Mục tiêu lạm phát dưới 4%: Khó khăn nhưng vẫn tự tin
Lạm phát có "ghìm cương" quanh mức 4%? | |
Thủ tướng: Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn | |
Bám sát thực tiễn, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành |
Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát
Phát biểu tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Diễn biến thị trường giá cả Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm”, PGS.TS. Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính đã chỉ ra một số nhân tố có thể làm tăng CPI trong 6 tháng cuối năm, như giá nguyên, nhiên vật liệu đặc biệt là giá xăng dầu, khí đốt, phân bón trên thị trường thế giới còn đứng ở mức cao và có khả năng tăng thêm. Điều này dẫn tới chi phí sản xuất hàng hóa sẽ tăng theo và gây áp lực làm tăng giá của hầu hết các hàng hóa trên thị trường. Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, dịch bệnh ở Việt Nam cũng còn diễn biến rất phức tạp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung cầu hàng hóa trên thị trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân… Dự báo CPI năm 2022, ông Minh cho rằng mức tăng sẽ là 3,3% - 3,9% so với năm 2021.
Lạm phát 2022 vẫn trong tầm kiểm soát |
Ông Nguyễn Xuân Định - Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cũng cho rằng, có nhiều yếu tố tác động có thể gia tăng áp lực lên công tác kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm như: Căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực cũng như tình hình cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là trong lĩnh vực thương mại dự báo vẫn diễn biến phức tạp và có tác động tới kinh tế trong nước và nhiệm vụ kiểm soát lạm phát của Chính phủ. Rủi ro lạm phát trên thế giới vẫn tăng cao và sẽ có tác động gián tiếp tới Việt Nam.
Bên cạnh đó, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới và nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước khi kinh tế phục hồi như xăng dầu, gas vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ du lịch…
Áp lực từ việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số dịch vụ công trong giai đoạn tới, giá dịch vụ giáo dục dự kiến tăng mạnh trong năm học 2022-2023, chi phí vận tải, logistics tăng do chuỗi cung ứng đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục; cùng với đó là chi phí nguyên vật liệu tăng cao…
Tuy nhiên theo ông Định, các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế hiện nay cũng góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá, trong đó với các chính sách về miễn, giảm thuế, lệ phí sẽ góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Bên cạnh đó nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trên thị trường hiện vẫn dồi dào, giá các dịch vụ viễn thông, bưu chính cơ bản giữ ổn định…
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính cũng cho rằng, dư địa kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4% trong năm nay còn khá lớn. Cụ thể, để lạm phát trung bình năm nay vượt mức 4%, lạm phát trong 6 tháng cuối năm phải ở mức trên 5,56%, tức là trong giai đoạn còn lại của năm 2022, CPI sẽ phải tăng trung bình hơn 0,7%/tháng. Xác suất này xảy ra không cao bởi bất chấp giá xăng dầu và giá các nguyên vật liệu tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, CPI mới chỉ tăng trung bình khoảng 0,5%/tháng.
Trên thực tế, hiện giá xăng dầu và giá nhiều nguyên vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và Fed tăng lãi suất với tần suất cao. Bởi vậy, vị chuyên gia này cho rằng, kịch bản nhiều khả năng xảy ra hơn là giá xăng dầu và giá các nguyên vật liệu sẽ không tăng mạnh trong thời gian tới và tốc độ tăng CPI 6 tháng cuối năm sẽ ở mức thấp hơn 0,5%/tháng. Như vậy, kịch bản lạm phát trung bình năm nay sẽ ở mức dưới 3,5%.
Không chủ quan với lạm phát
Tuy lạm phát bình quân năm 2022 được dự báo vẫn sẽ được giữ ở mức dưới 4%, nhưng các chuyên gia cho rằng, khó khăn và áp lực lên công tác điều hành thị trường giá cả trong thời gian tới vẫn còn rất lớn. Đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.
Cùng với đó, cần tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế, lạm phát thế giới và các chính sách ứng phó của các nước, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược để kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan chuyên môn.
TS. Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công thương cũng khuyến nghị thực hiện biện pháp kiểm soát lạm phát một cách linh hoạt, chủ động; ổn định giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Đặc biệt cần kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, tránh gây tác động cộng hưởng lên lạm phát khi phải đồng thời thực hiện nới lỏng cả chính sách tài khoá và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, tính toán giảm thuế đối với xăng dầu nhằm kìm giá, chủ động chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tránh tình trạng khan hiếm đẩy giá tăng đột biến.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh, cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp tránh được tâm lý hoài nghi của các doanh nghiệp và tầng lớp dân cư, tránh tình trạng “lạm phát tâm lý”.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị NHNN tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính - tiền tệ, chủ động thực hiện điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam, góp phần kìm giữ lạm phát cơ bản để làm cơ sở cho việc kìm giữ CPI.