Hiện thực hóa khát vọng AI của người Việt
AI thương hiệu Việt
Theo các chuyên gia, AI được nhận định là ngành kinh doanh tăng trưởng "cực mạnh". Tổng chi tiêu cho các hệ thống AI được cho là sẽ đạt 97,9 tỷ USD vào năm 2023, tăng hơn 2,5 lần so với năm 2019. Precedence Research dự báo, đến năm 2030 giá trị của các hệ thống AI toàn cầu sẽ đạt 1.600 tỷ USD.
Để tận dụng cơ hội từ “cuộc chơi” AI, nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt trong những năm gần đây thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đầu tư vào công nghệ này. Đơn cử, VinBrain đã ra mắt các dòng sản phẩm DrAid™ CT Ung thư gan, DrAid™ X-quang ngực để tham gia "cuộc chơi" AI trong lĩnh vực y tế. Ông Trương Quốc Hùng, Tổng giám đốc VinBrain cho biết, DrAid™ CT Ung thư gan giúp doanh nghiệp Việt này trở thành đơn vị đầu tiên trên thế giới phát triển và đưa ra thị trường giải pháp phát hiện sớm các khối u bất thường trong gan thông qua hình ảnh CT; ứng dụng AI trong DrAid™ X-quang ngực đã giúp giảm chi phí sàng lọc bệnh lao phổi từ 50 - 60 USD xuống 1 USD. Công ty sẽ sớm cho ra mắt các dòng sản phẩm phục vụ phát hiện sớm và điều trị ung thư khác như: DrAid ™ MRI Ung thư trực tràng, DrAid ™ CT Ung thư phổi.
Trong khi đó, AI cũng đang được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) nghiên cứu ứng dụng rộng rãi. VNPT đã tạo ra những trợ lý AI chuyên biệt ở nhiều lĩnh vực như trợ lý AI định danh điện tử, trợ lý AI giám sát giao thông, trợ lý AI y tế cho bác sĩ; trợ lý AI tra cứu cho bộ, ngành...
Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, các trợ lý AI của doanh nghiệp đã và đang hoạt động hiệu quả trong thực tiễn, phục vụ hơn 1,2 tỷ lượt yêu cầu trong toàn mạng.
Đặc biệt, AI còn được doanh nghiệp công nghệ Việt phát triển để tra cứu pháp luật. Đơn cử, Trung tâm Không gian mạng Viettel (Viettel Cyberspace) đã ứng dụng AI trong hệ thống Trợ lý ảo pháp luật. Hệ thống này đã hỗ trợ tra cứu, hỏi đáp hơn 160 nghìn văn bản pháp luật, 63 án lệ, hơn 1 triệu bản án trong đó có hơn 1.200 quyết định giám đốc thẩm và hơn 80 nghìn bản án phúc thẩm. Hơn 12 nghìn tài khoản trợ lý ảo đã được cấp cho thẩm phán, cán bộ công chức của Tòa án... Đặc biệt, trong tháng 8 vừa qua, đơn vị còn được giao nghiên cứu, thử nghiệm phát triển mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt và trợ lý ảo cho cán bộ, công chức tại Bộ Thông tin và Truyền thông.
Công nghệ AI cần được tích hợp vào các giải pháp, ứng dụng, dịch vụ số cụ thể |
Xóa nhòa thách thức để khai thác cơ hội
Có thể thấy, AI đã lan tỏa đến khắp các doanh nghiệp công nghệ Việt và mang lại hiệu quả cao. Dẫu vậy, theo các chuyên gia, vấn đề đặt ra hiện nay là, đầu tư cho nghiên cứu phát triển công nghệ AI rất tốn kém và khó khăn. Điển hình là câu chuyện của Tập đoàn FPT. Trước khi gặt hái được thành tựu như trong thời gian qua thì ngay từ năm 2013, tập đoàn này đã đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ AI để hình thành được hệ sinh thái đa dạng các sản phẩm, giải pháp, nền tảng. FPT cũng cho biết sẽ chi 300 tỷ đồng cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển AI trong vòng 5 năm tới.
Hiện AI đang dần chiếm lĩnh xu hướng công nghệ trên toàn cầu, các ông lớn công nghệ đều đang dồn toàn lực để tham gia cuộc chơi này nhằm trở thành người tiên phong. Theo dự báo của Analytics Insight, thị trường AI toàn cầu sẽ đạt con số trên 150 tỷ USD vào năm 2023. Trong cuộc đua này, các công ty công nghệ lớn trên thế giới như Google, Facebook, Microsoft, Apple, Amazon, IBM của Mỹ hay Baidu, Alibaba, Tencent, Huawei của Trung Quốc… đều đang tham gia rất tích cực.
Bên cạnh đó, công nghệ AI cũng phải liên tục được cập nhật và thay đổi để theo kịp xu hướng, doanh nghiệp không thể “dậm chân tại chỗ”.
Bà Nguyễn Hương Quỳnh, đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành BambuUP cho rằng, dù là AI hay các công nghệ khác, doanh nghiệp cũng cần đổi mới sáng tạo mở để có thể áp dụng những xu hướng mới của công nghệ giữa “ma trận" thông tin và các ứng dụng được phát triển mỗi ngày một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải được chuẩn bị sẵn sàng về năng lực, tư duy và đặc biệt là phải có nhận thức nhạy bén, cập nhật về những xu hướng và yêu cầu mới của thị trường
Ngoài ra, để khai thác hiệu quả cơ hội từ AI, theo một chuyên gia, tùy mục tiêu chiến lược, doanh nghiệp sẽ tập trung vào ngành nghề, lĩnh vực nào để giải bài toán cụ thể. Công nghệ AI không phát triển độc lập mà cần được tích hợp vào các giải pháp, ứng dụng, dịch vụ số cụ thể để cung cấp, mang lại giá trị cho các doanh nghiệp và người dân.