Phát triển công nghiệp bán dẫn: Để không bỏ lỡ cơ hội “vàng”
Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Sắp diễn ra sự kiện “Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024” |
Giai đoạn “nước rút”
Hiện nay có rất nhiều tập đoàn, tổng công ty toàn cầu đang có xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các quốc gia khác trên thế giới thay vì chỉ tập trung vào các quốc gia hay vùng lãnh thổ như hiện nay. Trong xu thế đó, Việt Nam là một trong các quốc gia đang được rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới trong ngành vi mạch bán dẫn quan tâm đến từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hà Lan,... với khoảng trên 40 công ty. Bên cạnh các dự án nước ngoài, Việt Nam có một số doanh nghiệp cũng tham gia vào việc nghiên cứu, sản xuất chip như FPT Semiconductor, CMC, Viettel, VNChip... Theo dự báo, ngành này có thể mang lại doanh thu hơn 620 tỷ USD vào năm 2024 và tăng mạnh lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn cần nhanh chân hơn trong thu hút đầu tư của các “ông lớn” công nghệ. Bởi hiện nay, nhiều quốc gia có các chính sách “khủng” để thu hút đầu tư vào các ngành bán dẫn. Chẳng hạn, Hàn Quốc có gói hỗ trợ 26.000 tỷ won (khoảng 19 tỷ USD) để hỗ trợ ngành công nghiệp chip; Trung Quốc thành lập Quỹ đầu tư bán dẫn quy mô 27 tỷ USD; Singapore đã công bố “Bản đồ chuyển đổi ngành điện tử” để đầu tư hơn 19 tỷ USD vào ngành công nghiệp bán dẫn trong 5 năm; Ấn Độ đã công bố sáng kiến “Nhiệm vụ Công nghiệp bán dẫn Ấn Độ” với 9,1 tỷ USD, hỗ trợ lên đến 50% chi phí...
Thực tế này đặt ra câu hỏi, Việt Nam sẽ cạnh tranh như thế nào trong việc thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn khi ngành này tại Việt Nam chưa có nhiều chuyển biến rõ nét, nguy cơ không bắt kịp được với thế giới và khu vực. Thu hút đầu tư vào lĩnh vực này cũng còn chậm, chưa có nhiều dự án lớn. Trong khi đó, Việt Nam chỉ có khoảng 3-5 năm để chuẩn bị và đón nhận cơ hội từ sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng ngành bán dẫn. Nếu không nhanh chân trong giai đoạn nước rút, cơ hội ngàn vàng có thể bị bỏ lỡ. Do vậy, Việt Nam cần có những bước đi chiến lược và gấp rút thực hiện các chiến lược đó để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Việt Nam chỉ có khoảng 3-5 năm để chuẩn bị và đón nhận cơ hội từ sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng ngành bán dẫn |
Chuẩn bị điều kiện hỗ trợ
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, Việt Nam phải ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là bước đi chiến lược nhằm xây dựng vị thế trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn. Bởi thế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang cố gắng “chạy nước rút” để sớm hoàn thiện Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ thông qua và triển khai thực hiện với tổng kinh phí dự kiến khoảng 26.000 tỷ đồng.
Nhiều địa phương đã hành động để tận dụng lợi thế thu hút đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn. Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP. Hà Nội Nguyễn Ánh Dương cho biết, Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 ngày 28/6/2024 xác định bán dẫn là lĩnh vực được ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của Thủ đô. Nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn theo quy định vào lĩnh vực bán dẫn sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư của Hà Nội về tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế thu nhập doanh nghiệp... Hơn nữa, Hà Nội được thí điểm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao.
Trong khi đó, một địa phương ở miền Trung là Bình Định đã bắt đầu "mở cánh cửa đầu tiên" để thành trung tâm công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI). Mới đây, UBND tỉnh Bình Định, Ban Nghiên cứu, phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) và Tập đoàn FPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng, phát triển AI, bán dẫn và an ninh mạng tại tỉnh Bình Định giai đoạn 2025 - 2030... nhằm giúp tỉnh Bình Định đạt mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn, AI, an ninh mạng, nhân lực chất lượng cao.
Theo các chuyên gia, muốn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn còn cần có các chính sách đặc thù đủ cạnh tranh, hấp dẫn để thu hút “đại bàng” trong lĩnh vực công nghệ. Nhóm chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp (Bộ Công Thương) đề xuất cần đẩy mạnh việc thu hút, kêu gọi các tập đoàn sản xuất bán dẫn đầu tư vào Việt Nam, đồng thời có cơ chế hỗ trợ hấp dẫn và lâu dài cho họ; thành lập trung tâm quốc gia hỗ trợ ngành bán dẫn; có cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp Việt Nam tập trung nghiên cứu và phát triển ngành bán dẫn, bao gồm cả phát triển các nghiên cứu về công nghệ lõi và phát triển nguồn lực phục vụ cho nhà máy sản xuất; sớm xây dựng và phát triển các mã ngành đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực bán dẫn cùng các chính sách khuyến khích đặc thù, cụ thể là chú trọng các chính sách hỗ trợ trong các nghiên cứu công nghệ lõi, chính sách ưu tiên trong đào tạo nguồn lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn...