Lo trách nhiệm, cổ phần hóa chậm
Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp | |
TP.HCM: Đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp | |
Mở rộng khái niệm, DNNN có thể tăng thêm 1028 đơn vị |
Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính nhìn nhận “nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ cổ phần hóa (CPH) chậm là tư tưởng ngại trách nhiệm, ngại rủi ro, thà làm chậm chịu phạt hơn làm nhanh mà phải gánh rủi ro, bị quy trách nhiệm, nên tốc độ CPH vẫn còn chậm”. Điều này dẫn đến nguy cơ về việc không hoàn thành kế hoạch đã đề ra cho giai đoạn 2016-2020.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm tiến độ CPH là từ nhận thức, từ tư tưởng ngại trách nhiệm |
Ngại rủi ro, sợ chịu trách nhiệm
6 tháng đầu năm 2019, mới có 4 DNNN và 2 đơn vị sự nghiệp công lập được phê duyệt phương án CPH, trong đó có 2 DN thuộc danh sách CPH theo công văn số 991/TTg-ĐMDN. Bên cạnh đó, có 5 DN, 1 đơn vị sự nghiệp đã được IPO thu về 562,707 tỷ đồng. Lũy kế từ 2016 đến nay, cả nước CPH 162 DN; trong đó chỉ có 35 DN thuộc danh sách cổ phần hóa giai đoạn 2017 - 2020 theo danh mục Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/TTg-ĐMDN bao gồm 172 DN, tức mới đạt 27,5%.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm tiến độ CPH, theo ông Đặng Quyết Tiến là từ nhận thức, từ tư tưởng ngại trách nhiệm, ngại rủi ro. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi mà CPH hoặc thoái vốn DNNN phải tuân thủ theo pháp luật, đáp ứng yêu cầu công khai minh bạch và nguyên tắc thị trường thì vấn đề xử lý tài chính trước khi CPH hay vấn đề định giá đầy đủ khi thoái vốn, thì rõ ràng là các DN, các cán bộ rất ngại khi mà lật lại những vấn đề.
Chẳng hạn vấn đề định giá đất, nếu chính quyền địa phương chậm công bố quy hoạch đất, chậm ban hành bảng giá đất thì DN sẽ khó khăn trong việc đưa ra phương án sử dụng đất, từ đó định giá trị DN chậm, cũng như không có căn cứ để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước. Ví dụ ở nhiều DN, đất đai hiện là nhà xưởng nhưng nếu chỉ định giá hiện tại theo giá trị đất là nhà xưởng, sau này nơi đó trở thành đô thị, nơi xây cao tầng… thì giá trị sẽ chênh lệch lớn. Vì vậy, nhiều DN chần chừ lo nếu chẳng may việc định giá tài sản, giá trị DN không chính xác, làm tổn thất nguồn lực nhà nước thì người phê duyệt phải chịu trách nhiệm...
Hay như vấn đề nợ phải thu khó đòi, đáng lẽ các DN phải rốt ráo xử lý hàng năm, nhưng vì sợ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của DN nên dồn tích lại không xử lý. Đợi đến khi CPH, việc tìm đủ hồ sơ, đủ các nội dung để xử lý cũng là một khó khăn. Hơn thế là việc khi xử lý cũng dẫn tới làm giảm giá trị DN.
Lại có những DN tưởng như hoạt động kinh doanh hiệu quả trong ngành nghề kinh doanh chính, nhưng thực ra họ sống được nhờ cho thuê đất. Nay khi làm rõ phương án sử dụng đất, đất sử dụng sai mục đích phải trả về địa phương. Bức tranh tài chính lúc đó mới trở nên thực chất, nhưng người đứng đầu DN lo sẽ bị xử lý vì ngành nghề sản xuất kinh doanh chính không hiệu quả. Đây cũng là vấn đề khiến DN đắn đo, kéo dài thời gian CPH vì lo sợ hở “gót chân asin”. “Tính trách nhiệm khi triển khai công tác CPH là một trong những áp lực đối với các lãnh đạo, nên ngay nhận thức là họ đã thấy ngại rồi không muốn làm, và lo có quan điểm là làm chậm bị phạt hành chính hơn là làm nhanh mà bị thế này, thế kia…”, ông Tiến cho biết.
Thiếu quyết tâm và phối hợp
Một nguyên nhân khác dẫn đến CPH chậm đến từ việc tổ chức thực hiện, từ sự phối hợp của các cơ quan hữu quan trong việc sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất chưa tốt, vẫn chậm, vẫn kéo dài, nhiều thủ tục hành chính làm cho người đi đăng ký sắp xếp lại đất đai nản, thời gian kéo dài.
Trong khi DN triển khai CPH thì còn lúng túng từ việc tổ chức xây dựng phương án CPH, xác định giá trị DN, xây dựng phương án CPH, lựa chọn cổ đông chiến lược. Thậm chí tại nhiều địa phương có tình trạng DN chây ỳ CPH nên “mượn cớ” vướng mắc để hỏi cơ chế, chính sách. Đó chính là kiểu lòng vòng trong xin ý kiến.
Quan sát từ Bộ Tài chính cho thấy nhiều trường hợp DN cố tình hiểu không đúng về cơ chế chính sách. Dù Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản hướng dẫn và nhắc lại những nội dung đó để DN đẩy nhanh hơn tiến độ phê duyệt phương án, trong sắp xếp đất đai và xác định giá trị DN… thế nhưng vẫn có các ý kiến phản ánh thậm chí cả những nội dung đã được chỉnh sửa rồi.
Dẫn ra nhiều trường hợp cổ phần hóa, thoái vốn thành công, ông Tiến cho rằng, không phải khó thì không làm được; quan trọng là cách làm và quyết tâm. “Việc chậm cổ phần hóa nguyên nhân chủ quan chính từ khâu tổ chức thực hiện gắn với trách nhiệm người đứng đầu DN và người đứng đầu cơ quan quản lý”, ông Tiến nhìn nhận. Để giải quyết vấn đề này Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01 về công tác sắp xếp, đổi mới, CPH và thoái vốn. “Tuy nhiên vấn đề trách nhiệm và gắn trách nhiệm người đứng đầu cần được tăng cường hơn nữa mới đẩy nhanh được tiến độ CPH DNNN”, ông Tiến nêu quan điểm.
Mới đây Quốc hội đã có nghị quyết yêu cầu Chính phủ phải có báo cáo về xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong vấn đề thất thoát, chậm CPH. Và theo chương trình hành động của Chính phủ thì Bộ Nội vụ sẽ là người cầm cân nảy mực trong việc công bố các trường hợp vi phạm cần xử lý. “Tôi nghĩ, trách nhiệm của các bên liên quan trong việc chậm CPH DNNN sẽ được công bố vào cuối năm nay. Khi công bố rồi thì đó sẽ là bước đột phá để tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu DN và cơ quan chủ sở hữu trong thực thi CPH và thoái vốn”, ông Tiến kỳ vọng.