Giá cả “leo thang” theo xăng dầu
Hàng tiêu dùng lên... “cơn sốt”
Mới đây, liên Bộ Công thương - Tài chính công bố giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu áp dụng từ 15 giờ ngày 10/11/2021, theo chiều hướng tăng cao. Cụ thể, xăng E5RON92 tăng 559 đồng/lít, có giá bán lẻ 23.669 đồng/lít; xăng RON95 tăng 658 đồng/lít, lên mức 24.996 đồng/lít. Với đợt điều chỉnh tăng giá này, giá xăng trong nước hiện ở mức đỉnh, cao nhất trong 7 năm qua...
Những ngày gần đây, sau cơn bão dịch Covid-19, bùng phát lần thứ 4 cùng với việc giá xăng đã lên sát 25.000 đồng/lít, đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất, vận tải rơi vào tình trạng khó khăn. Đặc biệt, giá xăng, dầu tăng mạnh thời gian qua đã gây nhiều khó khăn cho người tiêu dùng, trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Giá xăng, dầu tăng mạnh đã gây nhiều khó khăn cho người tiêu dùng |
Khảo sát của phóng viên, tại chợ trên địa bàn TP. Đà Nẵng hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt giá các loại thực phẩm đã tăng giá bán. Các mặt hàng dịch vụ ăn uống cũng được người bán tăng từ 5 đến 10%. Hàng tiêu dùng và thực phẩm tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố cũng đang được nhà sản xuất, kinh doanh điều chỉnh giá theo chiều hướng tăng...
Ghi nhận tại các chợ dân sinh trên địa bàn, nhiều mặt hàng thực phẩm đã đồng loạt tăng giá. Cụ thể, mỳ ăn liền tăng khoảng 20 nghìn đồng/thùng tùy loại, gạo thường và gạo nếp tăng 5 nghìn đồng/10kg, dầu ăn tăng khoảng 15 nghìn đồng/lít tùy loại, cá thu tăng 20 nghìn đồng/kg… Theo các tiểu thương, mặt bằng giá mới tăng chủ yếu thuộc nhóm ngành gia vị, thực phẩm khô. Đây là nhóm hàng chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ việc xăng, dầu tăng giá. Theo bà Văn Thị Hà, chủ một đại lý gạo ở đường Hồ Nghinh (quận Sơn Trà) cho biết, hiện giá gạo các loại bình ổn, song giá cước vận chuyển tăng đã “đánh” vào chi phí sau cùng khiến giá gạo “nhích” lên theo giá xăng dầu. Thực tế, trên thị trường từ đầu tháng 10/2021 đến nay, nhiều nhà sản xuất, cung ứng đề nghị tăng giá bán, trong đó tập trung vào nhóm ngành hàng thực phẩm, công nghệ và tươi sống với lý do giá nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng...
Cùng với giá xăng dầu, thời gian gần đây giá gas cũng không ngừng leo thang. Theo đó, từ đầu tháng 7/2021 đến nay, giá gas bán ra trên thị trường đã được điều chỉnh 5 lần, với mức tăng tổng cộng hơn 100 nghìn đồng/bình loại 12kg. Hiện, giá gas bán ra trên thị trường đã ở mức từ khoảng 500 nghìn đồng/bình. Bà Nguyễn Vân Anh, trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà chia sẻ, khi tôi gọi điện đến đại lý để yêu cầu đổi bình gas, nghe nhân viên báo giá gần 500 nghìn đồng/bình khiến tôi không khỏi giật mình. Bình quân, cứ 2 tháng nhà tôi dùng hết một bình gas. Giá gas tăng cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch chi tiêu của gia đình.
Áp lực sau “bão dịch”
Song song, với đà tăng của xăng dầu, gas, giá nguyên liệu đầu vào của nhiều lĩnh vực sản xuất, từ thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng đến cước vận tải… đều tăng mạnh khiến giá các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm trên thị trường TP. Đà Nẵng cũng như các địa phương khác trong cả nước đang đồng loạt tăng. Nhiều cửa hàng kinh doanh các thực phẩm chế biến sẵn cũng phải tăng giá hoặc giảm phần ăn. Do giá nguyên liệu đầu vào cùng nhiều chi phí nhà máy tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất nên giá một số mặt hàng trong siêu thị đã tăng lên… Trên thực tế, thị trường giá cả sản phẩm tăng là do nhà sản xuất quyết định. Siêu thị, cửa hàng chỉ là nơi nhập và cung cấp hàng hóa cho nên không thể làm chủ về giá được. Đầu vào tăng lên, buộc các nhà phân phối cũng phải điều chỉnh giá bán, cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu.
Ngoài ra, không ít hệ thống bán lẻ trên địa bàn thành phố cũng đang phải đối diện với lựa chọn tạm ngưng nhập hàng có mức tăng giá quá cao. Bởi, sau các cơn “bão dịch” mang tên Covid-19, sức mua rất thấp, chưa hồi phục thì việc tăng giá là mạo hiểm, buộc họ phải tính toán kỹ trước các đợt tăng giá. Trên thực tế, việc giá xăng dầu, gas tăng nhanh chóng mặt kéo theo giá hàng hóa, thực phẩm cũng tăng theo khiến người dân càng thêm khốn đốn sau đại dịch. Chắc chắn nhiều gia đình sẽ phải thắt chặt chi tiêu trước hoàn cảnh giá các mặt hàng tiêu dùng đang lên “cơn sốt” như hiện nay. Bên cạnh đó, cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều trường học, khu công nghiệp chưa mở cửa hay hoạt động trở lại cũng sẽ ảnh hưởng đến sức mua trên thị trường.
Trên thị trường, không chỉ có các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm cảm nhận được “sức nóng” của giá nguyên liệu tăng vọt mà doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp chế biến hàng xuất khẩu cũng trong tình cảnh lao đao bởi chưa kịp phục hồi sau đợt Covid-19 thứ 4 vừa qua thì lại phải đối diện với tác động kép từ việc tăng giá xăng, dầu. Bởi, việc giá xăng, dầu tăng mạnh sẽ tạo sức ép nặng lên doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực vận chuyển hành khách, hàng hóa. Đại diện một hãng taxi trên địa bàn TP. Đà Nẵng cho biết, hiện đơn vị đang gặp không ít khó khăn bởi lượng khách hàng giảm do Covid-19. Có nhiều thời điểm phải dừng hoạt động do thực hiện giãn cách xã hội. Gần đây, việc giá xăng, dầu tăng mạnh ảnh hưởng đến doanh nghiệp khi vừa hoạt động trở lại sau thời gian dài nghỉ vì dịch bệnh. Trong khi, đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải, việc xăng, dầu tăng giá trong thời điểm này càng khiến khó khăn chồng chất. Trước diễn biến khó lường của giá nhiên liệu, công ty phải tính toán đến việc tăng giá cước để bù lỗ. Tuy nhiên, việc tăng giá cước đặc biệt trong thời điểm khó khăn như hiện nay sẽ khiến các “thượng đế” cân nhắc khi sử dụng dịch vụ.
Có thể nói, việc giá xăng dầu tăng mạnh như trong thời gian qua, chắc chắn sẽ tác động đến tâm lý, hành vi, thói quen của người tiêu dùng. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chỉ số tiêu dùng, gây áp lực tiêu cực lên nền kinh tế. Điều này, sẽ có những tác động tiêu cực đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm 2021; gây nên những áp lực đối với nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi sau “bão dịch”.