Nhiều câu hỏi sau vụ ô nhiễm nước sinh hoạt
Đảo lộn cuộc sống vì đứt nguồn nước sạch | |
Nguy cơ mất an ninh nguồn nước | |
Ô nhiễm, thiếu nước có thể gây tổn thất 3,5% GDP mỗi năm | |
Mất an ninh nguồn nước |
Công an tỉnh Hòa Bình đang khẩn trương và tích cực điều tra, xác minh, truy tìm thủ phạm gây ra vụ đổ dầu thải vào nguồn nước. |
Các cơ quan chức năng đang khẩn trương triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc để khắc phục sự cố, kịp thời cung cấp nguồn nước sạch, bảo đảm chất lượng cho nhân dân; điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Thủ phạm đổ trộm dầu thải tại con suối đầu nguồn nước sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, nhưng bên cạnh đó, dư luận cũng đang đặt ra những câu hỏi về trách nhiệm của đơn vị cung cấp nước sạch.
Tại buổi làm việc gần đây của Tổ công tác của Thủ tướng với Hà Nội, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt quan điểm của Thủ tướng là ông rất không hài lòng vì đơn vị cung cấp dịch vụ chưa hoàn thành nhiệm vụ và có dấu hiệu che đậy khi sự cố xảy ra.
Bản chất việc cung cấp nước cho người dân là thực hiện một hợp đồng mua bán, ở đó người dân trả tiền đầy đủ đồng nghĩa họ phải nhận được hàng hóa dịch vụ đảm bảo chất lượng. Do vậy, việc công ty phát hiện nước nhiễm dầu thải, nhưng không thông báo cho người dân và vẫn tiếp tục cung cấp nước, là rất khó chấp nhận.
Nước là dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống, liên quan mật thiết tới sức khỏe con người, vì thế chắc chắn phải đảm bảo những thông số tiêu chuẩn vệ sinh an toàn và phải có một hệ thống kiểm soát những thông số này.
Tuy nhiên trong thực tế hệ thống đó có thể không hoạt động hoặc vẫn hoạt động nhưng những người vận hành lại chủ động vô hiệu hóa nó, không công bố kết quả nước ô nhiễm và người dân phải tự phát hiện tự bảo vệ mình khi ngưng sử dụng nước có mùi lạ.
Chỉ đến khi các cơ quan truyền thông vào cuộc, sự thật mới được phơi bày và người tiêu dùng phải lắc đầu trước con suối đầu nguồn bị đổ dầu thải.
Đến đây, cũng cần phải đặt một câu hỏi nếu không phải là dầu thải có mùi khét đặc trưng mà là một chất độc hại khác không nặng mùi đồng nghĩa với việc người tiêu dùng không thể phát hiện, câu chuyện sẽ ra sao?
Theo các chuyên gia pháp lý, Thông tư 41/2018/TT-BYT về quy chuẩn nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt quy định tới 99 chỉ tiêu. Các chỉ tiêu này được chia thành 2 nhóm, A và B. Nhóm A gồm 8 chất ô nhiễm thường gặp nên mọi đơn vị cấp nước sạch đều phải test. Nhóm B gồm 91 chỉ tiêu hiếm gặp hơn nên tuỳ vào từng nguồn nước đầu vào có chất ô nhiễm nào thì sẽ test chất đó ở nước đầu ra. Điều 5 của Thông tư này cũng quy định là khi xảy ra sự cố môi trường ảnh hưởng đến chất lượng nước đầu vào thì phải test nước đầu ra tất cả các chỉ tiêu nhóm A và nhóm B.
Theo những thông tin mới nhất, thì công ty cung cấp dịch vụ, dù đã cải thiện biện pháp xử lý nước, nhưng nước xử lý xong chỉ được test các chỉ tiêu nhóm A, mà không test các chỉ tiêu nhóm B. Việc không test chỉ tiêu nhóm B dẫn đến không phát hiện ra chất styren từ dầu thải, là chất làm cho nước có mùi khét, không đưa ra cảnh báo và khuyến cáo người dân Hà Nội về chất lượng nước trong khoảng 10 ngày đầu tháng 10. Điều này có nguy cơ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe người dân sử dụng nước.
Khách quan mà nói, việc kẻ gian đổ trộm dầu thải không thuộc trách nhiệm của công ty. Chính vì vậy, ngay khi phát hiện sự việc, nếu công ty lập tức cảnh báo với người dân, đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ vào cuộc điều tra tìm nguyên nhân và xử lý, chắc chắn công ty sẽ nhận được sự chia sẻ, thậm chí hoan nghênh từ chính khách hàng.
Câu trả lời mới nhất của đại diện công ty cũng khiến người tiêu dùng không vừa lòng. Khi được báo chí chất vấn nhà máy có xin lỗi khi để người dân dùng nước bẩn hay không, đại điện nhà máy nước cho rằng: công ty là nạn nhân thiệt hại lớn nhất. Do đó, việc xin lỗi chỉ được thực hiện khi công an tỉnh Hòa Bình tìm ra hung thủ đổ trộm dầu thải và có kết luận về toàn bộ nội dung vụ việc.
Tuy nhiên, khi có kết luận cuối cùng thì với người tiêu dùng, một lời xin lỗi rất có thể sẽ là không đủ, bởi ngoài trách nhiệm với người tiêu dùng theo hợp đồng mua bán, đơn vị cấp nước còn phải chịu trách nhiệm tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật.