Ngành mía đường trong nước lấy lại “vị ngọt”
Những tín hiệu lạc quan
Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, ngành mía đường trong nước đã hoàn thành vụ ép mía 2023-2024 trong tháng 6/2024, với sản lượng mía ép trên 11,2 triệu tấn mía, sản xuất khoảng 1,1 triệu tấn đường. So với vụ ép 2022-2023, sản lượng mía ép trong vụ này tăng 117,9%, sản lượng đường đạt 118,4%; so với vụ ép 2020-2021, sản lượng mía ép đạt mức tăng 166%, sản lượng đường đạt mức tăng kỷ lục 161%.
Điều này cho thấy, kể từ khi Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (từ năm 2021), ngành mía đường trong nước đã ghi nhận sự hồi sinh, tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, giá mua mía của nông dân liên tục được nâng lên và đạt mức khoảng 1,3 triệu đồng/tấn mía, năng suất đường cũng đạt mức tăng trưởng cao với mốc 6,79 tấn đường/ha, đưa ngành mía đường Việt Nam trở thành quán quân về năng suất đường trong khu vực Đông Nam Á.
Ngành mía đường trong nước đã ghi nhận sự hồi sinh, tăng trưởng đáng kể. |
Đặc biệt, thời gian qua giá đường Việt Nam so với các nước lân cận trong niên vụ 2023-2024 cũng luôn ở mức thấp nhất. Theo đó , giá đường của Philippines là 193%, Indonesia là 106% và Trung quốc là 107% so với Việt Nam. Như vậy trong vụ ép 2023-2024, ngành mía đường của chúng ta đã thực hiện được mục tiêu kép là nâng giá thu mua mía đến mức tương đương hoặc cao hơn các nước trong khu vực, trong khi vẫn giữ giá đường ở mức thấp…
Ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Gia Lai đang là địa phương có vùng nguyên liệu mía lớn nhất cả nước với khoảng hơn 40 nghìn ha. Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 nhà máy đường đang hoạt động hiệu quả gồm Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai với công suất thiết kế 6 nghìn tấn mía cây/ngày và diện tích vùng nguyên liệu hơn 11 nghìn ha. Bên cạnh đó, Nhà máy đường An Khê, có công suất thiết kế 18 nghìn tấn mía cây/ngày, diện tích vùng nguyên liệu được đánh giá là lớn nhất cả nước với gần 28 nghìn ha. Niên vụ 2023/2024, sản lượng đường sản xuất của 2 nhà máy trên đạt 215 nghìn tấn đường, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng đường sản xuất của cả nước.
Ngành mía đường trong nước đã hoàn thành vụ ép mía 2023-2024, với sản lượng mía ép trên 11,2 triệu tấn mía, với khoảng 1,1 triệu tấn đường. |
Những năm gần đây, cây mía không chỉ giúp tạo sinh kế cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn Gia Lai mà còn là yếu tố thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị, sản xuất nông nghiệp bền vững ở địa phương…
Ông Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, trong thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục sẽ đồng hành và hỗ trợ ngành mía đường, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông dân và doanh nghiệp địa phương ổn định và phát triển. Đồng thời, Gia Lai cũng rất mong nhận được sự quan tâm, chỉ đạo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng như sự hợp tác của các địa phương trong cả nước để đưa ngành mía đường Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng phát triển bền vững và hiệu quả.
Vẫn còn những thách thức
Tuy đạt được những thành tích hết sức ấn tượng trong niên vụ 2023-2024, nhưng nhìn chung ngành mía đường Việt Nam vẫn còn đối diện với nhiều thách thức phía trước. Theo nhiều chuyên gia trong ngành, niên vụ 2024-2025 dự báo sẽ là một năm có nhiều thách thức đối với ngành đường Việt Nam khi phải đối phó với hiện tượng La Nina. Bởi, theo đánh giá của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nila với xác xuất 60-70%. Trên thực tế, thời gian gần đây thời tiết đã có những diễn biến phức tạp, bất lợi khi mưa lũ kéo dài, đặc biệt ở khu vực phía bắc.
Đặc biệt, ngành mía đường trong nước đang phải đối mặt rất nhiều hành vi gian lận thương mại liên quan đến đường nhập lậu từ Lào, Thái Lan về Việt Nam. Tình trạng này đã được các cơ quan chức năng phát hiện ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, song trên thực tế vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Một trong những nguyên nhân chính là sự buông lỏng kiểm soát ghi nhãn hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ đường đang bị các đối tương kinh doanh phi pháp lợi dụng triệt để…
Giá đường Việt Nam so với các nước lân cận trong niên vụ 2023-2024 đang ở mức thấp nhất. |
Vấn nạn đường nhập lậu có thời điểm đã “bót nghẹt” các doanh nghiệp mía đường trong nước. Thời kỳ cao điểm, Việt Nam có đến 41 nhà máy sản xuất đường. Đến vụ sản xuất 2021-2022 chỉ còn 25 nhà máy sản xuất đường hoạt động, trong khi 16 nhà máy phải đóng cửa, hơn 100 nghìn hộ gia đình nông dân trồng mía buộc phải chuyển sang trồng cây khác.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, vụ ép 2024-2025 dự kiến còn 25 nhà máy đường tiếp tục hoạt động (bằng số nhà máy hoạt động trong vụ 2023-2024), tổng công suất thiết kế là 124 nghìn tấn mía/ngày. Dự kiến, vụ ép tới đây cả diện tích mía thu hoạch, sản lượng mía ép và sản lượng đường đều tăng so với niên vụ trước…
Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, ngành mía đường là ngành hàng quan trọng, tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, thời gian tới, thị trường đường còn nhiều rủi ro, bất ổn, xu hướng tiêu dùng của người dân cũng thay đổi, tình trạng đường nhập lậu vẫn xảy ra… Bởi vậy, ngành mía đường trong nước sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Để tiếp tục lấy lại “vị ngọt” cho ngành mía đường trong nước, cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng, hợp lý và tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật cũng như định hướng phát triển của Nhà nước. Hiệp hội cũng đề xuất, kiến nghị các đơn vị tiếp tục củng cố chuỗi liên kết sản xuất mía đường, xây dựng thị trường lành mạnh, phòng chống hành vi gian lận thương mại đường, siết chặt quản lý truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường và có giải pháp ổn định vùng nguyên liệu mía - ông Nguyễn Văn Lộc chia sẻ.