Fed giảm lãi suất: Thêm dư địa cho chính sách tiền tệ
Lạm phát dịu đi, tạo cơ hội cho Fed giảm lãi suất [Infographic] Fed giảm lãi suất, chính thức bắt đầu chu kỳ nới lỏng |
Đây là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ tháng 3/2020 của Fed. Trong tuyên bố sau cuộc họp chính sách này, các nhà hoạch định chính sách của Fed cho biết, cơ quan này đã có thêm niềm tin rằng lạm phát đang trên lộ trình ổn định hướng tới mức mục tiêu 2%. Mặt khác, Fed cũng đã sẵn sàng điều chỉnh lập trường chính sách tiền tệ trong trường hợp rủi ro xuất hiện có thể cản trở việc đạt được các mục tiêu về lạm phát và việc làm của cơ quan này. Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách của Fed cũng đưa ra tín hiệu có thể giảm lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm vào cuối năm nay. Tiếp đó, Fed dự kiến cắt giảm lãi suất 4 lần trong năm 2025 và giảm lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm 2026. Fed cũng nâng dự báo về tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vào cuối năm 2024 lên mức 4,4%, từ mức 4% đưa ra vào tháng 6/2024.
Dư địa điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn trong hỗ trợ phục hồi kinh tế |
Theo TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, việc Fed giảm lãi suất tới 0,5% là không quá bất ngờ với thị trường. Dựa trên các số liệu tích cực hơn như về lạm phát các dự đoán khẳng định chắc chắn Fed sẽ giảm lãi suất vấn đề chỉ là giảm bao nhiêu. Có thể Fed nhận thấy nếu giảm 0,25% thì mức độ ảnh hưởng đến nền kinh tế nhỏ, trong khi thị trường lao động “nhấp nhổm”, niềm tin về sức cầu chưa cao... Để hạn chế nguy cơ suy thoái cần giảm lãi suất mạnh hơn.
Đồng quan điểm, TS. Châu Đình Linh - Chuyên gia ngân hàng cho biết, không quá bất ngờ đối với quyết định giảm lãi suất của Fed bởi cơ quan này đã phát đi thông điệp chính sách định hướng từ nhiều cuộc họp trước đó. Việc Fed giảm lãi suất có nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó có chính sách tiền tệ. Cụ thể, giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa đồng VND và USD giảm áp lực lên lãi suất VND, đồng thời sẽ kéo dòng vốn ngoại ở lại Việt Nam mà không chảy sang thị trường khác, đặc biệt là Mỹ. Cộng hưởng là nguồn cung ngoại tệ dự báo tiếp tục tích cực trong thời gian tới nhờ xuất khẩu tăng trưởng tích cực, kiều hối thường chảy mạnh vào dịp cuối năm... giúp sức ép lên tỷ giá vơi đi rất nhiều. Ngoài ra, NHNN có thể tranh thủ mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối giúp niềm tin vào giá trị đồng nội tệ trong quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng sẽ gia tăng.
TS. Võ Trí Thành cho rằng, động thái cắt giảm lãi suất của Fed sẽ làm giảm áp lực lên chính sách tiền tệ ở các nước nhất là nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. NHNN có thêm dư địa điều hành chính sách linh hoạt hơn trong hỗ trợ phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng nhất là giải tỏa áp lực tăng lãi suất trong thời gian qua.
“Thực tế thời gian qua, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng để ngân hàng hút vốn phục vụ cho cầu tín dụng cuối năm. Điều này dấy lên lo ngại lãi suất cho vay điều chỉnh tăng. Tuy nhiên với việc áp lực tỷ giá nhẹ gánh hơn, ngân hàng có thêm nhiều dư địa để giữ mặt bằng lãi suất ổn định, thậm chí là có thể giảm thêm đối với các lĩnh vực ưu tiên. Điều này đối với Việt Nam rất cần thiết không chỉ để đạt mục tiêu cao hơn năm nay, mà còn phục hồi sau tác động bất lợi của bão”, TS. Thành phân tích thêm.
Một yếu tố tích cực từ việc Fed giảm lãi suất, nhà đầu tư nước ngoài có thể quyết định mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, bởi môi trường kinh doanh, tình hình chính trị ổn định. Việc vốn FDI tiếp tục tăng trưởng minh chứng cho điều này. Ngay cả đầu tư gián tiếp thông qua thị trường chứng khoán cũng đã có tín hiệu tích cực, khi khối ngoại đã mua ròng trở lại sau một thời gian dài bán ròng. Ba phiên đầu tuần (16-18/9), khối ngoại đã mua ròng gần 1.000 tỷ đồng.
Từ phân tích trên, có thể thấy áp lực lên điều hành chính sách tỷ giá, lãi suất vơi đi khá nhiều. TS. Châu Đình Linh cho rằng, cơ quan điều hành có thể tận dụng dư địa chính sách để hỗ trợ kinh tế trong nước. Đầu tiên quan trọng nhất giai đoạn này là tập trung giải pháp chính sách khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng thiên tai thông qua nắn dòng vốn vào khu vực này; giãn hoãn, miễn giảm lãi, giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ... giúp người dân, doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong đó, NHNN cố gắng tận dụng dư địa chính sách đang dư dả tạo môi trường lãi suất thuận lợi, tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay chia sẻ với doanh nghiệp, thúc đẩy cầu tín dụng đóng góp tăng trưởng GDP trong năm 2024.
Thực tế thời gian vừa qua, NHNN đã chủ động phát đi tín hiệu rất tích cực khi liên tục giảm lãi suất OMO. Gần đây nhất ngày 16/9, NHNN đã giảm lãi suất OMO về 4%/năm cho thấy nhà điều hành định hướng hỗ trợ thanh khoản hệ thống thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp hơn trong thời gian tới. Lãi suất liên ngân hàng thấp hơn có thể giúp các ngân hàng giảm lãi suất huy động. Từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn hơn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 nếu chỉ tập trung giải pháp hỗ trợ từ chính sách tiền tệ sẽ không đạt hiệu quả cao mà tạo thêm gánh nặng cho nhà điều hành. Vấn đề đặt ra hiện nay làm sao tăng khả năng hấp thụ vốn. Để giải quyết hiệu quả bài toán này, TS. Châu Đình Linh lưu ý, cần có sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa thông qua một loạt giải pháp kích cầu như giảm thuế, phí, rốt ráo gỡ vướng mắc pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản...