Hàng Việt “chinh phục” thị trường quốc tế qua sàn thương mại điện tử
Ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam |
Nhận định của ông về sự phát triển của các doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam khi tham gia sàn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới trong những năm qua, nhất là khi thị trường xuất khẩu thế giới đối diện nhiều khó khăn, thách thức?
Ông Gijae Seong: Những năm qua, khi nhìn về bối cảnh nền kinh tế chung, xuất khẩu B2B truyền thống đứng trước một số thách thức do tình hình kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, xu hướng xuất khẩu bán lẻ B2C lại mở ra cơ hội. Với mô hình xuất khẩu bán lẻ thông qua TMĐT này, các doanh nghiệp có thể quản trị được mô hình kinh doanh bởi họ làm chủ quy trình sản phẩm bước ra thị trường, chủ động từ khâu vận chuyển, xây dựng thương hiệu, tiếp nhận đánh giá của khách hàng để điều chỉnh và đáp ứng các nhu cầu của thị trường. Có thể thấy sự tăng trưởng về số lượng lẫn chất lượng nhà bán hàng và giá trị xuất khẩu từ Việt Nam trên Amazon. Giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam bán hàng qua Amazon trong 12 tháng tính đến hết ngày 31/08/2023 tăng đến 50%. Số lượng đối tác bán hàng Việt Nam tham gia Amazon tăng tới 40%.
Chúng tôi cũng nhận thấy sự chuyển dịch và thay đổi của các doanh nghiệp từ Việt Nam xuất khẩu online. Những năm trước, mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về mô hình và cơ hội kinh doanh này. Tuy nhiên, những năm gần đây, doanh nghiệp đã có sự nhận thức cao hơn về TMĐT xuyên biên giới, hay còn gọi là xuất khẩu online.
Giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam qua Amazon tăng trưởng đến 40%. Yếu tố nào đóng góp cho con số ấn tượng này? Và theo ông, cơ hội sắp tới của Việt Nam trong hoạt động xuất khẩu quan sàn TMĐT quốc tế liệu còn dư địa tiếp tục tăng trưởng?
Ông Gijae Seong: Giá trị xuất khẩu qua TMĐT của nhà bán hàng Việt qua Amazon tăng trưởng tốt năm qua thứ nhất đến từ yếu tố sản phẩm. Sản phẩm chất lượng và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng quốc tế tất yếu mang lại doanh số tốt cho nhà bán hàng.
Thứ hai, có một lực lượng doanh nghiệp, nhà bán hàng mới tham gia bán hàng toàn cầu qua Amazon mỗi năm, giúp cho giá trị xuất khẩu từ Việt Nam tăng trưởng tốt hơn. Khi chúng ta có nguồn lực về sản phẩm rồi, mà không có thêm các nhà bán hàng mới thì cũng sẽ không đóng góp vào mức độ tăng trưởng chung của xuất khẩu online.
Yếu tố thứ ba, theo tôi là sự sẵn sàng của doanh nghiệp. Những năm đầu tiên, doanh nghiệp chưa sẵn sàng. Họ mới tìm hiểu, xem đây là mô hình như thế nào, liệu có làm được mô hình này hay không. Những năm gần đây, đặc biệt là năm vừa rồi, chúng ta thấy mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp cao hơn và cũng giúp cho việc vận hành mô hình kinh doanh toàn cầu hiệu quả hơn.
Thứ tư là sự áp dụng mô hình FBA ngày càng cao hơn đối với các doanh nghiệp tham gia Amazon. Khi các doanh nghiệp áp dụng FBA, trải nghiệm của khách hàng Amazon toàn cầu sẽ tốt hơn, thúc đẩy mức độ chuyển đổi, mua hàng cũng như là tái mua hàng. FBA là mô hình Amazon giúp doanh nghiệp hoàn thiện đơn hàng.
Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu nhận thức và áp dụng cao hơn việc xây dựng thương hiệu. Họ không chỉ bán sản phẩm mà còn xây dựng thương hiệu trên Amazon để tăng giá trị bán hàng trên Amazon. Chúng tôi cũng ghi nhận tăng trưởng của các doanh nghiệp áp dụng đăng ký và bảo vệ xây dựng thương hiệu qua Amazon.
Vậy đâu là những mặt hàng có lợi thế của doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu qua sàn TMĐT quốc tế, thưa ông?
Ông Gijae Seong: Các ngành hàng về nhà cửa, nhà bếp với các sản phẩm nội thất, trang trí nhà cửa là những ngành hàng thành công của Việt Nam trong liên tục 3-4 năm qua. Thực tế này phản ánh khá rõ nét về ngành xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam hiện nay trên thị trường quốc tế. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia xuất khẩu gỗ hàng đầu vào thị trường Mỹ nhờ vào lợi mạnh về nguồn cung, nguyên vật liệu, khả năng gia công và tay nghề cao. Chúng tôi nhìn thấy ngành này vẫn còn dư địa, và sẽ vẫn tiếp tục là ngành hàng tiềm năng lớn của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu qua Amazon.
Ngoài ra, một số ngành hàng đang lên của các doanh nghiệp Việt Nam trong năm qua như làm đẹp (Beauty) với các sản phẩm như lông mi giả, mỹ phẩm, dụng cụ làm đẹp cũng là một điểm mới thú vị, cho thấy danh mục sản phẩm đang đa dạng dần. Ngành hàng làm đẹp lần đầu tiên xuất hiện trong top 5 danh mục bán chạy nhất trên Amazon. Hay dệt may, trong suốt những năm vừa qua vẫn là thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu qua Amazon và là mũi nhọn về xuất khẩu của Việt Nam nói chung.
Đồ gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh cảu Việt Nam |
Nông sản là một trong những mặt hàng các doanh nghiệp Việt rất muốn đưa ra thị trường toàn cầu. Vậy, Amazon có giải pháp gì hỗ trợ đưa sản phẩm này ra thế giới hay không?
Ông Gijae Seong: Đối với ngành hàng nông sản, chúng tôi nhận thấy thách thức nằm ở chuyện làm sao để doanh nghiệp về nông sản Việt Nam nhìn thấy được về cơ hội với TMĐT xuyên biên giới, và đưa nông sản ra quốc tế qua các kênh xuất khẩu trực tuyến như Amazon. Những năm qua, chúng tôi liên tục hợp tác với các cơ quan chính phủ để tăng cường đào tạo cho doanh nghiệp, trong đó có khá nhiều doanh nghiệp về nông sản, chế biến. Chúng tôi muốn phổ cập cho các doanh nghiệp làm sao để cho họ biết câu chuyện về cơ hội, biết được với ngành hàng của họ thì cần làm gì, và làm ra sao để xuất khẩu online.
Tôi không lấy ngành nông sản của nước nào để làm mô hình xuất khẩu trực tuyến tham khảo cho Việt Nam. Tôi chỉ muốn chia sẻ về mô hình của một doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm trà xanh Naoki matcha đến từ Singapore. Điểm khác biệt khiến Naoki matcha thành công là họ biết xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản, sản phẩm tiêu dùng; tức là không chỉ bán dựa trên sản phẩm mà còn nói lên câu chuyện thương hiệu chạm được tới khách hàng trên toàn cầu.
Ngoài ra, làm sao để hạn chế các rủi cho cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam khi gia nhập TMĐT xuyên biên giới, thưa ông?
Ông Gijae Seong: Để hạn chế các rủi ro kinh doanh TMĐT xuyên biên giới, các doanh nghiệp cần lưu ý về vấn đề vi phạm bản quyền. Ví dụ, các doanh nghiệp trẻ, mới khởi nghiệp bán áo thun, bình gữ nhiệt, ly uống nước có in hình ảnh của các nhân vật, phim ảnh nổi tiếng; mà quên mất rằng mình không có bản quyền sử dụng các hình ảnh này. Khi hệ thống của Amazon kiểm tra và phát hiện, ngay lập tức tài khoản của bạn sẽ bị ngừng bán, dù sản phẩm có doanh số bán thế nào và lượng tồn kho còn nhiều bao nhiêu. Vi phạm bản quyền là điều Amazon không bao giờ cho phép. Do đó, đây là một vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý, để có thể phát triển trên Amazon, cần tôn trọng bản quyền hay bảo hộ thương hiệu.
Một lưu ý khác là về tính tuân thủ sản phẩm theo thị trường, nhất là các nước phát triển. Các sản phẩm liên quan đến trẻ em, thực phẩm, da, đều cần có chứng chỉ chứng nhận tùy từng thị trường. Do đó, tốt nhất khi bắt đầu kinh doanh ngành hàng nào, doanh nghiệp cần tìm hiểu về ngành hàng đó tại các thị trường mục tiêu cần đáp ứng những tiêu chuẩn, quy định gì. Doanh nghiệp có thể tham khảo thêm các hỗ trợ, tư vấn, tài liệu cho nhà bán hàng trên Amazon để có thể tìm hiểu các thông tin này. Khi có nền tảng về việc làm sao để có thể tuân thủ quy định sản phẩm, hay kinh doanh các sản phẩm không vi phạm bản quyền, khi đó doanh nghiệp sẽ hạn chế được các rủi ro, tăng khả năng cạnh tranh và cơ hội thành công cho doanh nghiệp trên sân chơi mới.
Xin cảm ơn ông!