Nguồn vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh
Đã có 2.247 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt gần 12 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 27% về số vốn đăng ký. Cũng theo Tổng cục Thống kê, FDI thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2024 ước đạt 14,15 tỷ USD, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn ngoại thực hiện đầu tư cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, Việt Nam tiếp tục thu hút vốn ngoại. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam nổi bật với vị thế như một cửa ngõ vào khu vực. Ngoài ra, với vị trí chiến lược, lực lượng lao động dồi dào cùng các chính sách thân thiện là nguyên nhân tạo cho Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp muốn khai thác tiềm năng tăng trưởng.
Mặc dù so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan hay Malaysia, Việt Nam chưa sở hữu nhiều lợi thế vượt trội về công nghệ, quy mô thị trường, hay cơ sở hạ tầng hiện đại, nhưng các doanh nghiệp FDI vẫn xem Việt Nam là một điểm đến đầu tư đầy tiềm năng. Điều này bắt nguồn từ sự kết hợp giữa chi phí lao động cạnh tranh, vị trí địa lý chiến lược, môi trường chính trị ổn định, và các chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn.
Việt Nam nổi lên như một điểm sáng thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) |
So với Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia, mức lương trung bình và chi phí sản xuất ở Việt Nam vẫn thấp hơn đáng kể. Điều này giúp các doanh nghiệp nước ngoài giảm thiểu chi phí vận hành, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất, dệt may, và điện tử, đây là những ngành đòi hỏi lượng lớn lao động. Mức chi phí lao động cạnh tranh này không chỉ giúp thu hút các nhà đầu tư mới mà còn giữ chân các doanh nghiệp FDI hiện có đang tìm kiếm địa điểm khác thay thế cho các quốc gia có chi phí cao hơn.
Theo ông Nguyễn Đình Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc IPA Vietnam, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc của nhiều công ty đa quốc gia trong những năm gần đây đã mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam. Chiến lược "China+1" đang được áp dụng rộng rãi, trong đó các doanh nghiệp đa quốc gia thiết lập các cơ sở sản xuất bổ sung bên ngoài Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro do căng thẳng thương mại và chi phí sản xuất tăng . Với vị trí địa lý gần Trung Quốc, chi phí lao động thấp, và môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình. Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như Samsung, Intel, LG đã đầu tư mạnh vào Việt Nam, biến nước ta trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện tử hàng đầu khu vực.
Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều cải cách mạnh mẽ để tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn. Các chính sách ưu đãi thuế, giảm thủ tục hành chính, và hỗ trợ pháp lý đã được ban hành nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã được sửa đổi để phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp FDI khi muốn đầu tư và mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi đặc biệt trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, và khu công nghệ cao giúp các doanh nghiệp tiếp cận đất đai, nguồn nhân lực, và hạ tầng với chi phí hợp lý hơn.
Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều cải cách mạnh mẽ để tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn |
Đại diện Cục đầu tư nước ngoài cho biết, Việt Nam đang nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng, như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Các hiệp định này giúp Việt Nam có ưu thế về thuế quan khi xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là yếu tố quan trọng thu hút các doanh nghiệp FDI muốn tận dụng các ưu đãi về thuế và mở rộng thị trường xuất khẩu. Hơn nữa, với dân số trên 97 triệu người và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng tạo ra một thị trường tiêu thụ nội địa tiềm năng. Do đó không chỉ nhìn vào Việt Nam như một địa điểm sản xuất, các doanh nghiệp FDI còn thấy đây là một thị trường tiêu dùng đang phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực như hàng tiêu dùng nhanh, bán lẻ, dịch vụ và công nghệ.
Ông David Jackson, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hồng Kông tại Việt Nam (HKBAV) cho rằng, Việt Nam là một điểm đến đầu tư quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và bất động sản đối với các nhà đầu tư Hồng Kông. Có thể thấy, ngành công nghệ của Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ với nhiều đổi mới và tiến bộ. Sự đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất bán dẫn, linh kiện điện tử và các sản phẩm công nghệ cao khác đang tạo ra một cú hích lớn cho nền kinh tế. Các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đang nhìn thấy tiềm năng phát triển và lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Sự gia tăng đầu tư vào lĩnh vực này không chỉ đem lại nguồn vốn lớn mà còn thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ thuật cho lao động Việt Nam.
Các tập đoàn công nghệ lớn rất chú trọng đến thị trường Việt Nam |
Môi trường chính trị và xã hội ổn định của Việt Nam là một lợi thế lớn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này rất quan trọng đối với các nhà đầu tư dài hạn, bởi họ cần một môi trường ổn định để phát triển kinh doanh và bảo toàn vốn đầu tư.
Mặc dù hệ thống hạ tầng của Việt Nam chưa thể so sánh với các nước phát triển hơn trong khu vực như Singapore hay Malaysia, nhưng Việt Nam đang đầu tư mạnh mẽ vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng. Các dự án đầu tư xây dựng cảng biển, sân bay, đường cao tốc, và khu công nghiệp đang được triển khai trên khắp cả nước. Điều này giúp nâng cao khả năng kết nối, giảm chi phí logistics và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất và thương mại của các doanh nghiệp FDI trong tương lai.
Mặc dù còn nhiều thách thức cần khắc phục như cải thiện chất lượng hạ tầng, nâng cao trình độ lao động và tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, Việt Nam đã và đang chứng minh xứng đáng là một điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực Đông Nam Á, là một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư dòng vốn nước ngoài.