2023 - một năm kiên cường của kinh tế Việt Nam
[Infographic] Kinh tế Việt Nam 11 tháng năm 2023 [Infographic] Kinh tế Việt Nam năm 2023 |
Ông đánh giá thế nào về kinh tế Việt Nam trong năm qua?
Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới. Quan hệ thương mại mạnh mẽ của Việt Nam với phần còn lại của thế giới là nguồn sức mạnh và tạo nên sự thành công trong thời gian qua. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào nhu cầu từ các đối tác thương mại đã đưa Việt Nam vào thế phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2023. Kết quả là, sau những năm Covid rất khó khăn, tình hình kinh tế năm 2023 là kém mạnh mẽ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990.
Ông Andrea Coppola - Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới |
Tuy nhiên, tôi vẫn đánh giá kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 là tích cực trong bối cảnh toàn cầu đầy thách thức. Tăng trưởng kinh tế ở Hoa Kỳ là khoảng 2,5% vào năm 2023; Khu vực đồng Euro thậm chí còn yếu hơn, chỉ ở mức khoảng 0,5%. Trong khi đó, Việt Nam vẫn có thể tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tương đối nhanh. Đầu tư công đã tăng khoảng 35% so với năm trước, giúp duy trì tăng trưởng kinh tế.
Cho dù đây là những kết quả ấn tượng nhưng vẫn còn đó những thách thức, bao gồm vấn đề cải thiện việc triển khai các dự án đầu tư công, vốn ngày càng trở nên quan trọng đối với sự tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam.
Bối cảnh như ông vừa nêu có phải là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn?
Có hai nguyên nhân chính mà đầu tiên là liên quan đến yếu tố bên ngoài. Suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh đến nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam. Cú sốc bên ngoài này ảnh hưởng đến rất nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu.
Trong những lĩnh vực sản xuất rất quan trọng đối với kinh tế Việt Nam, nhiều công nhân mất việc làm và thu nhập của họ bị ảnh hưởng. Điều này một phần dẫn đến nguyên nhân thứ hai đằng sau những khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải, đó là do yếu tố trong nước. Thu nhập của nhiều người lao động Việt Nam bị sụt giảm dẫn đến tiêu dùng nội địa giảm tốc, không chỉ quay lại ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất mà còn ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp khác, các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
“Quá trình phục hồi đang dần diễn ra” như ông nói lúc đầu là như thế nào?
Giai đoạn cuối năm 2023, chúng ta bắt đầu thấy có dấu hiệu phục hồi kinh tế. Sự phục hồi này được thúc đẩy bởi ba yếu tố chính.
Thứ nhất, nhu cầu bên ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam dần phục hồi. Hoạt động xuất nhập khẩu giảm xuống mức thấp nhất vào giữa năm 2023 và hoạt động thương mại được cải thiện trong nửa cuối năm.
Thứ hai, các cơ quan chức năng đã cho thấy rõ vai trò quan trọng của việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, với con số tăng đáng kể so với năm 2022. Đầu tư công là yếu tố then chốt vì chúng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn, và vì vậy cải thiện hơn nữa đầu tư công là ưu tiên hiện nay của Việt Nam.
Thứ ba, bất chấp cú sốc mạnh giáng xuống nền kinh tế, tiêu dùng tư nhân vẫn phục hồi tốt. Sự tăng trưởng của doanh số bán lẻ ổn định ở mức khoảng 7,5% kể từ tháng 8. Tốc độ tăng trưởng này tuy chậm hơn đáng kể so với trước đại dịch nhưng tiêu dùng tư nhân vẫn là một động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.
Nếu chọn một từ để miêu tả Việt Nam năm 2023 thì ông sẽ chọn từ gì?
Tôi chọn từ “kiên cường”. Với đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam, suy thoái kinh tế toàn cầu là một cú sốc tiêu cực lớn đối với đất nước, nhưng Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng mà nhiều nước trên thế giới chỉ có thể mơ ước.
Việt Nam thu hút nhiều sự chú ý quốc tế trong năm 2023. Báo chí truyền thông toàn cầu đã đăng tải nhiều bài viết nhấn mạnh thành tích và tiềm năng của Việt Nam, và chuyến thăm của các nguyên thủ thế giới tới Việt Nam càng thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế nhờ sự ổn định về kinh tế, chính trị và khả năng hội nhập nền kinh tế toàn cầu.
Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng mà nhiều nước trên thế giới chỉ có thể mơ ước |
Trong bối cảnh như vậy, điều quan trọng đối với Việt Nam là tiếp tục củng cố môi trường kinh doanh và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tư nhân để tận dụng tối đa tác động của diễn biến địa chính trị toàn cầu đối với đầu tư và thương mại quốc tế.
Với “hành trang” từ năm 2023, Việt Nam bước vào năm 2024 cần chú ý điều gì?
Sau đợt suy thoái toàn cầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ giảm tốc hơn nữa vào năm 2024, bao gồm cả các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Hoa Kỳ. Hiệu suất yếu kém sắp tới có thể là kết quả việc tác động chậm trễ của chính sách tiền tệ thắt chặt đang diễn ra hiện nay, điều kiện tín dụng hạn chế và thương mại toàn cầu suy yếu. Theo tôi, rủi ro chính trong năm 2024 bao gồm rủi ro địa chính trị, tác động của các cuộc xung đột lên giá năng lượng, căng thẳng tài chính liên quan đến tăng lãi suất kéo dài, và hoạt động kinh tế yếu hơn ở Trung Quốc.
Trong bối cảnh như vậy, điều quan trọng là Việt Nam phải giảm thiểu khả năng dễ bị tổn thương trước các cú sốc bên ngoài và ngày càng tận dụng tốt hơn sức mạnh nội tại và năng suất trong nước để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo ông, mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% trong năm 2024 có phải là thách thức?
Do tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục chậm lại vào năm 2024, tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% trong năm 2024 là đầy tham vọng. Bất chấp suy thoái toàn cầu, nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam có thể dần được cải thiện và chúng tôi dự đoán tăng trưởng kinh tế sẽ tăng nhẹ nhưng sẽ rất khó đạt được mức 6% hoặc 6,5%, trừ khi nhu cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước tăng tốc mạnh hơn nữa.
Chính phủ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa, bằng cách đẩy nhanh việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng và dự án đầu tư công nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn.
Cuối cùng, thông điệp của ông dành cho Việt Nam năm 2024 là gì?
Dù chúng tôi tin rằng nhu cầu xuất khẩu đối với hàng Việt Nam từ phần còn lại của thế giới sẽ phục hồi vào năm 2024, nhưng nó sẽ không mạnh như trước và tình hình đầy thách thức này có thể kéo dài trong một thời gian. Trong bối cảnh đó, thông điệp của tôi dành cho Việt Nam là tận dụng sức mạnh nội tại và thúc đẩy tăng năng suất của nền kinh tế trong nước để biến những thách thức do suy thoái kinh tế toàn cầu gây ra thành cơ hội củng cố hơn nữa mô hình tăng trưởng kinh tế của mình. Tôi cũng muốn nhân cơ hội này chúc mọi người một năm 2024 khỏe mạnh, thịnh vượng và thành công.
Trân trọng cảm ơn ông!