Gửi nắng về sưởi ấm những bàn tay
Hướng về miền Bắc thân yêu
Ngay sau khi cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào đất liền gây thiệt hại lớn cho các tỉnh phía Bắc, các đội nhóm tình nguyện miền Trung đã nhanh chóng có mặt tại Hải Phòng, Quảng Ninh và một số tỉnh phía Bắc để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả sau bão. Riêng tại thành phố Hải Phòng đã có hàng trăm tình nguyện viên từ miền Trung. Trưởng nhóm SOS Đà Nẵng Đặng Ngọc Tiến cho biết, đội đến Hải Phòng với các phương tiện như xe cứu thương, xuồng cao su, máy phát điện, đèn pha lớn, máy cưa gỗ… sẵn sàng hỗ trợ địa phương. Sau khi hoàn thành công việc ở Hải Phòng, đoàn tiếp tục đến Quảng Ninh và các tỉnh vùng cao như Thái Nguyên, Yên Bái, Cao Bằng….
Nhằm kịp thời hỗ trợ người dân thành phố Hải Phòng khắc phục hậu quả nặng nề do cơn bão Yagi gây ra, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Nghệ An đã thành lập Đội Thanh niên tình nguyện gồm 100 tình nguyện viên do Phó Bí thư Tỉnh đoàn làm trưởng đoàn, đã có mặt tại đây vào sáng ngày 10/9 và ngay lập tức phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tại địa phương để triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả sau bão.
Anh Lê Lưu Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Jungle Boss - một công ty chuyên tổ chức tour du lịch mạo hiểm tại Quảng Bình cho biết, 35 nhân viên của công ty đã xung phong lên đường ra Hải Phòng. Khi đến nơi nhóm đã bắt tay ngay vào việc dọn dẹp, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của cơn bão Yagi. Với kinh nghiệm trong các tour du lịch mạo hiểm, nhóm sẵn sàng hỗ trợ các công việc khó trên thực địa. Toàn bộ chi phí đi lại và hậu cần trong chuyến đi đều do công ty chi trả. “Chúng tôi xuất thân từ miền Trung, vốn là vùng thường xuyên bão lũ, thấu hiểu những khó khăn mà người dân Hải Phòng, Quảng Ninh đang phải đối mặt sau bão. Anh em trong công ty đều tình nguyện lên đường ra hỗ trợ người dân nơi đây bằng quyết tâm cao nhất”, anh Dũng tâm sự.
Khi mưa lũ trút xuống gây ngập lụt, những ngư dân dạn dày với sóng gió ở vùng sông nước Lệ Thủy (Quảng Bình) đã mang theo 4 con thuyền đến với Thái Nguyên, sẵn sàng cứu giúp đồng bào trong hoạn nạn. Không quản ngại đường sá xa xôi, những con thuyền được chất lên xe tải lớn, cùng với hàng nghìn áo phao, thẳng hướng vùng lũ miền núi phía Bắc. Những con thuyền nhỏ gắn máy, được điều khiển bởi các ngư dân lão luyện đã có mặt tại Thái Nguyên vào trưa 11/9, rẽ sóng đến với những miền quê còn ngập chìm trong lũ, chở nặng nghĩa tình của người dân miền Trung với đồng bào phía Bắc những ngày gian khó.
Tại thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng, nơi có hàng nghìn cây xanh gãy đổ, hàng trăm cán bộ, nhân viên các Công ty cây xanh Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bình Định đã có mặt. Không chỉ đóng góp sức người, họ mang theo đầy đủ các phương tiện chuyên dụng như xe cẩu, các loại cưa, nhiên liệu... và vật tư, kinh phí để chủ động trong công việc. Ông Đặng Ngọc Quý, Phó giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế cho biết, nhóm nhân viên của trung tâm sẽ hỗ trợ Hà Nội dựng lại những cây cổ thụ còn có khả năng cứu sống được. Đây là những người có kinh nghiệm cắt tỉa mé cành, dựng cây và từng cứu sống không ít cây cổ thụ ở Huế.
Người miền Trung và người dân cả nước đang hướng về miền Bắc |
Chia nắng đều ra ngoài ấy
Trước sự tàn phá nặng nề của cơn bão Yagi và mưa lũ tại các tỉnh phía Bắc, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã cử 4 đoàn công tác lên đường ra thăm hỏi, động viên, chia sẻ, hỗ trợ các địa phương đang chịu thiệt hại. Trước mắt, thành phố hỗ trợ 25 tỷ đồng để các địa phương khắc phục một phần hậu quả bão lũ. Ngoài ra, thành phố cũng cử 2 tổ công tác hỗ trợ cắt, tỉa, dọn dẹp cây xanh theo đề nghị của thành phố Hà Nội và Hải Phòng. Hiện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng tiếp tục tổ chức phát động cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, nhân dân thành phố, các tổ chức... quyên góp, ủng hộ và thực hiện các hoạt động hỗ trợ khác kịp thời, hiệu quả, góp phần giúp các tỉnh, thành phố phía Bắc vượt qua khó khăn, sớm khắc phục hậu quả và ổn định đời sống nhân dân.
Chia sẻ với những khó khăn, mất mát và phát huy tinh thần tương thân, tương ái đối với người dân các tỉnh, thành phố bị thiệt hại nặng nề do bão, mưa lũ, sạt lở đất, Quảng Nam đã hỗ trợ 21 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Cùng với đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã có thư kêu gọi các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân cùng chung tay ủng hộ người dân các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả thiên tai.
Tính đến chiều 11/9, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Bình Định đã đăng ký ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc hơn 12 tỷ đồng. Riêng Sở Y tế tỉnh Bình Định vừa lên kế hoạch lập 2 đoàn y tế với 62 thành viên, sáng ngày 13/9 xuất phát đến các tỉnh Thái Nguyên và Yên Bái để cùng phối hợp với ngành y tế địa phương thực hiện hoạt động vệ sinh môi trường, khử khuẩn nguồn nước, phòng chống dịch bệnh… Dịp này, Sở Y tế Bình Định cũng xuất hỗ trợ mỗi tỉnh 350 kg Chloramin B (bột); 20 cơ số thuốc phòng chống lụt bão và 4.000 túi thuốc cho hộ gia đình, do CTCP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định tài trợ, trị giá gần 800 triệu đồng.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Bình Phạm Thị Hân chia sẻ: “Miền Trung đã từng đi qua những ngày đêm dài mưa như trút nước, lũ chồng lũ, bão chồng bão, càng thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người dân vùng bão lũ đi qua, hậu quả để lại là không thể đong đếm... Hơn lúc nào hết, người dân vùng bị thiên tai, lũ lụt đang rất cần sự quan tâm giúp đỡ, ủng hộ, chia sẻ từ các cấp, ngành và toàn xã hội. Sự giúp đỡ thiết thực về tinh thần, vật chất là những tình cảm quý báu, kịp thời góp phần giúp nhân dân các tỉnh phía Bắc nhanh chóng khôi phục sản xuất và ổn định đời sống”.
…Khi viết những dòng này, tôi lại nhớ đến lời một bài hát của nhạc sĩ Pham Tuyên: “Thương cái rét của thợ cày thợ cấy/ Nên cứ muốn chia nắng đều ra ngoài ấy/ Có tình thương tha thiết của trong này/… Gửi nắng về sưởi ấm những bàn tay”.