TP. Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp dần phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp 3 tháng tăng 5,1%
Lãnh đạo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh nhận định, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng ổn định do hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, số lượng sản phẩm sản xuất cũng tăng so với cùng kỳ ở các mặt hàng như thuốc lá, vải, quần áo các loại trừ quần áo thể thao, sách, vở, giấy và các sản phẩm bằng giấy chưa phân vào đâu; phân khoáng hoặc phân hóa học, bột giặt và các chế phẩm dùng để tẩy rửa; bao bì đóng gói bằng plastic.
Nhựa thuộc nhóm ngành hóa dược - cao su - nhựa có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao nhất trong nhóm bốn ngành công nghiệp trọng yếu của TP. Hồ Chí Minh |
Theo thống kê, trong bốn ngành trọng yếu của thành phố, ngành hóa dược - cao su - nhựa có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao nhất với 3 tháng ước tăng 13,3%. Các doanh nghiệp ngành hóa chất, nhựa đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp giữ nhịp sản xuất, duy trì đà tăng trưởng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Trong đó, nhựa là ngành sản xuất hỗ trợ cho các lĩnh vực công nghiệp khác, nhiều sản phẩm ngành nhựa đã đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường quốc tế và xuất khẩu ra các nước; sản phẩm nhựa trong những năm gần đây được đánh giá cao về mức độ cải tiến và nâng cao về chất lượng sản phẩm, mẫu mã đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng trong nước và quốc tế.
Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, nhu cầu sử dụng nhựa trong nhiều lĩnh vực như đóng gói, ô tô, điện tử, y tế và nông nghiệp vẫn đang tăng lên. Các sản phẩm từ nhựa được sử dụng ngày càng phổ biến. Đặc biệt trong một số lĩnh vực, nhựa còn trở thành một nguyên liệu thay thế cho các nguyên liệu truyền thống như trong xây dựng, điện - điện tử.
Tương tự, ngành cơ khí có chỉ số sản xuất công nghiệp 3 tháng ước tăng 7,1%. Ngành cơ khí trong nước từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp và kinh tế phát triển. Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện thành phố, nhìn chung ngành cơ khí phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, phần lớn doanh nghiệp sản xuất còn phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, hạn chế về thiết bị, công nghệ, giá thành, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng trong sản phẩm chưa cao.
Với ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống, chỉ số sản xuất công nghiệp 3 tháng ước tăng 7%, trong đó ngành đồ uống chịu tác động kép bởi các quy định hạn chế đồ uống có cồn, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt... dẫn đến sức tiêu thụ bia, rượu sụt giảm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Tuy nhiên, ngành đồ uống đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt những kết quả đáng mừng và đã có sự tăng trưởng trở lại sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Để thích ứng với bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp rượu, bia đã có sự chuyển dịch trong sản xuất, kinh doanh như chuyến đối sang mô hình đồ uống có nồng độ cồn thấp, không cồn hoặc các loại cocktail, bia ít cồn hương vị trái cây.
Riêng ngành sản xuất hàng điện tử có chỉ số sản xuất công nghiệp 3 tháng ước giảm 5,3%. Giải thích về mức giảm này, Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam cho rằng, dưới tác động của đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga - Ukraine đã khiến giá nhiên, nguyên liệu tăng, chuỗi cung ứng sản xuất linh kiện bị gián đoạn, ảnh hưởng tới ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, trong đó có ngành công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, quý I/2024, dự báo kết quả sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố đều được mở rộng quy mô, tiếp tục đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh đó tình hình sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp vẫn chưa ổn định, còn nhiều khó khăn, một số chỉ có đơn hàng mang tính nhỏ lẻ, chưa ổn định; giá bán không tăng tương xứng với chi phí đầu vào và giá nguyên vật liệu tạo sức ép lớn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp xuất khẩu còn gặp khó khăn do căng thẳng tại Biển Đỏ làm tăng giá cước vận chuyển, nên phải thay đổi hành trình, dẫn đến thời gian vận chuyển dài hơn, chi phí tăng lên, gây ảnh hưởng đến việc giao thương của các doanh nghiệp.
“Trước bối cảnh đó, Sở Công Thương đã chủ động xây dựng, ban hành sớm và triển khai thực hiện Chương trình công tác năm 2024 với giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp… Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các hội ngành nghề, doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp mới như tổ chức chương trình xúc tiến thương mại ở Ý, Pháp, Đức,... để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khấu. Trong nước, Sở Công Thương theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả hàng hóa; chỉ số sản xuất công nghiệp; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, phong phú sẵn sàng cung ứng ra thị trường, đáp ứng tốt cho nhu cầu mua sắm của người dân”, ông Vũ nói.