Di dời các cơ sở công nghiệp ra ngoại thành: Quan trọng là nhận thức của doanh nghiệp
Hà Nội yêu cầu tẩy độc môi trường, di dời Công ty Rạng Đông |
Toàn bộ khu vực Công ty Rạng Đông được cô lập tránh nước mưa |
Trên địa bàn Hà Nội trước đây có nhiều khu, cụm công nghiệp, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp không thuộc khu vực nội thành.
Cùng với sự phát triển, mở rộng về địa giới của Hà Nội cùng quá trình đô thị hóa như vũ bão, nhiều khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất trên nhanh chóng “lọt” vào vùng lõi trung tâm, thậm chí hơn là đang nằm lẫn trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường đến mức nguy hại.
Chính vì thế, trong Quy hoạch chung về xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch trên địa bàn 12 quận, huyện đã được đặt ra.
Cụ thể, năm 2016, báo cáo về tác động của Luật Thủ đô, thành phố Hà Nội đã xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thành. Trong đó có nhà máy Dệt kim Đông Xuân ở đường Minh Khai, Nhà máy sản xuất thuốc lá Thăng Long, Công ty cổ phần thương mại Bia Hà Nội, Công ty cổ phần Xây lắp và Cơ khí cầu đường, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông… Song, đến nay (năm 2019), nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp trong danh sách cần di chuyển gấp trên vẫn “án binh bất động”.
Và sự cố vụ cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông chỉ là giọt nước tràn ly, thêm một hồi chuông được gióng lên cảnh báo về những nguy cơ cháy nổ từ các nhà xưởng nằm lẫn trong khu dân cư vẫn hiện hữu, có thể trở thành thảm họa bất cứ lúc nào. Tuy không có thiệt hại về người và tài sản của người dân sinh sống quanh nhà máy do được di dời kịp thời, song những khuyến cáo từ Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) sau sự cố này là rất quan trọng.
Theo ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ TN&MT, đây là sự cố cháy nổ mất an toàn hóa chất, ảnh hưởng sức khoẻ con người ở mức độ trung bình. Ông Nhân khẳng định, phạm vi vùng có nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng xấu sức khoẻ người dân là khoảng cách bán kính 500m. Người dân trong vùng bán kính 500m áp dụng các biện pháp vệ sinh, phòng ngừa phơi nhiễm để bảo vệ sức khỏe. Tổ chức chế độ theo dõi sức khỏe thường xuyên, định kỳ.
Về giải pháp trước mắt, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu Công ty Rạng đông khẩn trương thực hiện các biện pháp cô lập khu vực bị cháy, che chắn bằng mái tôn, phủ bạt tại khu vực bị cháy để tránh nước mưa và không để hơi thủy ngân tiếp tục phát tán ra môi trường, tiến hành thu gom, lưu giữ tạm thời trong các container để tiến hành xử lý theo quy định; phối hợp với các đơn vị có năng lực (như Bộ Tư lệnh Hóa học, Bộ Quốc phòng) để tiến hành tẩy độc khu vực bị cháy.
Về lâu dài, ông Nhân lưu ý, Hà Nội cần có kế hoạch, tạo điều kiện để di dời toàn bộ hoạt động của Công ty Rạng Đông nói riêng và các nhà máy sản xuất có sử dụng hoá chất độc hại có nguy cơ cháy nổ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội đô, xa khu dân cư.
Từ vụ việc trên còn lộ diện thêm công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại Công ty Rạng Đông nhiều bất cập như: Hệ thống PCCC thiếu và yếu, đường cho xe chữa cháy vào nhỏ hẹp…, còn nhiều yếu kém trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng chuyên môn (thanh tra của Bộ TN&MT, PCCC...).
Sâu xa hơn, đó là sự chưa sâu sát, triệt để, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Trong thời gian tới, Nhà nước cần có chính sách cụ thể hơn nữa, vừa tạo điều kiện vừa kiên quyết để các doanh nghiệp có thể sớm di dời, KTS. Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị khuyến nghị.
Bên cạnh đó, vấn đề rất quan trọng chính là nhận thức của các doanh nghiệp, ông Nghiêm cho biết thêm.
Ở góc nhìn khác, việc di dời các cơ sở sản xuất cũng mở ra cơ hội cho bất động sản công nghiệp Hà Nội cũng như vùng ven đón sóng. Nguồn cung đất công nghiệp dồi dào đang tạo điều kiện cho các dự án sản xuất và tăng các lựa chọn thuê đối với cả nhà xưởng xây sẵn cho thuê và nhà xưởng xây theo yêu cầu.
Hiện, tại Hà Nội có gần 40 khu – cụm công nghiệp, hay các tỉnh tiếp giáp với Hà Nội như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên đều có nhiều khu công nghiệp hiện đại, tiện nghi với nhiều ưu đãi dành cho khách thuê. Nếu các cơ sở sản xuất công nghiệp còn chần chừ, e sẽ lỡ nhịp, bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, nguồn vốn FDI và các FTA thế hệ mới đang dồn dập đến Việt Nam, sẽ nhanh chóng lấp đầy các khu công nghiệp, khiến giá thuê có thể tăng, khó chen chân, khó khăn trong tìm nhân lực… - đại diện của Savills Việt Nam chia sẻ.
Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trọng điểm đang tăng. Dự kiến số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp phải di dời lớn đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gia tăng đầu tư vào thị trường bất động sản công nghiệp, tích cực chuyển đổi các vùng nông nghiệp sang công nghiệp, đảm bảo nguồn cung mới.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý hậu quả sự cố vụ cháy tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ TN&MT và các cơ quan liên quan trực tiếp chỉ đạo, tiếp tục khẩn trương triển khai các công việc xử lý hậu quả vụ cháy ở Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, trong đó chú trọng: 1. Thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng do sự cố vụ cháy; đôn đốc, hướng dẫn, giám sát thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố môi trường, đồng thời điều tra, xác định nguyên nhân gây cháy nổ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. 2. UBND thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi khu vực đô thị và khu vực tập trung đông dân cư theo kế hoạch đã được chỉ đạo. |