“Bóng tối” của phim chiếu trên nền tảng số
Lan tỏa “chất” phim ngắn Việt | |
Tranh thủ mua sắm trên nền tảng số |
Phim chiếu trên nền tảng số, truyền hình xuyên biên giới đang có những tác phẩm ảnh hưởng không tốt đến tư duy, thẩm mỹ người xem |
Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa yêu cầu kênh truyền hình xem phim trả phí Netflix gỡ bỏ bộ phim Trung Quốc “Gửi thanh xuân ấm áp của chúng ta” khỏi kênh này do nội dung vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Trong tập 9 của bộ phim này, trước những chi tiết, hình ảnh bản đồ vi phạm chủ quyền Việt Nam xuất hiện, khán giả nước ta rất bức xúc. Bị “tuýt còi”, Netflix lập tức gỡ bộ phim này ra khỏi nền tảng của mình và đến nay, bộ phim kể trên không còn trên hệ thống phim của Netflix.
Cũng trên kênh Netflix cách đây không lâu, công chúng nổi đóa với bộ phim truyền hình “Madam Secretary” (Bà Ngoại trưởng) được trình chiếu trên trang này. Trong đó, cảnh phim “Madam Secretary” xuất hiện sai sót nằm trong tập 4 của phần 1. Bối cảnh đang được nhắc tới là một khu phố người Hoa, nơi diễn ra những hoạt động ngầm của các tay anh chị giang hồ. Bối cảnh thực ở Phố cổ Hội An, nhưng lại được chú thích trong phim là tỉnh Phú Lãng, Trung Quốc.
Cuối tháng 8/2020, khán giả nước ta cũng rất bức xúc khi bộ phim Trung Quốc có tên gọi “Lấy danh nghĩa người nhà” chiếu trên hệ thống một kênh truyền hình trả phí trong nước có những chi tiết, hình ảnh sai trái về chủ quyền. Đó là cảnh trong tập 18 của “Lấy danh nghĩa người nhà”, một nhân vật bước vào thang máy, biển quảng cáo trong thang máy in hình bản đồ Trung Quốc được cho là có “đường lưỡi bò”. Nhiều người cho rằng, bộ phim này đã được “cài cắm” thông điệp quảng bá cho bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc, cực kỳ nguy hại đối với người xem.
Theo Bộ Thông tin – Truyền thông, tại Việt Nam đang xuất hiện nhiều dịch vụ truyền hình xuyên biên giới có thu tiền thuê bao định kỳ, như: WeTV (Trung Quốc), IQIYI (Trung Quốc), Iflix (Malaysia), Netflix (Mỹ)... Nội dung trên các dịch vụ truyền hình này chủ yếu là các thể loại phim (gồm cả phim tài liệu lịch sử); các chương trình trò chơi truyền hình; chương trình truyền hình thực tế; phóng sự điều tra... Qua theo dõi, Bộ Thông tin – Truyền thông ghi nhận những rủi ro về nội dung trên các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới nêu trên. Chẳng hạn, loạt phim tài liệu “Vietnam War” có nội dung xuyên tạc lịch sử; mô tả hình ảnh bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm (phim “Bánh đa tầng”, “Polar: Sát thủ tái xuất”, “After Porn End”, phim “365 Days”...).
Theo đánh giá của Bộ Thông tin – Truyền thông, điểm chung của nội dung trên các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới này là đều đang được cung cấp trên quan điểm, nhận thức của các doanh nghiệp nước ngoài, không được biên tập phù hợp truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam; trái quan điểm chính trị; chuyển ngữ tiếng Việt sử dụng từ ngữ thô tục, phá hoại tính trong sáng của tiếng Việt; chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình.
Liên quan đến vấn đề này, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), cho biết, hiện nay, Luật Điện ảnh mới chỉ điều chỉnh phim phát hành trên hệ thống rạp chiếu và trên sóng các đài truyền hình của nhà nước, còn trên hệ thống các nền tảng mạng, đặc biệt là các nền tảng mạng xuyên biên giới, phục vụ khán giả Việt Nam gần như luật này chưa động đến.
Luật Điện ảnh hiện hành đang bộc lộ nhiều điểm lạc hậu với thực tế đời sống. Đặc biệt là trong việc khai thác, phổ biến phim trên môi trường mạng Internet, xem phim trên các thiết bị di động cá nhân, phổ biến phim phát qua vệ tinh. Chưa hề có chế tài về việc quản lý các phim được phát hành, phổ biến trên Internet, cho các thuê bao Việt Nam từ nhà phát hành đặt máy chủ ở nước ngoài.
Hiện nay, phát hành phim trên Internet là một kênh kinh doanh của doanh nghiệp (tức nhiều tác phẩm sản xuất chỉ nhằm chiếu trên mạng, không ra rạp), do đó cần quy định chi tiết hơn để tăng cường quản lý và hạn chế tác động tiêu cực của loại sản phẩm văn hóa độc hại. Một số phim phát hành trên Internet vi phạm Luật Điện ảnh và một số luật khác nhưng không quy được trách nhiệm quản lý cho đơn vị nào, không có chế tài pháp lý.
Nhiều phim phát hành trên Internet hoặc khai thác từ vệ tinh vi phạm Luật Điện ảnh và các luật khác có liên quan nhưng không quy được trách nhiệm quản lý, không có cơ chế xử phạt nên không chấn chỉnh được hoạt động phát hành phim trên Internet. Bởi vậy, khán giả đang rất kỳ vọng các cơ quan hữu quan tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là lấp lỗ hổng trong Luật Điện ảnh. Cần nhanh chóng sửa đổi Luật Điện ảnh, điều chỉnh, bổ sung những điểm mới phù hợp với tình hình thực tiễn.