Hướng đi mới cho DN xuất khẩu gạo
Sẵn sàng tiếp vốn cho xuất khẩu gạo | |
Xuất khẩu gạo Việt Nam đã chuyển dần từ lượng sang chất |
Trong năm nay, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH Một thành viên (Satra) đã cho ra mắt sản phẩm mới được chế biến theo tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và châu Âu với thương hiệu Gạo hữu cơ Nàng Hương. Gạo hữu cơ Nàng Hương là sản phẩm gạo 100% hữu cơ, được canh tác theo mô hình ruộng lúa vuông tôm, không dùng giống biến đổi gen, không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không chất bảo quản, không chất tẩy trắng và không thuốc chống mối mọt.
DN còn hướng đến mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu sang một số nước trong khu vực Asean, châu Á và nhất là thị trường châu Phi, châu Mỹ |
Gạo có hàm lượng giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe, an toàn cho người tiêu dùng. Tại thị trường nội địa, gạo của Satra được người tiêu dùng biết đến với 9 nhãn hàng gạo chất lượng cao như Ngọc Việt, gạo thơm Jasmine, gạo Nàng Hoa, Việt Đài, Thơm Mỹ, Tấm thơm, gạo giống Nhật Japonica...
Đại diện Satra cho biết, không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, DN còn hướng đến mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu sang một số nước trong khu vực Asean, châu Á và nhất là thị trường châu Phi, châu Mỹ. Việc này không chỉ giúp DN tăng doanh thu, lợi nhuận, tránh phụ thuộc vào một vài bạn hàng truyền thống dễ dẫn đến rủi ro khi có biến động. Đồng thời, góp phần quảng bá thương hiệu gạo Việt chất lượng cao đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Cách làm của Satra cũng là lựa chọn của nhiều DN xuất khẩu gạo thời gian gần đây trong bối cảnh thị trường gạo gặp nhiều thay đổi. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo tháng 9/2018 sụt giảm rất mạnh (giảm 40,6% về lượng và 41,4% về kim ngạch; đạt 360.188 tấn, thu về 173,94 triệu USD). So với cùng tháng năm ngoái giảm 30,2% về lượng và 26,4% về kim ngạch.
Riêng xuất khẩu sang Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại gạo của Việt Nam, trong tháng 9 lại tăng 22,7% về lượng và 30,9% về kim ngạch, đạt 110.497 tấn, tương đương hơn 51 triệu USD. Tuy nhiên, tính chung cả 9 tháng đầu năm thì lượng gạo xuất khẩu lại sụt giảm 37,2% và kim ngạch giảm 27,7% so với cùng kỳ, đạt 1,13 triệu tấn, tương đương hơn 580 triệu USD.
Mới đây nhất, gạo nếp xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc lại gặp khó khăn do thuế nhập khẩu tăng và thay đổi trong hạn ngạch nhập khẩu. Lâu nay Trung Quốc là thị trường chính của nhiều mặt hàng gạo Việt Nam. Nếu như trong 6 tháng đầu năm ngoái, Việt Nam xuất 1,2 triệu tấn gạo sang nước này, chiếm 43% thị phần, nhưng đến 6 tháng đầu năm nay, thị phần giảm chỉ còn 27% do gạo nếp xuất khẩu giảm hẳn vì rào cản thuế quan.
Lãnh đạo một công ty xuất khẩu gạo tại Tiền Giang cho biết, trước đây gạo nếp nói riêng, cũng như gạo xuất khẩu nói chung vào Trung Quốc phải mua quota với giá 20 USD/tấn và thêm 1% thuế lương thực.
Tuy nhiên, trong năm nay, Trung Quốc tăng giá bán quota lên tới 120 USD/tấn. Nếu DN không mua quota sẽ phải chịu mức thế nhập khẩu 50%, cao gấp 10 lần so với trước đây là 5% (việc áp thuế bắt đầu từ tháng 7/2018). Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo đã khó lại càng thêm khó. Chính đây là nguyên nhân khiến DN Việt Nam phải nhanh chóng tìm thị trường khác, để tránh thua lỗ.
Trái ngược với tình hình này, thời gian qua ở những thị trường xuất khẩu mới, gạo Việt đã gặt hái được một số kết quả nhất định như tại Ba Lan, gạo xuất khẩu tăng 357% về lượng và tăng 422% về kim ngạch, đạt 2.989 tấn, tương đương 1,74 triệu USD; tại Thổ Nhĩ Kỳ tăng 331,4% về lượng và tăng 369,3% về kim ngạch, đạt 4.547 tấn, tương đương 2,61 triệu USD; hay tại thị trường Pháp, gạo xuất khẩu tăng 277,8% về lượng và tăng 197,6% về kim ngạch, đạt 801 tấn, tương đương 587.709 triệu USD...
Trước thực tế này, mới đây Việt Nam đã đặt mục tiêu giảm lượng gạo xuất khẩu sang thị trường châu Á từ mức 60% hiện nay xuống còn 50% trong tổng xuất khẩu vào năm 2030. Nhiều DN xuất khẩu cho biết thêm, họ sẽ tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang châu Phi với mục tiêu đạt 25% tổng lượng xuất khẩu, và 10% cho các thị trường ở châu Mỹ. Đồng thời, trong thời gian tới sẽ tập trung vào gạo sạch và hữu cơ. Đây dự kiến sẽ là hướng đi sắp tới của nhiều DN gạo trong nước để tránh phụ thuộc và nâng cao giá trị, thương hiệu gạo Việt trên trường quốc tế.