Thông tư 20 – bỏ hay tiếp tục?
Thông tư 20: Doanh nghiệp 'nóng lòng' chờ Bộ Công thương | |
Thông tư 20 đã hoàn thành sứ mệnh |
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một số chuyên gia kinh tế và đại diện các DN nhập khẩu ô tô nhỏ và vừa… ủng hộ phương án bãi bỏ Thông tư 20. Bộ Công Thương mới đây cũng cho biết đã báo cáo xin ý kiến Chính phủ, đồng thời đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 20, để làm rõ những quy định tại thông tư này là thủ tục hành chính hay điều kiện kinh doanh.
Nên loại bỏ khi hết hiệu lực
Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, Luật Đầu tư và Luật DN 2014 đều hướng tới việc làm thế nào để cởi trói cho hoạt động kinh doanh, Nhà nước chỉ điều chỉnh như thế nào để thị trường không méo mó. Chính vì vậy việc ứng xử với Thông tư 20 rõ ràng là phép thử với Chính phủ mới.
Loại bỏ Thông tư 20 để cải thiện môi trường kinh doanh |
“Chúng ta đã nhiều lần sửa đổi chính sách bảo hộ cho ngành ô tô. Cho đến thời điểm này tôi có thể nói chiến lược này đã hoàn toàn thất bại. Để thuế suất nhập khẩu chiếm 20-25% tổng thu nhập thuế nhà nước là bất hợp lý vì ở các nước chủ yếu là thuế nội địa, thuế XNK chỉ chiếm từ 15-20% mà thôi.
Nhà nước muốn cân bằng thu nhập thì lại tăng thuế nhập khẩu, dùng thuế nhập khẩu để cân bằng ngân sách. Thủ tướng đã từng đánh giá rất cao việc này khi Bộ Tài chính cân bằng được ngân sách vì tăng thuế nhập khẩu, nhưng điều đó không công bằng với người tiêu dùng. Đây là lý do ô tô nhập khẩu Việt Nam nằm trong những nước có giá cao nhất thế giới. Tất cả những khập khiễng vừa rồi là do chúng ta không quan tâm đến lợi ích của người tiêu dùng”, ông Mại nói.
Chính vì vậy theo ông, nếu hội nhập mà chỉ chú ý đến lợi ích của nhà nước và DN thì đó là sai lầm nghiêm trọng. Bất kỳ hoạt động nào cũng phải chú đến lợi ích của người tiêu dùng, nhân dân.
“Bên Vụ Tài chính không nên coi việc duy trì ngân sách bị ảnh hưởng bởi Thông tư 20. Từ khi có thông tư 20 đến nay, số lượng ô tô nhập khẩu chưa giảm. Thông tư này chỉ làm thiệt hại cho đối tượng các chủ gara ô tô bởi khi hội nhập kinh tế quốc tế, người tiêu dùng có quyền lựa chọn. Do đó, tôi cho rằng không nên nâng Thông tư 20 thành một nghị định, mà để cho thông tư này hết hiệu lực vào ngày 1/7/2016”, ông Mại bày tỏ.
Thế nhưng các DN lớn đang được Thông tư 20 bảo hộ lại một mực cho rằng, quyền của người tiêu dùng đang được bảo vệ. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc chi nhánh Audi Hà Nội cho rằng, ở đây chúng ta nên xét trên quan điểm quyền lợi của các bên gồm người tiêu dùng, nhà nước và DN.
Ông cho rằng, nếu có Thông tư 20, giá xe sẽ rất rõ ràng, tất cả sẽ được niêm yết. Khách hàng không phải lo giá xe bị biến động theo thị trường và hoá đơn rất đầy đủ. Khi không được mua xe chính hãng, người tiêu dùng sẽ là người bị thiệt hại. Các hãng xe chính hãng có mạng lưới bảo hành toàn quốc, theo đúng tiêu chuẩn và trang thiết bị đắt tiền. Do đó, người tiêu dùng có thể được bảo hành chính hãng ở các tỉnh thành trên cả nước.
Về vấn đề liệu có độc quyền hay không độc quyền, ông Dũng cho biết, DN của ông ban đầu cũng chỉ là DN nhỏ. Do đáp ứng được yêu cầu kinh doanh của hãng nên được chọn là nhà phân phối tại Việt Nam. “Do đó chúng tôi không có độc quyền. Không bao giờ có chữ “độc quyền” trong hợp đồng với các hãng xe”.
Duy trì Thông tư 20 là đi ngược tinh thần cải cách
Trong khi đó, nhiều DN khác lại cho rằng, không thể dẫn lý do về thuế thấp hoặc lý do an toàn để hạn chế nhập khẩu xe. Ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phúc An cho rằng, bản thân các DNNVV rất ít nhập các dòng xe sang. Và giá xe nhập về thường có tham chiếu hải quan.
Giá xe thực tế 6 tỷ đồng nhưng khai báo hải quan 3 tỷ đồng, có thể đó là quà tặng, số này rất ít. “Tôi cho rằng, đối với các DNNVV việc lo ngại về trốn thuế thì đã có các cơ quan nhà nước cụ thể là hải quan quản lý”, ông Tuấn nói.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Đình Quyết, Giám đốc Công ty Hưng Hà cho rằng, nếu chỉ có mỗi DN này thì chắc chắn thị trường chỉ có 1 giá. Người tiêu dùng sẽ không có lựa chọn nào khác nên rất thiệt thòi. Cũng chính vì thế mà dư luận đặt dấu hỏi vì sao Rolls-Royce và Lexus lại thu lãi khủng đến vậy.
“Đó là do độc quyền mà ra. Các anh cứ nói bảo vệ người tiêu dùng nhưng không phải. Người tiêu dùng là ai, là tất cả chúng ta ngồi đây. Độc quyền hay ủy quyền chỉ là ngôn từ mà thôi. Bản chất chính của ủy quyền ở đây chính là việc các DN đang mua thương quyền rồi trả tiền dịch vụ và sau đó lại chuyển vào chi phí tính cho khách mà thôi”, ông Quyết phân tích.
Ông Nguyễn Hữu Dung, Giám đốc Công ty Carmax đồng tình với việc loại bỏ Thông tư 20. Hoàn toàn không có chuyện trốn thuế hay không đảm bảo chất lượng bởi khi 1 chiếc xe nhập về Việt Nam phải qua nhiều cửa như Hải quan, thuế do Bộ Tài chính quản lý.
Nếu có nghi ngờ thì không được thông quan. Sau khi hải quan thông quan mới được lấy xe sang khỏi cảng, sau đó còn có kiểm định của cơ quan chống lậu. Về chất lượng, chiếc xe có được nhập hay không đã có Cục Đăng kiểm kiểm định, trạm đăng kiểm có cấp cho chiếc xe được lăn bánh hay không thì chiếc xe mới được lưu hành.