Tăng lương sẽ không tác động lớn tới thị trường giá cả
Chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7/2024 Để tăng lương thực sự phát huy hiệu quả Tăng lương tối thiểu vùng, quyền lợi của người lao động thay đổi ra sao? |
Thông tin được tăng lương là niềm vui với bất cứ người lao động nào |
Nâng lương cải thiện cuộc sống người lao động
Thực hiện lộ trình cải cách tiền lương đã được Quốc hội thông qua, từ ngày 1/7 tới đây, dự kiến, mức lương của công chức, viên chức sẽ tăng khá cao so với hiện nay. Nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình tăng hơn 32% (khoảng 7,5 triệu đồng/tháng).
Qua đánh giá của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, mức lương tối thiểu vùng dự kiến đã cao hơn so với mức sống tối thiểu của người lao động dự kiến đến hết năm 2024 và cơ bản bảo đảm mức sống tối thiểu của năm 2025. Cùng với đó, mức lương tối thiểu mới này cũng có sự cân đối tương quan với mức lương bình quân trên thị trường lao động và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo bà Phạm Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), việc tăng lương tối thiểu vùng là cần thiết và cũng là tất yếu. Mỗi lần tăng lương tối thiểu thì đời sống của người lao động đều được cải thiện. Lương tối thiểu tăng đồng nghĩa với mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động sẽ được tăng lên; sau này khi họ nghỉ hưu sẽ có lương hưu cao, tương lai bảo đảm hơn. Tuy vậy cũng phải thấy rằng, việc tăng lương 6% cho người lao động trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng thì đó là sự nỗ lực rất lớn, trong khi các nước có mức tăng lương tối thiểu thấp hơn rất nhiều so với Việt Nam.
Cùng chung nhận định này, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, mức tăng 6% là sự cảm thông giữa người sử dụng lao động và người lao động trên tinh thần lợi ích hài hòa và chia sẻ rủi ro. Doanh nghiệp dù khó khăn nhưng sẽ có cách khắc phục. Hy vọng với các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ cộng với giãn giảm thuế, cải thiện môi trường đầu tư, giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính... sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phát triển.
Tăng lương sẽ không tác động lớn tới thị trường
Thông tin được tăng lương là niềm vui với bất cứ người lao động nào. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm nay, trước mỗi đợt tăng lương lại có tình trạng hàng hóa “té nước” theo lương, khiến người lao động mừng ít, lo nhiều dù ai cũng mong muốn có thể sống được bằng chính đồng lương của mình.
Về vấn đề này, tại họp báo thường kỳ quý II/2024 diễn ra vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng nêu, tình trạng “lương chưa tăng, giá đã tăng” là vấn đề đã xảy ra ở những kỳ tăng lương trước đây, dẫn đến việc tăng lương nhưng không tạo tác động thực chất cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách. Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, Chính phủ, bản thân thị trường và người dân đã có thích ứng để không bị tác động đến tâm lý khi thực hiện tăng lương. Cụ thể, đứng ở góc độ điều hành, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan cũng hết sức chú trọng thực hiện nhiều giải pháp để tăng tính chủ động, tăng lương nhưng không tăng giá. Trong cuộc họp của Ban chỉ đạo điều hành giá vừa qua, nhiều giải pháp cũng đã được đề cập, như đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện…, Thủ tướng Chính phủ cũng đã liên tục họp bàn và chỉ đạo các cơ quan không được để thiếu các mặt hàng này.
Bên cạnh đó, trên cơ sở tín hiệu thị trường các bộ, ngành cũng chủ động điều hành nhịp nhàng giá của các mặt hàng Nhà nước quản lý như viện phí, học phí... để điều chỉnh phù hợp, nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, giúp lạm phát kỳ vọng thay đổi. Bên cạnh đó là những giải pháp về thanh kiểm tra thị trường theo quy định của Luật Giá 2023, kiểm tra hoạt động về kê khai giá, thực hiện kiểm tra về bán hàng hoá, chống đầu cơ, lũng đoạn, thao túng giá…
Trong đó phải kể đến việc NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả theo mục tiêu đề ra phối hợp đồng bộ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí.
Đặc biệt, bà Lê Thị Tuyết Nhung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá đã, đang và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường; chủ động dự báo, tính toán và cập nhật kịch bản lạm phát để tham mưu với cấp có thẩm quyền xây dựng kịch bản điều hành giá tổng thể, cũng như triển khai các giải pháp cụ thể; đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược; chú trọng, tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong dịp lễ; chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường...
“Với tất cả những giải pháp đã thực hiện thì thị trường, người dân, doanh nghiệp và xã hội đã thích ứng với việc tăng lương, không có nhiều tác động đến tâm lý, song song với những giải pháp chủ động của Chính phủ và cơ quan quản lý thì sẽ không có tác động lớn đến thị trường”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định.