Nạn phá rừng lấy đất sản xuất
Đóng cửa, nhưng “máu rừng” vẫn chảy | |
Giao rừng để… phá rừng? | |
Mất rừng, do đâu? |
Những ngày qua, cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng để lấy đất trồng rừng thương mại tại các tỉnh miền Trung. Đơn cử, gần đây nhất là Quảng Nam phát hiện người dân phá hàng trăm hecta rừng phòng hộ để lấy đất trồng keo nguyên liệu.
Nạn phá rừng trên địa bàn huyện Tiên Phước diễn ra trong suốt một thời gian dài nhưng không được cơ quan chức năng phát hiện kịp thời đã gây ra hậu quả nghiêm trọng |
Thậm chí, việc người dân phá hàng trăm hecta rừng phòng hộ tại xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước (Quảng Nam) để lấy đất sản xuất diễn ra suốt từ năm 2010 đến nay, song cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không xử lý đến nơi đến chốn? Sự việc khiến dư luận xôn xao về việc mất an ninh trong công tác quản lý bảo vệ rừng tự nhiên… Vậy câu hỏi đặt ra, trách nhiệm quản lý của Trạm kiểm lâm huyện Tiên Phước và chính quyền địa phương ở đâu khi để người dân xâm hại rừng tự nhiên trên diện rộng?
Ghi nhận tại thực địa, hàng trăm hecta rừng phòng hộ bị tàn phá, cây gỗ bị cưa hạ ngổn ngang rải rác khắp cả một cánh rừng. Cùng đó, nhiều diện tích rừng bị đốt cháy nham nhở. Nhất là tại các Tiểu khu 556, 557 thuộc khu vực rừng đầu nguồn thủy điện Sông Tranh 3. Theo trạm kiểm lâm huyện Tiên Phước, Tiểu khu 557 thuộc đơn vị quản lý đã có hơn 5ha rừng bị người dân tàn phá chỉ trong một thời gian ngắn vào khoảng tháng 8/2017. Người dân không lấy gỗ, chỉ đốt đi với mục đích chiếm đất để trồng keo.
Còn theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn xã Tiên Lãnh phát hiện và lập hồ sơ 54 vụ phá rừng để lấy đất sản xuất. Hơn 124ha rừng tự nhiên đã bị tàn phá. Cùng đó, tính đến nay đã phát hiện, thu hồi diện tích vi phạm và giao cho UBND xã Tiên Lãnh quản lý 19 vụ, với trên 52ha; khởi tố hình sự 10 vụ và đang điều tra, xử lý 25 vụ. Riêng năm 2017, các cơ quan chức năng phát hiện 10 vụ vi phạm, diện tích rừng thiệt hại hơn 24,7ha. Hiện Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam đang phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương điều tra, xử lý.
Trước tình trạng xâm hại rừng phòng hộ nghiêm trọng tại Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ vụ phá rừng phòng hộ ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật, báo cáo Thủ tướng kết quả.
Để nắm tình hình phá rừng phòng hộ lấy đất sản xuất trên địa bàn huyện Tiên Phước, ngày 22/9/2017, đích thân Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ông Lê Trí Thanh cùng các cơ quan chức năng và lãnh đạo huyện Tiên Phước đến thị sát các Tiểu khu 556, 557 và một số khu vực khác xảy ra phá rừng. Ngay sau khi kiểm tra tại thực địa, ông Lê Trí Thanh chủ trì cuộc họp làm việc với các cơ quan chức năng, ông Thanh yêu cầu các cơ quan chức năng sớm thống kê diện tích, mức độ thiệt hại và kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng liên quan cũng như làm rõ trách nhiệm của các đơn vị để xảy ra phá rừng.
Ông Thanh chỉ đạo, công an tỉnh khẩn trương điều tra, hoàn tất hồ sơ khởi tố các bị can để làm rõ vụ phá rừng vừa phát hiện. Phải tìm cho ra được người chủ mưu thuê người dân phá rừng để xử lý. Đồng thời, huyện Tiên Phước phải phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam để xác định chính xác diện tích rừng bị phá.
Trước yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và chính quyền tỉnh Quảng Nam, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, khởi tố vụ án. Ngày 26/9/2017, theo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam, Công an huyện Tiên Phước đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam một đối tượng Phùng Văn Bảy, trú xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước vì hành vi phá rừng trái phép tại xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.
Theo hồ sơ vụ án, từ đầu năm 2017 đến ngày 15/9/2017, Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam kiểm tra và phát hiện trên địa bàn xã Tiên Lãnh xảy ra 10 vụ phá rừng tự nhiên, chức năng phòng hộ; diện tích rừng thiệt hại 23,776ha, thuộc Tiểu khu 556, 557. Trong đó, có 21,996ha nằm trong diện tích giao khoán bảo vệ rừng do Ban quản lý dự án trồng rừng huyện Tiên Phước làm chủ dự án.
Trong 10 vụ vi phạm nói trên, có 1 vụ vi phạm tại khu vực Dội Lớn, xã Tiên Lãnh (Tiểu khu 556), bước đầu cơ quan chức năng đã xác định được đối tượng vi phạm. Cụ thể, ngày 17/8/2017, Trạm Kiểm lâm Tiên Phước phối hợp Ban quản lý trồng rừng huyện Tiên Phước tổ chức kiểm tra tại địa bàn xã Tiên Lãnh, phát hiện tại khoảnh 5, Tiểu khu 556 có 7 người đồng bào dân tộc Ca Dong, huyện Bắc Trà My đang gieo hạt keo trên diện tích phá rừng trái phép. Những người này khai làm thuê cho ông Phùng Văn Bảy. Tổ công tác tiến hành lập biên bản kiểm tra hiện trường, đình chỉ các hành vi vi phạm, tạm giữ 7 cái rựa và 7 bình đựng hạt keo.
Bước đầu ông Phùng Văn Bảy khai nhận đã thuê 7 người đồng bào dân tộc Ca Dong nói trên làm thuê. Đồng thời, khai nhận phá rừng trái pháp luật tại khu vực Dội Lớn (Khoảnh 5, Tiểu khu 556) diện tích khoảng 2ha. Qua kiểm tra hiện trường ban đầu xác định, diện tích rừng bị thiệt hại tại khu vực Dội Lớn (Khoảnh 5, 6, Tiểu Khu 556) là 4,965ha (chức năng phòng hộ).
Qua vụ việc trên cho thấy, lực lượng chức năng có nhiệm vụ bảo vệ rừng đã buông lỏng công tác quản lý bảo vệ rừng. Mặc dù vụ việc diễn ra trong suốt một thời gian dài, trên diện rộng… nhưng không được phát hiện ngăn chặn kịp thời gây thiệt hại hàng trăm hecta rừng phòng hộ. Vậy nên, chính quyền tỉnh Quảng Nam và cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ ai đã “chống lưng”, bao che cho người dân phá rừng lấy đất sản xuất. Đồng thời, cần điều tra làm rõ trách nhiệm, những sai phạm trong công tác quản lý của Trạm Kiểm lâm Tiên Phước, chính quyền huyện Tiên Phước, xã Tiên Lãnh để lấy lại lòng tin trong nhân dân và bảo vệ những cánh rừng vô tội.