Làm gì để người dân không “quay lưng” với xe buýt?
Xe buýt là phương tiện công cộng văn minh giúp giảm ùn tắc giao thông, nhất là tại các thành phố lớn |
Nhiều hạn chế chưa được giải quyết
Để người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng như nhiều địa phương khác đã triển khai một loạt biện pháp khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng, trong đó có xe buýt.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, “bức tranh” vận tải xe buýt tại các thành phố trên cả nước vẫn “chưa sáng” được như kỳ vọng. Có những địa phương mỗi năm chi hàng nghìn tỷ đồng để trợ giá nhưng các doanh nghiệp xe buýt vẫn kêu lỗ vì không có khách hàng.
Nguyên nhân chủ yếu được được các chuyên gia chỉ ra rằng, khách hàng “quay lưng” với xe buýt vì là xe cũ, xuống cấp; nhà xe thiếu chuyên nghiệp, thiếu tiềm lực tài chính; nhân viên phục vụ chưa tốt, vẫn còn tệ nạn móc túi, quấy rối trên xe; điểm lên xuống chưa thuận tiện, thời gian giãn cách giữa các chuyến dài, khiến khách hàng phải chờ đợi lâu, chưa tạo thuận lợi cho người cao tuổi, người khuyết tật…
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, việc hoạt động của xe buýt công cộng tại các đô thị lớn, đặc biệt là TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, còn nhiều vấn đề tồn tại và tồn tại nhiều năm nay nhưng chưa giải quyết được.
Và nếu càng ít khách đi thì trợ giá cho các doanh nghiệp xe buýt lại bị giảm xuống, tiền để đổi mới phương tiện, đầu tư cho hạ tầng xe buýt, thậm chí lương để trả cho cán bộ nhân viên của công ty sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Đào Viết Ánh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang cho rằng, chất lượng xe buýt không tốt xuất phát từ hai lý do chính.
Thứ nhất chính bản thân doanh nghiệp vận tải vì mục tiêu lợi nhuận mà bỏ quên trách nhiệm xã hội, từ đó thiếu sự đầu tư, đổi mới, thiếu chuyên nghiệp khiến xe buýt càng ngày càng đi xuống.
Thứ hai, ở một số tỉnh thành phố, các giải pháp nâng cao chất lượng xe buýt chưa được đồng bộ, chưa đi vào thực tiễn đời sống.
Hơn nữa “doanh nghiệp xe buýt khi đã nhận trợ giá từ ngân sách Nhà nước thì cần có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của mình, không thể báo lỗ, yêu cầu tăng mức trợ giá hay ngừng khai thác tuyến như hiện nay”.
Bởi khi tham gia đấu thầu một tuyến xe buýt nào, doanh nghiệp sẽ biết được mức trợ giá ở trong đó. Sau khi tiếp nhận thông tin, doanh nghiệp có trách nhiệm khảo sát, tính toán tất cả chi phí để từ đó biết được mức trợ giá có phù hợp hay không.
Khi đã quyết định tham gia đấu thầu và nhận đặt hàng với mức trợ giá ấn định thì không thể than lỗ để lấy lý do bỏ tuyến, ngưng tuyến, không tiếp tục khai thác, ông Đào Viết Ánh phân tích.
Các khách mời thảo luận tại Tọa đàm |
Đấu thầu minh bạch, bỏ cơ chế “xin - cho”
Trong khi hàng loạt đơn vị kinh doanh vận tải xe buýt tại một số thành phố lớn được trợ giá xin trả lại tuyến và "đồng thanh" kêu lỗ thì vẫn có nhưng doanh nghiệp tư nhân không cần trợ giá vẫn kinh doanh có lãi.
TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ví dụ, Phương Trang là doanh nghiệp lớn và rất mạnh dạn khi xác định lỗ và chịu rủi ro trong kinh doanh vận tải công cộng để thành công.
Doanh nghiệp đã nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch và quyết tâm thực hiện; chú ý đến chất lượng dịch vụ, khách được phục vụ tốt, an toàn và những mục tiêu đặt ra đạt được…thì sẽ có hiệu quả kinh tế. Như vậy, có thể thấy rõ một công thức là phương tiện hiện đại cùng với chất lượng tốt, hài lòng khách hàng sẽ cho ra hạch toán tốt, không cần trợ giá vẫn có lãi. Nếu làm tốt, trợ giá là thừa.
Đề xuất phương án nâng cao chất lượng, thu hút người dân sử dụng xe buýt, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, cần sớm đổi mới và nghiên cứu xây dựng một quy hoạch rất khoa học, nâng cao chất lượng hệ thống xe buýt.
Song song đó, cần áp dụng cơ chế thị trường để chọn được những doanh nghiệp có năng lực nhất, xứng đáng nhất cung cấp dịch vụ công này. Cần tổ chức đấu thầu để chọn những doanh nghiệp có chất lượng thay vì chỉ định thầu.
Mặt khác, cần tính toán cách thức trợ giá để bảo đảm khuyến khích dịch vụ phục vụ người dân tốt hơn để được trợ giá nhiều hơn, đó mới là hướng trợ giá hiệu quả.
Đồng thời, loại bỏ cơ chế “xin – cho” là một trong giải pháp được ông Đào Viết Ánh đề xuất tại tọa đàm.
Theo đó, hãy để doanh nghiệp tự quyết định chất lượng dịch vụ, người dân cũng tự quyết định sự lựa chọn, chất lượng cao thì giá cao mà chất lượng vừa thì vừa tiền.
Các địa phương cũng cần nghiên cứu đề án xe buýt của riêng mình và tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp đầu tư; phải nghiên cứu nhu cầu đi lại của người dân để tổ chức đấu thầu nhằm kêu gọi các doanh nghiệp vận tải tham gia. Những tuyến kém phải yêu cầu doanh nghiệp đổi mới và cải thiện dịch vụ, nếu hết thời hạn không thực hiện thì thu hồi để các doanh nghiệp uy tín tham gia.