“Tham vọng” tham gia sâu vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam, với lộ trình 3 giai đoạn, từng bước hướng đến việc hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn Việt Nam tự chủ, có năng lực dẫn đầu ở một số công đoạn, phân khúc của chuỗi sản xuất.
Theo lộ trình, trong giai đoạn 2024- 2030, Việt Nam sẽ thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp (DN) thiết kế, 1 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; phát triển một số sản phẩm bán dẫn chuyên dụng trong một số ngành lĩnh vực.
Ký kết biên bản ghi nhớ về đào tạo nhân lực giữa Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng và 6 trường đại học trên địa bàn |
Giai đoạn này chúng ta đặt mục tiêu quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 25 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10- 15%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 225 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 10 - 15%. Quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 50.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Đến giai đoạn 2030 - 2040, sẽ phát triển công nghiệp bán dẫn kết hợp giữa tự cường và FDI, hình thành ít nhất 200 DN thiết kế, 2 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 15 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, từng bước tự chủ về công nghệ thiết kế, sản xuất sản phẩm bán dẫn chuyên dụng.
Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 50 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 15- 20%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 485 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 15- 20%. Quy mô nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt trên 100.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Mục tiêu trong giai đoạn 2040- 2050, sẽ hình thành ít nhất 300 DN thiết kế, 3 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn.
Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20- 25%; quy mô doanh thu công nghiệp điện tử tại Việt Nam đạt trên 1.045 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20- 25%. Đồng thời, hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn Việt Nam tự chủ, có năng lực dẫn đầu ở một số công đoạn, phân khúc của chuỗi sản xuất.
Trong mục tiêu chung, Đà Nẵng phấn đấu trở thành 1 trong 3 trung tâm vi mạch bán dẫn lớn của Việt Nam, với khoảng 5.000 nhân lực chất lượng cao được đào tạo đáp ứng được yêu cầu công việc trên toàn cầu.
Đà Nẵng triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều bước đi quan trọng với hướng chính là tập trung phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn gắn với trí tuệ nhân tạo. Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong ba trung tâm vi mạch bán dẫn lớn của Việt Nam, hình thành mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn gắn với phát triển đồng bộ hệ sinh thái vi mạch bán dẫn.
Đà Nẵng mong muốn sẽ đào tạo nguồn nhân lực không chỉ phục vụ cho Đà Nẵng hay Việt Nam mà còn hướng đến đáp ứng được yêu cầu công việc trên toàn cầu |
Hiện Đà Nẵng đang tập trung mọi nguồn lực để đào tạo, thu hút tối thiểu 5.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch bán dẫn. Trong đó, có ít nhất 2.000 nhân lực thiết kế và 3.000 nhân lực kiểm thử, đóng gói. Trong quá trình phát triển, Đà Nẵng mong muốn sẽ đào tạo nguồn nhân lực không chỉ phục vụ cho Đà Nẵng hay Việt Nam mà còn hướng đến đáp ứng được yêu cầu công việc trên toàn cầu.
Để hiện thực hoá “giấc mơ”, Đà Nẵng cũng đặt mục tiêu thu hút đầu tư ít nhất 20 DN thiết kế vi mạch bán dẫn, dịch vụ thiết kế, trong đó có từ 1- 2 DN đóng gói, kiểm thử. Bên cạnh mục tiêu về nguồn nhân lực, Đà Nẵng tập trung phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, có chính sách ưu đãi vượt trội để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các chuyên gia quốc tế hàng đầu đến đầu tư, kinh doanh.
Cụ thể, TP. Đà Nẵng đang tập trung thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao và 3 Khu công nghệ thông tin tập trung hiện hữu, phấn đấu cuối năm 2024 tiếp tục đưa vào vận hành Khu Công viên phần mềm số 2 với diện tích sàn hơn 90.000m2, đáp ứng cho hơn 6.000 nhân sự.
Cùng với đó, Đà Nẵng nghiên cứu, đầu tư mở rộng giai đoạn 2 dự án Khu công viên phần mềm số 2 với diện tích 2,5 ha; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, DN chiến lược đầu tư các khu công viên phần mềm, khu công nghệ thông tin tập trung mới trên địa bàn khoảng 22 ha…
Tại Nghị quyết 136/2024/QH15 của Quốc hội với các chính sách ưu đãi đặc thù thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn đã mở ra cho Đà Nẵng nhiều cơ hội để thu hút nhà đầu tư chiến lược, đối tác chiến lược trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn trí tuệ nhân tạo. Nhiều chính sách ưu đãi vượt trội cho DN sẽ được áp dụng, như nhà đầu tư chiến lược được cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; DN được cho thuê trực tiếp tài sản kết cấu hạ tầng thông tin không thông qua đấu giá; được Nhà nước chỉ định thầu mua sắm các trang thiết bị đặc thù…
Đà Nẵng đang tích cực phát triển nguồn nhân lực đối với lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo |
Đặc biệt, khi thí điểm thành lập Khu Thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu thì sẽ có hai phân khu có thể hỗ trợ cho sự phát triển của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Đó là phân khu sản xuất và logistics, đây là hạ tầng quan trọng phục vụ cho những định hướng lâu dài.
Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng, lãnh đạo địa phương nhận thức rõ việc thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo không phải là hoạt động mang tính chất phong trào, ngắn hạn, mà là một lĩnh vực ưu tiên nghiên cứu, đầu tư, phát triển một cách bài bản, dài hạn.
Do đó, với định hướng cụ thể cùng những bước đi “nhanh nhưng chắc” cùng những lợi thế từ Nghị quyết 136/2024/QH15, Đà Nẵng có đầy đủ cơ sở để phấn đấu trở thành 1 trong 3 trung tâm vi mạch bán dẫn lớn của cả nước, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.