Cần đánh giá toàn diện thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường
Có nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường?
|
Hội thảo công bố báo cáo“Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường”. |
Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi) với việc điều chỉnh một số nội dung quan trọng. Một trong những nội dung chính sách được bổ sung mới tại Dự thảo là “Mở rộng cơ sở tính thuế”, trong đó có quy định: “Bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB”; Ban soạn thảo cũng đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% do đây là mặt hàng mới.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cơ quan soạn thảo chưa đánh giá toàn diện các tác động của việc áp dụng các quy định này. Theo các chuyên gia, một số phân tích khoa học cho thấy việc áp thuế TTĐB như tại Dự thảo chưa đảm bảo hiệu quả về điều tiết hành vi tiêu dùng; đồng thời chưa đảm bảo nguyên tắc công bằng của chính sách thuế. Mặt khác, cơ quan soạn thảo cũng chưa có luận giải về cơ sở của việc đề xuất áp dụng thuế suất thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát (NGK) có đường.
Để rộng đường dư luận, ngày 17/10 , Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu “Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường”.
Báo cáo của CIEM nhận diện các tác động kinh tế dựa trên cấu trúc nền kinh tế Việt Nam thông qua bảng IO cập nhật năm 2022 và các dữ liệu chính thống liên quan sẵn có. Kết quả tính toán cho thấy, khi áp thuế TTĐB 10% đối với NGK có đường sẽ tác động cụ thể tới ngành NGK như quy mô sản xuất của các doanh nghiệp nước giải khát bị co hẹp sau khi tăng thuế; giá trị tăng thêm (VA) và giá trị sản xuất (GO) của nhóm ngành NGK đều giảm. Trong đó, giá trị tăng thêm giảm 0,772%, tương đương giảm 5.650 tỷ đồng.
Đồng thời, việc áp thuế TTĐB này không chỉ tác động tới ngành NGK mà còn tác động tới 24 ngành khác trong quan hệ liên ngành. Hệ quả tác động tới toàn nền kinh tế như tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế giảm 0,601%; tương đương 55.077 tỷ đồng. Điều này kéo theo sự sụt giảm về GDP ở mức 0,448%, tương đương giảm 42.570 tỷ đồng; khấu hao tài sản cố định giảm ở mức -0,654% (tương đương giảm 7.767 tỷ đồng); lợi nhuận giảm với mức -0,561% (tương đương giảm 8.773 tỷ đồng). Vì thế, nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế trực thu) sụt giảm 2.152 tỷ đồng.
Ngoài ra, kết quả tính toán tác động tới thu nhập của người lao động trong toàn nền kinh tế giảm 0,6%, tương đương giảm 34.534 tỷ đồng. Tuy nhiên, với phương án áp thuế này, kết quả phân tích bảng IO cho thấy năm đầu tiên áp thuế (năm 2026) ước tính nguồn thu từ thuế gián thu tăng 0,853%. Nhưng đến chu kỳ tiếp theo (chu kỳ sau 1 năm), nguồn thu từ thuế gián thu bắt đầu suy giảm với mức -0,495%/năm, tương ứng ước tính giảm khoảng 4.978 tỷ đồng/năm. Và các chu kỳ sau, nguồn thu ngân sách tiếp tục giảm.
TS Nguyễn Minh Thảo (CIEM) cho biết, xét về tác động kinh tế, việc áp thuế TTĐB 10% đối với NGK có đường dẫn tới tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Cũng như thực trạng chung của doanh nghiệp ngành đồ uống, ngành NGK là ngành dễ bị tổn thương trước các cú sốc, bao gồm cả những thay đổi về chính sách. "Quá trình soạn thảo các văn bản, chính sách tác động tới doanh nghiệp ngành NGK càng đòi hỏi phải thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng. Theo đó, báo cáo này đề xuất chưa áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường" - bà Thảo cho hay.
Nhiều chuyên gia băn khoăn nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường liệu có đạt được mục tiêu chính sách và thay đổi hành vi người tiêu dùng |
PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính cho rằng việc cải cách chính sách thuế giai đoạn 2025 - 2026 cần phải khuyến khích tiêu dùng nội địa; tính tới rủi ro của doanh nghiệp; rủi ro lạm phát trong ngắn hạn. Ông Cường dẫn chứng, từ tháng 1 năm 2023 đến tháng 8 năm 2024, tốc độ sản xuất công ghiệp chỉ tăng 5%, thấp hơn mức tăng GDP quý. Muốn thay đổi cơ cấu kinh tế phải khuyến khích tiêu dùng nội địa. Vì vậy, các chính sách thuế đối với tiêu dùng nội địa như thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải tính toán cụ thể.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho biết, hiện nay, ở một số nước bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Tại Thái Lan năm 2024 Chính phủ đã giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu còn xuống 5%, và rượu mạnh 0% để phục vụ du lịch. Theo bà Cúc, để điều chỉnh hành vi người tiêu dùng, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ là một phần, còn lại phải có các biện pháp khác quan trọng để định hướng hành vi, thay đổi tiêu dùng. Do đó, khi đưa ra một chính sách thuế cần phải cân nhắc tính khả thi của chính sách khi đi vào thực tiễn.
Phó trưởng Ban dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, việc áp dụng với thuế tiêu thụ đặc biệt với NGK có đường sẽ tác động lớn tới người tiêu dùng, doanh nghiệp. Do đó cần có cơ sở đánh giá khoa học, cũng như có những bằng chứng thuyết phục hơn nữa về việc áp thuế hay không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với NGK có đường. Mục tiêu cải thiện sức khỏe của người dân là quan trọng nhất, vì vậy vì vậy cần có đánh giá của ngành y tế về vấn đề này. Chúng ta đưa ra chính sách phù hợp với điều kiện của Việt Nam, tình hình kinh tế Việt Nam và sức khỏe cộng đồng là điều quan trọng. Hiện nay cũng nhiều luồng ý kiến về vấn đề này. Vì vậy cần thêm nhiều nghiên cứu cụ thể. NGK có đường chỉ là một trong những nguyên nhân gây thừa cân béo phì. Ngoài ra còn có rất nhiều yếu tố khác như chế độ dinh dưỡng, ít vận động, các bệnh khác…
Đại diện cho doanh nghiệp, bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, khi chưa có đầy đủ các đánh giá tác động, VBA kiến nghị xem xét cân nhắc chưa nên bổ sung mặt hàng NGK có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB tại lần sửa đổi này.
Một số doanh nghiệp cho biết thêm, nếu phân tích chuyên sâu, lượng đường gây ra bệnh béo phì không hoàn toàn đến từ nước giải khát. 5g/100ml không thể là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh béo phì. Trên thị trường có nhiều mặt hàng khác có hàm lượng đường cao như trà sữa, bánh kẹo, bánh trung thu… Vậy có nên đánh thuế và đánh thuế như vậy liệu có công bằng?