TP.HCM: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2 tăng 20% so với cùng kỳ
Theo đó, ngành cơ khí ước tăng 6,2% (cùng kỳ tăng 5,1%). Mặc dù còn khó khăn do tác động của đại dịch, nhưng một số doanh nghiệp FDI đa quốc gia đang bị gián đoạn nguyên liệu cũng như các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nhập khẩu đã tìm kiếm các nhà cung ứng trong nước đế thay thế. Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Báo cáo cũng cho thấy, ngành hóa dược - cao su - nhựa ước tăng 35,2% (cùng kỳ chỉ tăng 2%). Trong đó, ngành sản xuất hóa chất ước tăng 21,8%; Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu ước tăng 20,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic ước tăng 51,8% so cùng kỳ.
Tuy nhiên ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống ước giảm 1,5% (cùng kỳ tăng 3,6%), nguyên nhân giảm do ngành sản xuất đồ uống giảm 16,6% do nhiều đơn vị (Công ty TNHH Nhà Máy Bia Việt Nam; Công ty CP Bia Sài Gòn Bình Tây; Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam,...) giảm sản lượng bia đóng chai, đóng lon, nước ngọt, nước khoáng..., so với cùng kỳ.
Cũng vậy, ngành sản xuất hàng điện tử ước giảm 13,2% (cùng kỳ tăng 32,4%), chủ yếu giảm sản lượng mặt hàng điện tử dân dụng, máy tính và thiết bị ngoại vi.
Lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM cho rằng, năm 2022 TP.HCM xác định là năm tập trung phục hồi kinh tế, tạo đà tăng tốc phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo, trong đó đặt doanh nghiệp là trung tâm của sự tăng trưởng kinh tế. Trong những tháng cuối năm 2021, tình hình sản xuất tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục có xu hướng chuyển biến tích cực.
Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP.HCM đã hoạt động sản xuất trở lại sau thời gian gián đoạn do dịch bệnh Covid-19. Nhiều doanh nghiệp và nhà bán lẻ trên địa bàn thành phố đã có kế hoạch phối hợp nhà sản xuất, nhà cung cấp, tăng cường lượng hàng thiết yếu để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ người dân. Tháng 2 vừa qua, thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với chủ trương mở các hoạt động của khu vực sản xuất, dịch vụ; đảm bảo an sinh xã hội cho người dân Thành phố; đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới.
Đồng thời, Thành phố đã ban hành quy định tạm thời các biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn. Nhiều doanh nghiệp đã tổ chức sản xuất trở lại nhờ vào quyết tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như gỡ bỏ những quy định không cần thiết, khai thông vận chuyển, lưu thông hàng hóa, ưu tiên cho người lao động của doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng nguồn vaccine…
“Trong thời gian tới, ngành công thương TP.HCM sẽ tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, cùng chia sẻ trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác phòng chống dịch; xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống, kiểm soát, thích ứng với dịch bệnh; Tập trung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2022-2025; Phát huy vai trò của các Hội đồng phát triển các ngành làm cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu và tổ chức tài chính trong việc xây dựng, triển khai các nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025…”, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết.