Tăng chất cho tăng trưởng
Tăng trưởng kinh tế trở lại mức tiềm năng | |
Đồng Việt Nam ổn định, dự trữ ngoại hối tăng đáng kể |
Tăng trưởng có thể vượt mục tiêu
Với mức tăng trưởng cao đột biến 7,38% của quý I, nhóm nghiên cứu KTVM của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% của năm 2018 do Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi, với các điều kiện thuận lợi hiện nay tiếp tục được duy trì.
Tuy nhiên trong bối cảnh nguy cơ chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ đang diễn ra, cùng với những biến động địa chính trị lớn khiến tương lai của các nền kinh tế định hướng xuất khẩu trong đó có Việt Nam còn rất bất định trước các cú sốc từ thị trường thế giới.
Ảnh minh họa |
Đây là nhận định được VEPR đưa ra trong Bản báo cáo KTVM quý I/2018 vừa công bố ngày 10/4/2018. Tuy nhiên, xu hướng kinh tế “quý sau cao hơn quý trước” thường thấy trong nhiều năm qua nhiều khả năng sẽ khó lặp lại trong năm nay. Cụ thể, VEPR dự đoán tăng trưởng kinh tế quý II, III, IV lần lượt đạt 6,51%; 6,84% và 6,75% (đều thấp hơn quý I). Tính chung cả năm 2018, tăng trưởng dự báo đạt 6,83%, cao hơn so với mục tiêu đặt ra.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng đột biến 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý I vừa qua, trong đó riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - ngành được coi là động lực chính của tăng trưởng - tiếp tục tăng trưởng cao 13,9%. Tuy nhiên khi “soi” kỹ hơn về chỉ số sản xuất công nghiệp, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng việc chỉ số cả quý tăng nhưng trong tháng 3 giảm so với cùng kỳ là tín hiệu cần phải xem xét và dự báo.
Bởi nếu xu hướng giảm kéo dài qua các tháng sau đó thì có thể ảnh hưởng chung đến tăng trưởng kinh tế. Bà Lan cũng cho rằng, dự báo kinh tế toàn cầu năm nay sẽ không thuận lợi như 2017 và điều đó ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR cũng lưu ý, giá trị gia tăng tạo ra trong ngành chế biến chế tạo chủ yếu tới từ khu vực FDI. Điều này cho thấy sự phụ thuộc ngày càng nhiều của tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào khu vực vốn đầu tư nước ngoài. Đơn cử, riêng giá trị hàng xuất khẩu (điện thoại và linh kiện) của Samsung Việt Nam đạt 12,3 tỷ USD, tăng tới 58,8% so với cùng kỳ năm 2017 và góp phần giải thích lý do GDP Việt Nam quý I tăng trưởng mạnh.
Báo cáo của VEPR cũng chỉ ra, quy mô việc làm tạo mới trong quý I không cao tương ứng với mức tăng trưởng cao của nền kinh tế so với năm trước. Cụ thể, tính chung cả quý I, có hơn 225.000 việc làm mới được tạo thêm, trong khi cùng thời điểm này năm 2017 nền kinh tế thậm chí tạo thêm hơn 291.000 việc làm. Xét theo thành phần, tăng trưởng lao động ở khu vực nhà nước tiếp tục giảm 1,2%; trong khi ở khu vực ngoài nhà nước và FDI đều ghi nhận mức tăng lần lượt là 3,9% và 4,5%.
VEPR nhận thấy, số doanh nghiệp mới và việc làm tạo mới không cao tương ứng với tăng trưởng kinh tế trong quý I. Cụ thể trong khi số doanh nghiệp mới chỉ ở mức tương đương quý I/2017 thì có hơn 225.000 việc làm mới được tạo thêm trong quý I (trong khi cùng kỳ năm 2017 là hơn 291.000 việc làm).
“Hiện tượng số việc làm mới tạo ra ít hơn, trong khi tăng trưởng cao hơn, một lần nữa đặt ra câu hỏi về chất lượng tăng trưởng và sức mạnh thực chất của khu vực nội địa”, TS. Nguyễn Đức Thành lưu ý.
Tăng cường kiểm soát chi tiêu
Vấn đề thu chi ngân sách cũng được báo cáo của VEPR và các chuyên gia tập trung thảo luận. Việc hội nhập sâu rộng với thế giới đi (kéo theo đó là việc cắt giảm hàng rào thuế quan thương mại) bên cạnh yếu tố tích cực là góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng cũng tạo ra các khó khăn cho nguồn thu NSNN khi thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng giảm. Để bù đắp cho sự sụt giảm tổng thu ngân sách, Chính phủ buộc phải tăng các khoản thu nội địa khác.
Theo PGS, TS.Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính), chúng ta không nên kỳ thị với vấn đề thuế và phí, bởi không thể đòi hỏi Nhà nước làm quá nhiều thứ khi duy trì được nguồn thu. Hiệu quả thu – chi và trách nhiệm giải trình thế nào mới là quan trọng.
Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng chia sẻ quan điểm này khi cho rằng, vấn đề chính nằm ở chỗ minh bạch và giải trình. Cần giải trình rõ khi thu thuế của dân như vậy thì sử dụng để làm gì. Ví dụ tăng thuế đánh trên xăng dầu để bảo vệ môi trường thì cần chứng minh rõ bảo vệ như thế nào, môi trường sẽ được cải thiện ra sao…
Trong khi đó VEPR đưa ra quan điểm cho rằng, để đảm bảo cân đối thu chi cần cải thiện nguồn thu thông qua tăng hiệu quả hành thu, tăng hiệu quả thu trên các loại thuế đã có và thuế suất hiện thời, thay vì vội vã áp thêm các loại thuế mới hoặc tăng thuế suất. Và việc này cần có sự cải cách ngay trong nội bộ ngành thuế.
Một giải pháp đi liền với đó là duy trì nỗ lực kiểm soát chi ngân sách, đặc biệt là chi thường xuyên. Chi thường xuyên luôn ở mức cao trên 70% tổng chi trong các năm qua, mà một phần nguyên nhân tới từ bộ máy nhà nước cồng kềnh, lãng phí, kém hiệu quả khiến cho nguồn lực cho phát triển kinh tế dài hạn là chi đầu tư phát triển chưa có nhiều cải thiện.
“Do đó, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi thường xuyên như các chính sách tinh giảm biên chế, sắp xếp lại và tinh giản bộ máy, hạn chế chi tiêu cho các tổ chức đoàn thể, thoái vốn khỏi các DNNN như đã và đang thực hiện trong thời gian qua”, báo cáo khuyến nghị.