Tăng trưởng tín dụng
Cần phải nhìn lại hiệu quả của việc sử dụng đồng vốn khi thời gian qua doanh nghiệp và nền kinh tế đã quá phụ thuộc vào tín dụng.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 chỉ gấp 2 lần so với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế (so với những năm trước đó thường gấp 5-7 lần).
Việc giảm dần sự phụ thuộc của tăng trưởng vào vốn để tránh những bất ổn vĩ mô đang được Chính phủ thực hiện quyết liệt và các doanh nghiệp trước đây tiếp cận được vốn dễ dãi nay phải tuân theo kỷ luật tài chính là việc làm cần thiết. Điều này đã không tránh khỏi việc tín dụng tăng trưởng rất thấp trong 5 tháng đầu năm 2012. Nhiều doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) kêu không vay được vốn ngân hàng vì: thiếu tài sản thế chấp hoặc tài sản không đủ để đảm bảo nợ vay, không thể xây dựng phương án sản xuất kinh doanh... nên không đáp ứng được các điều kiện của ngân hàng… Nguyên do này theo ông Đỗ Minh Toàn – Phó tổng giám đốc NHTMCP Á Châu (ACB), đại bộ phận DNNVV đi vay vốn phải có tài sản đảm bảo vì không minh bạch tài chính, không có kỹ năng quản trị…
Bên cạnh đó, theo ông Trương Văn Phước - Tổng giám đốc Eximbank việc các ngân hàng không thể cho vay được một phần do các doanh nghiệp ăn nên làm ra hiện nay cũng đang đứng núi này trông núi nọ, hoạt động cầm chừng để chờ xem lãi suất thị trường sẽ xuống đến bao nhiêu rồi mới vay.
Lãi suất đang giảm và nhiều ngân hàng hiện nay cho vay với lãi suất chỉ 12-13%/năm. Ông Lê Kim Hòa – Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, gần một tháng nay dư nợ của ngân hàng đã tăng lên được gần 1.000 tỷ đồng sau những tháng đầu năm giảm. Đối với khách hàng tốt hiện chi nhánh đang cho vay với lãi suất 12%/năm. Bắt đầu từ ngày 1/6/2012, BIDV cũng thông báo rõ tới các khách hàng của mình mức lãi suất cho vay cao nhất chỉ 13%/năm.
Nhiều doanh nghiệp đang được ngân hàng xem xét và hỗ trợ giảm lãi suất vay, Công ty gas Thành Tài trước đây đã vay ngân hàng số tiền lớn để đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, mở rộng sản xuất với lãi suất 19%/năm. Nay công ty đã đề nghị được ngân hàng cho giảm lãi suất xuống còn 17%/năm. Còn tại ACB, ông Đỗ Minh Toàn cho biết, thực trạng hiện nay là khi ngân hàng muốn tái cấp lại tín dụng cho đối tượng DNNVV thì nhiều DNNVV đang bị lỗ, các ngân hàng đang châm trước và yêu cầu doanh nghiệp đưa phương án khắc phục lỗ để cho vay. Bên cạnh đó, NHTMCP Đông Á (DongABank) đang chủ động chăm sóc khách hàng của mình và ngân hàng chủ động giảm lãi suất nếu không khách hàng tốt sẽ đi sang ngân hàng khác.
Ông Trần Phương Bình – Tổng giám đốc DongABank đề nghị, các Hiệp hội doanh nghiệp phải cung cấp cụ thể về doanh nghiệp đang khó khăn và khó khăn ở khâu nào… để ngân hàng biết và có phương án “cứu chữa”. Với tình hình nhiều doanh nghiệp kiến nghị ngân hàng phải cho vay vốn để đầu tư mới hay mở rộng hoạt động sản xuất là không hợp lý. Ông Lê Hoàng Quân – Chủ tịch UBND cho rằng, với tình hình hiện nay các doanh nghiệp làm sao để tháo gỡ khó khăn chứ không thể lợi dụng vay vốn để đầu tư. Trong bối cảnh khó khăn mà doanh nghiệp đòi “ăn ngon giá rẻ” là không được.
Rõ ràng thời kỳ đồng vốn dễ dãi đã qua. Các doanh nghiệp và ngay cả Chính phủ phải đánh giá lại hiệu quả đầu tư của mình, thu gọn quy mô và tập trung vào những hoạt động có hiệu quả hơn. Sự điều chỉnh này rất quan trọng để bảo đảm tăng trưởng được xây dựng trên những nguyên tắc cơ bản bền vững.
Linh Lan