, FDI vẫn khả quan”, ông Troy Griffiths chia sẻ.
So sánh giữa xu hướng tăng trưởng giữa hai thành phố lớn nhất cả nước, ông cho biết tại Hà Nội, thị trường căn hộ dịch vụ chủ yếu nằm ở hai phân khúc hạng A và B. Nhu cầu hiện đang mở rộng ra các khu vực lân cận Hà Nội như Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương, nhờ vào sự phát triển hạ tầng kết nối giữa Hà Nội và các thành phố này.
Dự kiến có khoảng 2.000 căn hộ dịch vụ mới từ Sun Group sắp ra mắt tại Hà Nội, chiếm khoảng 30% tổng nguồn cung căn hộ dịch vụ tại thị trường này.
Tại TP Hồ Chí Minh, chuyên gia Savills nhấn mạnh nhu cầu về căn hộ dịch vụ đa dạng hơn với nhiều dự án phân khúc hạng C. Nhóm khách thuê căn hộ dịch vụ tại TP Hồ Chí Minh có nhiều mức thu nhập, gồm các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác nhau tạo ra nhiều nhu cầu khác nhau. Điều này tạo ra sự khác biệt giữa thị trường căn hộ dịch vụ ở TP Hồ Chí Minh so với Hà Nội.
Theo ông, dù trong giai đoạn tưởng chừng khó khăn như COVID, thị trường căn hộ dịch vụ vẫn hoạt động tốt. Tại Hà Nội, giá cả và hiệu suất gần như không bị ảnh hưởng. TP Hồ Chí Minh có giảm nhẹ nhưng hiện phục hồi rất tốt. Chính vì vậy, có thể nói đây là một phân khúc bất động sản hấp dẫn với tình hình hoạt động ổn định.
Nguồn cầu căn hộ dịch vụ được thúc đẩy bởi dòng vốn FDI nhưng FDI đã có tín hiệu phát triển chậm lại ở TP Hồ Chí Minh, do đó, triển vọng tương lai sẽ có nhiều thách thức. Theo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, trong 6T/2024, tổng vốn FDI đạt 1,1 tỷ USD giảm 19% theo năm. FDI đăng ký mới đạt 192 triệu USD từ 597 dự án mới.
Nhu cầu lưu trú dài hạn từ các doanh nghiệp vẫn ổn định, nhưng tăng trưởng có thể gặp khăn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt từ căn hộ chung cư cho thuê. Theo ghi nhận của Savills Việt Nam, căn hộ chung cư cho thuê được bàn giao trong ba năm gần đây đạt hơn 40.000 căn.
Đối tượng khách thuê chính của phân khúc căn hộ dịch vụ là chuyên gia nước ngoài làm việc tại các khu công nghiệp và các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương. Để tối ưu công suất, các dự án đều kết hợp cho thuê dài hạn và ngắn hạn.
Bà Cao Thị Thanh Hương, Quản lý cấp cao bộ phận Nghiên cứu Savills TP Hồ Chí Minh đánh giá: “Phân khúc căn hộ dịch vụ có tình hình hoạt động tốt với sự trở lại của các chuyên gia nước ngoài. Các dự án cũ được cải tạo sẽ tạo lợi thế cạnh tranh so với căn hộ chung cư cho thuê”.
Với nhu cầu cao về chỗ ở giá cả phải chăng, loại căn studio và một phòng ngủ luôn được lựa chọn. Trong 5 năm qua, Savills ghi nhận 1.849 căn hộ từ 48 dự án Hạng B & C mới, và các chủ đầu tư tập trung vào phát triển các căn hộ studio và một phòng ngủ với 85% thị phần nguồn cung mới.
Công suất cho thuê của phân khúc căn hộ dịch vụ tại TP Hồ Chí Minh đạt 79%, giảm 1 điểm phần trăm theo quý và 4 điểm phần trăm theo năm với nhu cầu lưu trú ngắn hạn thấp ở mùa thấp điểm. Giá thuê đạt 513.000 VNĐ/m2/tháng, tăng 1% theo quý và không đổi theo năm.
Giá thuê 14 dự án Hạng A & B tăng trung bình 3% theo quý do giá thuê đã được cố định hơn một năm và chủ đầu tư đã dừng các chính sách khuyến mãi kích cầu. 9 trong số 14 dự án trên (74% nguồn cung) có công suất tương đối cao, đạt ít nhất 80%.