Vì sự hồi sinh của ngành mía đường
Giá đường cao kỷ lục, cần kíp tạo lại vùng nguyên liệu mía Ngành mía đường trong nước lấy lại “vị ngọt” |
Vị ngọt đậm đà
Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 doanh nghiệp sản xuất đường đang hoạt động hiệu quả gồm: Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai với công suất thiết kế 6 nghìn tấn mía cây/ngày và diện tích vùng nguyên liệu hơn 11 nghìn ha; Nhà máy đường An Khê, có công suất thiết kế 18 nghìn tấn mía cây/ngày. Niên vụ 2023/2024, sản lượng đường sản xuất của 2 nhà máy trên đạt 215 nghìn tấn đường, giải quyết nhiều công ăn việc làm ở địa phương.
Đến nay, cây mía không chỉ giúp tạo sinh kế cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn Gia Lai, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị, sản xuất nông nghiệp bền vững ở địa phương… Ông Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, trong thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ ngành mía đường, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông dân và doanh nghiệp địa phương ổn định và phát triển.
Tương tự, tại Phú Yên, niên vụ 2023-2024 vừa qua, diện tích trồng mía toàn tỉnh đạt 26.192 ha, năng suất mía thu hoạch khoảng 65,63 tấn/ha, sản lượng trên 1,8 triệu tấn. Giá thu mua mía nguyên liệu tại ruộng của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam và Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa khoảng 1,33 triệu đồng/tấn đối với mía có chữ đường 10CCS. Hỗ trợ bà con nông dân trồng mía, các doanh nghiệp cũng thực hiện chính sách đầu tư như hỗ trợ tu sửa, nâng cấp các tuyến giao thông nội đồng; hỗ trợ cước vận chuyển mía giống, mía nguyên liệu để nhập về nhà máy; đầu tư về giống, phân bón…
Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, ngành mía đường trong nước đã hoàn thành vụ ép mía 2023-2024, với sản lượng mía ép trên 11,2 triệu tấn mía, sản xuất khoảng 1,1 triệu tấn đường. So với vụ ép 2022-2023, sản lượng mía ép trong vụ này tăng 117,9%, sản lượng đường tăng 118,4%; so với vụ ép 2020-2021, sản lượng mía ép đạt mức tăng 166%, sản lượng đường đạt mức tăng kỷ lục 161%.
Bên cạnh đó, giá mua mía của nông dân liên tục được nâng lên và đạt mức khoảng 1,3 - 1,4 triệu đồng/tấn mía, năng suất đường cũng đạt mức tăng trưởng cao với mốc 6,79 tấn đường/ha, đưa ngành mía đường Việt Nam trở thành quán quân về năng suất đường trong khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, trong vụ mía ép 2023-2024, ngành mía đường trong nước đã thực hiện được mục tiêu kép là nâng giá thu mua mía đến mức tương đương hoặc cao hơn các nước trong khu vực, trong khi vẫn giữ giá đường ở mức thấp để có sức cạnh tranh trên thị trường… Những tín hiệu vui nói trên cho thấy, ngành mía đường trong nước đã ghi nhận sự hồi sinh, phục hồi đáng kể, sau một thời gian điêu đứng.
Ngành mía đường trong nước đang trên đà phục hồi |
Bảo vệ ngành mía đường trong nước
Có thể nói, tuy đạt được những thành tích hết sức ấn tượng trong niên vụ 2023-2024, nhưng nhìn chung ngành mía đường trong nước vẫn còn đối diện với nhiều thách thức phía trước. Để bảo vệ sự hồi sinh của ngành mía đường rất cần sự chung tay, nỗ lực từ các cơ quan chức năng, doanh nghiệp đến từng hộ nông dân.
Mối nguy đầu tiên mà ngành mía đường trong nước đang phải đối mặt đó là vấn nạn đường nhập lậu. Gian lận thương mại đường nhập khẩu diễn ra liên tục tại Việt Nam với con đường nhập lậu chủ yếu từ Thái Lan, Lào… Mặc dù, cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm soát, song các đối tượng hoạt động ngày càng phức tạp, tinh vi, gây khó khăn trong việc ngăn chặn vấn nạn đường nhập lậu.
Trên thực tế, đường nhập lậu đã và đang gây khó khăn cho nguồn đầu ra làm tăng lượng tồn kho, thiệt hại chuỗi liên kết sản xuất của doanh nghiệp và nông dân trồng mía. Ngoài ra, vấn nạn đường lậu còn gây thất thu thuế, ảnh hưởng đến sự hồi sinh của ngành mía đường trong nước. Tình trạng này đã được các cơ quan chức năng phát hiện ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, song trên thực tế vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Cạnh tranh không lành mạnh, từng khiến các doanh nghiệp mía đường trong nước điêu đứng. Cả nước thời kỳ cao điểm có đến 41 nhà máy đường. Song, đến niên vụ sản xuất 2021 - 2022 chỉ còn 25 nhà máy hoạt động, 16 nhà máy buộc phải đóng cửa. Hơn 100 nghìn hộ gia đình trồng mía phải chuyển sang cây trồng khác.
Bên cạnh vấn đề đường nhập lậu, niên vụ 2024-2025 dự báo sẽ là một năm có nhiều thách thức đối với ngành đường Việt Nam khi phải đối phó với hiện tượng La Nina. Bởi, theo đánh giá của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nila với xác xuất 60-70%. Trên thực tế, thời gian gần đây thời tiết đã có những diễn biến phức tạp, bất lợi khi mưa lũ kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đặc biệt ở khu vực phía bắc cũng như miền Trung.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, vụ ép 2024-2025 dự kiến còn 25 nhà máy đường tiếp tục hoạt động (bằng số nhà máy hoạt động trong vụ 2023-2024), tổng công suất thiết kế là 124 nghìn tấn mía/ngày. Vụ ép tới đây cả diện tích mía thu hoạch, sản lượng mía ép và sản lượng đường đều tăng so với niên vụ trước… Để tiếp tục bảo vệ sự hồi sinh của ngành mía đường trong nước, theo đại diện Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa, công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vùng nguyên liệu và hoạt động canh tác mía của nông dân; đầu tư, nâng cấp thiết bị, công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng đường... Song song đó, doanh nghiệp cũng mong muốn, các bộ, ngành, địa phương có biện pháp kiểm soát thị trường đường, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại đường nhập lậu... tạo công bằng, lành mạnh cho các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước phát triển một cách bền vững.
Bên cạnh việc “mạnh tay” với vấn nạn đường nhập lậu, để tiếp tục lấy lại “vị ngọt” bản thân ngành mía đường cũng cần tập trung củng cố phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường. Tham gia bình ổn thị trường đường là yếu tố quan trọng bảo đảm đầu ra của chuỗi liên kết sản xuất mía - đường trên nguyên tắc bảo đảm nguồn cung cho thị trường; hài hòa lợi ích của người trồng mía, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ổn định giá đường ở mức hợp lý với túi tiền của người tiêu dùng cả trong nước lẫn xuất khẩu.