Lạm phát của Đức tăng kỷ lục
“Thủ phạm” lớn nhất gây ra tình trạng này chính là giá năng lượng, với mức tăng gần 84% so với cùng kỳ năm ngoái. “Nguyên nhân chính dẫn đến giá năng lượng tăng cao là do giá khí đốt tự nhiên tăng mạnh, tăng tới 144,8% so với tháng 3/2021”, cơ quan này cho biết.
Đây cũng là một trong những dấu hiệu cho thấy tác động vô cùng lớn của cuộc xung đột Nga - Ukraine đối với nền kinh tế Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Tính theo tháng, giá hàng hóa nhà sản xuất đã tăng gần 5% trong tháng 3 so với tháng 2 trước đó. Lạm phát tăng nhanh ngay tại “cửa nhà máy” đã ảnh hưởng đến giá bán lẻ và người mua hàng phải chi tiêu nhiều hơn cho mọi thứ, từ đồ nội thất đến thực phẩm. Lạm phát giá tiêu dùng tại Đức vì thế cũng đang ở mức cao nhất trong 41 năm qua, chạm mức 7,3% vào tháng 3. Một lần nữa, giá năng lượng tăng cao là yếu tố đóng góp chính vào sự gia tăng này.
Ảnh minh họa |
Thực tế giá năng lượng toàn cầu đã tăng từ trước khi xảy ra cuộc chiến tranh hiện nay, trong bối cảnh các nền kinh tế bắt đầu mở cửa mạnh trở lại sau đại dịch khiến nhu cầu về nhiên liệu cho sản xuất, tiêu dùng tăng cao. Cuộc xung đột, đặc biệt là các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với xuất khẩu than và dầu của Nga, cũng như những nỗ lực của Liên minh châu Âu nhằm cắt giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên của nước này càng đẩy giá lên cao hơn nữa.
Cho đến nay, Đức vẫn chống lại lệnh cấm vận đối với khí đốt tự nhiên của Nga. Lý do cũng rất chính đáng, bởi theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, khoảng 46% sản lượng tiêu thụ khí đốt của Đức hiện phụ thuộc vào Nga. Việc cắt đứt đột ngột với nhà cung cấp lớn nhất là Nga có thể gây thiệt hại nặng nề cho lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều năng lượng của Đức.
Vào tháng trước, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã cảnh báo rằng, người Đức "sẽ nghèo hơn" do hậu quả của cuộc chiến tranh này. Giá cả tăng vọt đã làm chao đảo một quốc gia lâu nay vẫn luôn tự hào có nền kinh tế ổn định nhất châu Âu. Trái ngược với Mỹ và Anh, NHTW châu Âu (ECB) cho đến nay vẫn chưa tăng lãi suất để kiềm chế đà tăng của giá cả, đồng thời từ chối cho biết thời điểm cụ thể nào sẽ thực hiện. Bà Christine Lagarde, Chủ tịch ECB vào tuần trước cho biết, trong bối cảnh triển vọng kinh tế khu vực không chắc chắn hiện nay, ECB cần giữ các lựa chọn mở. Bà Lagarde cũng nhắc lại rằng, ECB sẽ chỉ tăng chi phí vay sau khi ngừng chương trình mua trái phiếu vào một thời điểm nào đó trong quý III tới.