Giải pháp nào để OCOP phát triển bền vững
Điểm sáng OCOP Đa dạng hóa đầu ra cho sản phẩm OCOP |
Qua thực tế triển khai, nhiều sản phẩm OCOP của Kon Tum đã khẳng định được thương hiệu, được đông đảo người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Song, trong quá trình xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP tại tỉnh Kon Kon vẫn phát sinh một số tồn tại, hạn chế. Số sản phẩm tạo ra thương hiệu, giá trị kinh tế cho các chủ thể không nhiều, thậm chí, một số sản phẩm OCOP “biến mất”chỉ sau một thời gian.
Đến nay, Kon Tum có 185 sản phẩm OCOP của 92 chủ thể còn hiệu lực. Số sản phẩm OCOP tăng lên theo từng năm và từng bước xây dựng được thương hiệu trên thị trường. Đơn cử như, HTX Thương mại và Dịch vụ Đăk Glei (huyện Đăk Glei, Kon Tum) khai trương cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại điểm dừng chân các tuyến vận tải hành khách Bắc - Nam tại xã Đăk Pék. Đây là sự kiện đánh dấu bước đột phá trong việc đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng. Bên trong cửa hàng, hàng trăm sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của huyện Đăk Glei được bày bán, tạo được ấn tượng cho những khách hàng.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Thương mại và Dịch vụ Đăk Glei Ngô Quang Quyết, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, HTX đang tập trung sản xuất, kinh doanh khoảng 10 loại dược liệu đặc trưng của địa phương. Trong đó, có 4 sản phẩm đạt OCOP hạng 3 sao gồm sâm dây Ngọc Linh, rượu sâm dây Ngọc Linh, cao sâm dây Ngọc Linh và măng nứa khô. Hiện HTX đang triển khai đăng ký công nhận OCOP các sản phẩm từ cây mắc ca, góp phần để ổn định đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm mắc ca trên địa bàn...
Song song với sự thành công của nhiều sản phẩm OCOP của chủ thể, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xuất hiện một số tồn tại, hạn chế. Đó là số sản phẩm tạo ra thương hiệu, giá trị kinh tế cho các chủ thể chưa nhiều, một số sản phẩm OCOP “biến mất” khỏi thị trường chỉ sau một thời gian được công nhận.
Ví như, mới đây, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 389/QĐ-UBND thu hồi giấy chứng nhận OCOP đối với 3 sản phẩm của 3 chủ thể. Đó là sản phẩm Trà túi lọc Nấm hồng chi của hộ kinh doanh Lê Thị Bưởi; Rượu hoa sâm dây Bà Tâm của hộ kinh doanh cửa hàng Thiên Minh; Rượu cần men lá của Tổ hợp tác rượu cần men lá dân tộc Brâu - Võ Thị Thu Hà. Cả 3 sản phẩm này đều được UBND tỉnh Kon Tum công nhận sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2020. Nguyên nhân dẫn đến việc phải thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm OCOP là do các chủ thể chấm dứt hoạt động hoặc ngừng sản xuất sản phẩm… Đây là thực tế đáng buồn đối với một số sản phẩm OCOP tại Kon Tum.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, hiện các chủ thể OCOP trên địa bàn đa phần có quy mô sản xuất manh mún, liên kết sản xuất nhỏ lẻ, năng lực quản trị của các chủ thể còn nhỏ và yếu. Cùng với đó, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị. Nhiều sản phẩm sản xuất mới chỉ nằm trong giới hạn địa phương, chất lượng chưa đồng đều; việc sản xuất sản phẩm OCOP còn yếu, chưa chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Đáng lưu ý, một số chủ thể có tư tưởng phát triển sản phẩm OCOP là trách nhiệm của chính quyền. Đặc biệt, nhiều chủ thể chỉ hoạt động cầm chừng, sản xuất theo mùa vụ hoặc chỉ sản xuất khi có đơn đặt hàng và chỉ bán trong phạm vi địa phương. Khi chi phí sản xuất tăng cao, sản phẩm tiêu thụ khó khăn một số chủ thể đã phải dừng sản xuất…
Để khắc phục những tồn tại, ngành nông nghiệp Kon Tum cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực, chuyển đổi tư duy, nhận thức về Chương trình OCOP và kiện toàn bộ máy triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn.