Ích lợi của tư duy phát triển xanh
“Dù là DN nhỏ cũng cần phải tính tới kinh doanh bền vững”, TS. Nguyễn Thị Tòng, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam bình luận như vậy. Thực tế là các ý tưởng kinh doanh bao giờ cũng gắn với mục tiêu kiếm tìm lợi nhuận, trong dài hạn. Tuy nhiên, đối với DN, hiện tại thách thức nhất chính là rào cản lợi nhuận nên trách nhiệm xã hội và trách nhiệm môi trường không được chú trọng. Do DN thấy đây là những đầu tư không biết lúc nào có lãi, trong khi vẫn còn gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh của mình ở hiện tại.
Nhiều DN chưa chú trọng đến sản xuất xanh
Vấn đề nằm ở chỗ, theo ông Đặng Quốc Huy, Phó tổng giám đốc CTCP Quốc tế Sơn Hà, do đa phần các DN đi vào sản xuất khá lâu nên máy móc có phần lạc hậu. Phần tích lũy được dành cho trang bị mới một phần máy móc, vì vậy xen kẽ với máy móc vẫn là các thiết bị cũ. Dẫn đến, DN thường cố gắng liên kết các máy móc với nhau để tạo thành quá trình sản xuất kinh doanh liên tục. Cho nên, giờ muốn đổi mới theo mong muốn thì DN sẽ xảy ra tình trạng là thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư tổng thể hệ thống máy móc và phải tạm ngừng sản xuất.
Đó là tình trạng phổ biến. Theo nghiên cứu gần đây nhất của công ty tư vấn PwC, các bộ chỉ số phát triển bền vững thường được xây dựng theo kiểu phục vụ quản lý nhiều hơn chứ không phải phục vụ các bên liên quan như khách hàng, nhà đầu tư và cổ đông. Trong khi các DN trên thế giới đều có mục công bố bộ chỉ số phát triển bền vững của DN trên website của họ để thu hút nhà đầu tư thì DN Việt Nam khá hạn chế với điều này.
Để thay đổi, ông Nguyễn Viết Thịnh, Giám đốc dịch vụ tư vấn DN của PwC cho rằng, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới với nhiều thách thức, định hướng một lộ trình bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng, vươn lên đi trước đón đầu xu thế phát triển DN trong khu vực và quốc tế là một chiến lược nhiều DN thực sự phải quan tâm. Nhất là vai trò của hệ thống đo lường các chỉ số bền vững môi trường nhằm duy trì các cải tiến bền vững.
Bà Nguyễn Thị Bích Hòa, Giám đốc Chương trình đổi mới xanh DN của Viện Công nghệ châu Á - Việt Nam (AIT Việt Nam) thông tin thêm, DN phải đổi mới không chỉ là công nghệ, sản xuất. Ví dụ đơn giản như, thay vì làm ra các sản phẩm bình thường, DN cần nghĩ ra các sản phẩm có thể tái chế và tiết kiệm được nguyên liệu.
Theo bà Hòa: “DN cần phải biết rằng, giải pháp đổi mới xanh mang lại hiệu quả rất lớn cho mình, ít nhất là một trong số hiệu quả như khả năng thâm nhập thị trường tốt hơn, thu hút đầu tư, tăng cường năng lực công nghệ, đáp ứng nhanh chóng yêu cầu của DN nước ngoài”.
Đã có nhiều DN thành công khi thay đổi mục tiêu kinh doanh từ tối đa hóa lợi nhuận sang phát triển gắn với môi trường, xã hội. Bà Mai Thị Hồng Nguyên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Song Tinh - DN chuyên về mua bán tái chế phế liệu kim loại, tái chế nhôm và đúc các loại nhôm thỏi chia sẻ, do DN nhận ra lợi nhuận bắt đầu từ tích lũy, vì vậy từ đầu DN đã tuần tự làm theo từng mục, từ khâu sản xuất, quản lý đến độ hài lòng của khách hàng, qua đó đảm bảo sản xuất xanh, sạch.
Tuy sản phẩm của DN chưa xuất khẩu sang nước ngoài, nhưng hiện tại thông qua các hoạt động kinh doanh bền vững mà công ty đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ các đối tác là DN, chuyên gia từ Nhật Bản.
Còn bà Mai Thị Tấn, Giám đốc CTCP Sản xuất và kinh doanh đồ uống thảo mộc cho biết, ban đầu các sản phẩm có lợi cho sức khỏe của công ty như trà, mứt, ô mai, sirô từ cây Hibiscus ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong tìm kiếm thị trường. Bà phải nhờ cậy vào bạn bè người thân ở nước ngoài giúp đỡ, đồng thời gõ cửa các cơ quan ban ngành để xin từng đồng kinh phí.
“Nhiều người nhìn tôi với con mắt ái ngại. Tuy nhiên, sau 3 năm, DN đã có sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài và được ưa chuộng”, bà Tấn cho hay.
Hà Sơn