Nâng cao trách nhiệm của DN sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm cho tiểu thương | |
Doanh nghiệp, nhà hàng “khóc ròng” vì giá xăng dầu |
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, là một trong ba đơn vị được Chính phủ giao triển khai công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, Bộ Công thương đã quyết liệt triển khai đồng bộ các nhiệm vụ quản lý nhà nước, tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) sản xuất - kinh doanh thực phẩm khẳng định thương hiệu cũng như góp phần xây dựng, phát triển thị trường thực phẩm an toàn.
Điều này có thể nhìn thấy rõ qua việc Bộ Công thương đã và đang tích cực triển khai nhiều chính sách hỗ trợ dành cho những đối tượng thuộc phạm vi quản lý nhằm bảo đảm công tác ATTP vì quyền lợi người tiêu dùng (NTD) như: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Thực hiện nghiêm các công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước; Phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; Tăng cường công tác thông tin truyền thông, tập huấn phổ biến kiến thức và nâng cao ý thức cộng đồng về ATTP; Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm…
Bộ Công thương đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn |
Bộ Công thương đã, đang triển khai các chương trình, hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm ATTP, trong đó “Tháng hành động về ATTP năm 2022” và “Ngày ATTP Thế giới - 7/6/2022” đã trở thành điểm nhấn trong năm, tạo thành đợt cao điểm, một chiến dịch truyền thông về việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc do sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Tuy nhiên Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng chỉ ra thực trạng sản xuất nông sản, thực phẩm còn manh mún nhỏ lẻ, nhiều DN chưa áp dụng công nghệ cao trong sản xuất. Do vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát ATTP ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên toàn quốc, đảm bảo nguồn cung thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đặc biệt, nâng cao trách nhiệm của DN trong chuỗi cung ứng và phân phối thực phẩm an toàn là vấn đề cấp thiết. Ông Tô Duy Hải, Trưởng ban Đối ngoại CTCP Acecook Việt Nam cho biết, DN luôn nhận thức rõ được vai trò trách nhiệm và định hướng hoạt động của mình trong việc cung cấp những sản phẩm an toàn, an tâm, chất lượng cao cho người tiêu dùng. Như trong giai đoạn Covid-19 hoành hành, nhu cầu của người dân đối với thực phẩm nói chung và đối với sản phẩm mì ăn liền nói riêng rất lớn. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu tăng cao, hoạt động sản xuất, vận tải… bị hạn chế, Acecook đã nỗ lực hết sức để duy trì sản xuất, không tăng giá bán, phân phối hàng hợp lý và tặng rất nhiều sản phẩm cho người dân trong những vùng bị cách ly...
Khuyến nghị về các giải pháp nhằm thúc đẩy sự tham gia của DN vào hoạt động bảo vệ NTD, thúc đẩy ATTP, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD cho biết, trong công tác bảo vệ NTD có ba trụ cột: NTD, DN và cơ quan liên quan. Trong đó, DN đóng vai trò quan trọng vì quyền của NTD luôn gắn liền với trách nhiệm của DN. Do đó, để làm tốt công tác bảo vệ NTD phải có sự đồng hành, vào cuộc của DN. Bộ Công thương đã xây dựng và thông qua đề án Chương trình DN vì NTD với một bộ khung tiêu chí nói chung cho các DN và các bộ khung tiêu chí cho những ngành hàng cụ thể. Khung tiêu chí này sẽ giúp cho DN có cơ sở tự đánh giá hoạt động của mình có phù hợp với pháp luật bảo vệ NTD hay không.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, chủ trương của nhà nước là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để tạo điều kiện cho DN nhanh chóng đưa ra thị trường. Tuy nhiên, việc hậu kiểm cũng có những bất cập, đó là khi phát hiện các hành vi vi phạm về ATTP thì sản phẩm đã đưa ra thị trường số lượng lớn, việc thu hồi gặp khó khăn, gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân. Trước thực tế này, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tập trung đấu tranh các hành vi vi phạm về ATTP, nhất là trong các dịp lễ, Tết; tích cực giám sát thị trường, kịp thời phát hiện các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn… Đồng thời Cục sẽ yêu cầu DN thực hiện cam kết cung cấp sản phẩm an toàn ra thị trường cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu.