Tăng trưởng kinh tế trở lại mức tiềm năng
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt tối thiểu là 6,7% | |
Chỉ số PMI giảm mạnh xuống còn 51,6 điểm trong tháng 3/2018 | |
Tăng trưởng quý 1 cao nhất 10 năm, lạm phát trong tầm kiểm soát |
Tăng trưởng GDP 2018 có thể đạt khoảng 7%
Gần 2 năm trước ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam nói rằng: nếu các vấn đề cơ cấu kinh tế không được giải quyết thì trong những năm tới mức tăng trưởng GDP chỉ ở mức 5-5,5% sẽ là điều không có gì đáng ngạc nhiên, khiến nhiều người lúc đó không vui.
Nhưng ông Thành cũng cho rằng, ngược lại nếu các vấn đề mang tính cơ cấu được giải quyết tốt, thì có thể đưa tăng trưởng kinh tế trở lại mức tăng trưởng tiềm năng 7%, thậm chí cao hơn nếu môi trường kinh tế toàn cầu thuận lợi hơn và Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới trong các năm tới.
Nhiều kỳ vọng kinh tế có thể tăng trưởng cao hơn trong năm nay |
2 năm trước là lúc thâm hụt ngân sách nhà nước (NSNN) đang ở mức hơn 6%, nợ công tăng nhanh có thể chạm ngưỡng trần 65% vào cuối năm 2016. Kiểm soát thâm hụt ngân sách và nợ công cao chính là một trong những vấn đề mang tính cơ cấu cần được giải quyết, cần phải có lộ trình giảm thâm hụt ngân sách từ 5% xuống 3% và duy trì ổn định ở mức này, theo ông Thành.
Điểm đáng mừng là với những nỗ lực để giải quyết “vấn đề mang tính cơ cấu” này, mức thâm hụt ngân sách năm 2017 đã giảm mạnh, chỉ tương đương 2,3% GDP, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 3,5% GDP và thậm chí còn thấp hơn cả mức mà chuyên gia trên mong muốn. Nhờ đó, nợ công cũng giảm xuống và chỉ ở mức khoảng 61,3% GDP.
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2018 vừa diễn ra, Chính phủ đã thống nhất mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm nay đạt tối thiểu là 6,7% và cố gắng đạt cao hơn để tạo đà cho năm 2019 và các năm tiếp theo. Dù mục tiêu tối thiểu này đã cao hơn mục tiêu 6,5-6,7% đề ra từ đầu năm nhưng vẫn có nhiều cơ sở cho thấy tăng trưởng kinh tế rất có thể trở lại ngưỡng tăng trưởng tiềm năng 7% ngay trong năm nay.
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - tài chính quý I và dự báo cả năm 2018 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTCQG), tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt 6,9% - 7,1% nếu tăng trưởng các quý tiếp theo tiếp tục có những diễn biến thuận lợi.
UBGSTCQG cho rằng, tăng trưởng kinh tế quý I có nhiều thuận lợi dựa vào sự cải thiện về tổng cung của nền kinh tế, đặc biệt là nhờ những tác động tích cực có độ trễ của năm 2017. Trong các quý còn lại của năm 2018, nếu tổng cầu tiếp tục có những diễn biến tích cực như cầu tiêu dùng duy trì được đà tăng như quý I; đầu tư tư nhân tiếp tục tăng cao trong bối cảnh niềm tin vào tăng trưởng kinh tế khả quan; tích cực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu quý II/2018 để hỗ trợ tăng trưởng… thì tăng trưởng của nền kinh tế có thể vượt kế hoạch đề ra.
Nỗ lực nhưng không hy sinh để có tăng trưởng
Trước đó, trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào cuối tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao ca ngợi Chính phủ Việt Nam vì đã lãnh đạo nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2017 – mức cao nhất kể từ năm 2007, cho rằng Việt Nam đã theo đuổi các chính sách kinh tế vĩ mô lành mạnh và giảm thâm hụt ngân sách trong năm 2017, nhờ đó giảm tỷ lệ nợ công trên GDP.
ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ vượt 7% trong năm 2018, với động lực là tăng trưởng xuất khẩu nhanh, tăng tiêu dùng nội địa và hoạt động đầu tư mạnh mẽ từ nguồn vốn FDI. Lạm phát được dự báo vẫn vào khoảng 3,5% trong năm nay, do mức giá lương thực và chi phí vận tải trong nước tương đối ổn định làm giảm tác động của việc tăng mạnh cầu nội địa và cho vay ngân hàng lên lạm phát.
Khá tương đồng khi nhìn về diễn biến lạm phát trong năm nay, UBGSTCQG dự báo, nếu không có yếu tố đột biến, lạm phát năm nay dưới mức mục tiêu đề ra.
Trước tiên phải kể đến yếu tố giá hàng hóa phi năng lượng sẽ không gây nhiều áp lực lên lạm phát do tốc độ tăng giá hàng hóa thế giới năm 2018 được dự báo sẽ thấp hơn năm 2017. Tuy nhiên, nếu giá dầu thô tăng khoảng 15% - 17% sẽ góp phần làm cho giá giao thông vận tải tăng khoảng 5% - 7% so với năm trước, đóng góp làm CPI tổng thể tăng khoảng 0,5 - 0,7 điểm phần trăm.
Theo UBGSTCQG, như vậy dư địa lạm phát còn lại để điều chỉnh giá dịch vụ công trong năm 2018 là 1 - 1,2 điểm phần trăm. Nếu năm 2018, giá điện không tăng, giá dịch vụ y tế và giáo dục chỉ tăng 40% - 60% so với mức tăng của hai nhóm ngành này trong năm 2017 thì lạm phát sẽ ở mức 3,5% - 3,8% (so cùng kỳ).
Tuy lạm phát quý I tăng thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ và không thể chủ quan. Đơn cử là giá điện vẫn có thể tiếp tục tăng theo lộ trình; phương án điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường như dự thảo hiện nay (dự kiến có hiệu lực từ 1/7/2018) sẽ tác động đến CPI bình quân của năm 2018 khoảng 0,11-0,15%; lương cơ sở cũng điều chỉnh tăng từ giữa năm nay, khả năng áp lực lạm phát do cầu kéo… hay các yếu tố mang tính đột biến, bất thường khác như về thời tiết vẫn là những rủi ro ngắn hạn cho lạm phát năm nay.
Kỳ vọng và nỗ lực để tăng trưởng cao hơn là điều ai ai cũng muốn. Tuy nhiên, Chính phủ cũng thể hiện rõ quan điểm sẽ không tăng trưởng bằng mọi giá với tinh thần là nỗ lực tăng trưởng chứ không hy sinh để có được tăng trưởng và tăng trưởng ấy cần hướng đến chất lượng, hiệu quả.
TS. Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng: Cần có động lực mới cho tăng trưởng Tại kỳ họp vừa rồi, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao các bộ ngành cần nhìn xa trông rộng về dự báo không chỉ cho năm 2018 mà cả năm 2019-2020, lường trước các tình huống có thể xảy ra để có điều tiết chính sách tốt. Đây là điểm đáng ghi nhận trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Trong các vấn đề dài hạn, Chính phủ đang rất quan tâm tới yếu tố chu kỳ nền kinh tế vì đây là thuộc tính của nền kinh tế thị trường, sau một giai đoạn phát triển cao tốc độ tăng trưởng sẽ chững lại, cần nghiên cứu kỹ để có chính sách, giải pháp điều tiết tốt, đảm bảo phát triển bền vững. Vấn đề khác là các thành viên Chính phủ rất quan tâm tới việc nghiên cứu đánh giá tác động bên ngoài đối với kinh tế Việt Nam. Lý do là nền kinh tế của ta thuộc loại có độ mở lớn nhất thế giới, cho nên tất cả các yếu tố biến động bên ngoài đều có ảnh hưởng đối với thị trường tài chính cũng như kinh tế vĩ mô. Thị trường tài chính thế giới hiện nay cũng có nhiều yếu tố bất trắc, chính sách tiền tệ có thể có nhiều thay đổi lớn, qua đó ảnh hưởng tỷ giá, lãi suất, vì vậy Chính phủ hết sức quan tâm chỉ đạo điều hành công cụ chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá cần thận trọng đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng vẫn hỗ trợ tăng trưởng. Cũng trong điều kiện tăng trưởng đang có xu hướng tốt thì cần tập trung cải cách cơ cấu kinh tế, tăng cường nền tảng vĩ mô. Vấn đề khác cần chú ý là làm thế nào trong thời gian tới tìm ra được động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế để đảm bảo ổn định lâu dài. Chúng tôi thấy rằng thực tế là chưa bao giờ ngành nông nghiệp Việt Nam có sức hút lớn như bây giờ. Vì vậy việc phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm có thể giúp cho phát triển bền vững và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Và nếu phát triển công nghiệp chế biến tốt, cùng với nhu cầu thực phẩm phát triển tốt, thì đây chính là động lực mới cho tăng trưởng. TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế: Bổ sung nhiều yếu tố phát triển dài hạn Để đánh giá thực chất về chất lượng tăng trưởng cũng như khả năng tăng trưởng dài hạn, tôi cho rằng bên cạnh con số tốc độ tăng trưởng, chúng ta cần nhìn nhận dựa trên một số chỉ số khác. Các cơ quan thống kê, viện nghiên cứu đã có chỉ số phản ánh chất lượng tăng trưởng, trong đó hay dùng nhất là năng suất lao động, năng suất vốn, năng suất tổng hợp… mỗi chỉ số có một góc nhìn tốt nhưng cũng không đầy đủ. Chúng ta có thể bổ sung một vài chỉ số khác, ví dụ với các ngành, lĩnh vực có năng suất cao, qua thời gian cần xem xét lại đóng góp có tốt và bền vững hay không. Như nhìn lại thời gian qua đóng góp của Samsung rất lớn, vậy nhìn vào sản xuất của Samsung thì năng suất lao động cao hơn hay thấp hơn, hay giá trị gia tăng mà đằng sau đó là sự tham gia của các DN vệ tinh trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ… qua thời gian có chuyển biến tích cực, đóng góp lớn hơn hay không? Hay một chỉ số là số DN đăng ký thêm, số DN quay lại sản xuất, số DN tạm dừng hoạt động, phá sản… Đằng sau các động thái này của DN là gì, tập trung vào lĩnh vực nào? Từ các chuyển động đó có thể hình dung theo thời gian về năng suất, khả năng cạnh tranh… phần nào ít nhiều phản ánh chất lượng tăng trưởng. Hay một lĩnh vực mà chúng ta nói rất nhiều là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nó thay đổi thế nào về số lượng các nhà đầu tư, các quỹ, định chế tài chính quan tâm đến đâu, tham gia thế nào và mức độ gọi vốn như thế nào? Những dự án khởi nghiệp có thể ban đầu chỉ là mầm non, nhưng theo thời gian nó tạo ra một chất mới cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng bền vững. Nhìn rộng ra, chúng ta đã quan tâm đến các chỉ số liên quan đến phát triển dài hạn và bắt đầu có bước chuyển trên thực tế, nhưng số liệu đến nay đều chưa đủ, không đều, vì vậy cần theo dõi và có cái nhìn dài hơi hơn đối với sự thay đổi của các chỉ số này. |