Ngân hàng số đa tiện ích được nhiều khách hàng lựa chọn
Ngân hàng "ở nhà" cùng bạn | |
Để tiêu dùng trực tuyến trở thành thói quen | |
Gia tăng tiện ích cho ứng dụng ngân hàng điện tử |
Xu hướng sử dụng dịch vụ ngân hàng số đa tiện ích ngày càng được nhiều khách hàng lựa chọn để dễ dàng trong việc thanh toán |
Tích hợp và cải tiến nhiều tiện ích
Thời gian qua, thị trường đã chứng kiến sự khốc liệt và tốn nhiều chi phí trong “cuộc đua” phát triển ứng dụng ngân hàng số. Tuy nhiên, quá trình này đang thu về nhiều “trái ngọt” khi đáp ứng được nhu cầu thanh toán đa dạng và mong muốn bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch COVID-19 của khách hàng.
Anh Nguyễn Văn Quang (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) tâm sự, vừa nhận thông báo chung cư bị phong tỏa vì có ca F0, không ai được ra ngoài, tiền mặt trong nhà đã gần hết, anh liền nhờ bạn chuyển gấp cho 2 triệu đồng vào tài khoản để thanh toán trên Internet Banking và Mobile Banking. Từ đó đến nay, mọi chi tiêu, thanh toán hàng hóa, đặt rau củ quả, mua gạo, đóng tiền điện, nước…, đều được thực hiện qua kênh ngân hàng điện tử.
Cũng là một người dân sống trong vùng dịch ở TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, chị Hà Kiều Trang chia sẻ: “Việc mở tài khoản và thanh toán trực tuyến các loại phí, hóa đơn là cách để chúng tôi tự bảo vệ mình, gia đình và cộng đồng. Các giao dịch trực tuyến qua ngân hàng số đều được tích hợp nhiều tính năng thanh toán, được xác thực yếu tố bảo mật cao, những biến động tài khoản liên quan nếu có đều được báo cáo tức thời qua tin nhắn SMS, giúp khách hàng hoàn toàn có thể an tâm, tin tưởng hơn khi sử dụng”.
Để có được trải nghiệm “đơn giản hóa” thanh toán cho khách hàng, nhiều nhà băng đã lựa chọn đầu tư nâng cấp và mở rộng tiện ích trong ứng dụng ngân hàng số.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) đã cho ra mắt ứng dụng Digimi để thay thế ứng dụng Viet Capital Bank. Ứng dụng bao gồm các tính năng cơ bản và nâng cao, tăng trải nghiệm người dùng qua tốc độ xử lý các giao dịch nhanh, thao tác trên mỗi tính năng đơn giản nhất có thể. Ứng dụng hướng đến hỗ trợ người dùng xử lý các giao dịch tài chính thuận tiện và an toàn nhất, đặc biệt trong thời điểm hạn chế tiếp xúc vì COVID-19.
Cũng là một ngân hàng mới nâng tầm ứng dụng ngân hàng số, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh (VPBank) mới ra mắt ứng dụng VPBank NEO. Ông Phùng Duy Khương, Phó tổng giám đốc, kiêm Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân VPBank cho biết, nền tảng số này không chỉ thỏa mãn tất cả nhu cầu tài chính của khách hàng (mở tài khoản, thanh toán, mở thẻ tín dụng, chuyển tiền nhanh…), mà còn kết nối rộng khắp với các hệ sinh thái lớn, như tiêu dùng, giải trí, đầu tư…
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng tích cực kết nối với bên thứ ba trong ứng dụng ngân hàng như trung gian thanh toán, nhà cung cấp dịch vụ, trang website thương mại điện tử… mang đến nhiều ưu đãi, tiện ích cho khách hàng.
Theo các chuyên gia kinh tế đánh giá, giải pháp này giúp ngân hàng hiểu rõ hơn hành vi của khách hàng, từ đó cung ứng các sản phẩm phù hợp. Về mặt pháp lý, các ngân hàng Việt Nam vẫn phải đảm bảo tuân thủ các quy định, an ninh thông tin và quản trị rủi ro. Đồng thời, giải quyết được một số bất tiện cho khách hàng khi phải tải quá nhiều ứng dụng như ví điện tử, giao dịch chứng khoán, gọi xe, mua sắm, các trang bán hàng trực tuyến… để trải nghiệm các dịch vụ số hóa.
Giảm nỗi lo về thủ tục và phí dịch vụ
Ứng dụng ngân hàng được tích hợp đa dạng nhưng làm thế nào để mở tài khoản và sử dụng dịch vụ an toàn trong mùa dịch cũng là nỗi lo của nhiều khách hàng. Vì vậy, đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản ngân hàng với sự ra đời của eKYC trên ứng dụng di động là một giải pháp cấp bách từ ngân hàng
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), việc cho phép áp dụng eKYC là một xu hướng tất yếu trong quá trình chuyển đổi số nền kinh tế. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, giao dịch ngân hàng trực tuyến giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
Bên cạnh đó, eKYC góp phần xóa những trở ngại, khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn.
Mới đây, đại diện Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) xác nhận thanh toán trực tuyến qua ngân hàng bùng nổ trong giai đoạn này, đặc biệt sau khi ngân hàng triển khai eKYC. Tỉ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến tăng lên hơn 30% trong nửa tháng đầu năm 2021.
Tương tự, trong 6 tháng đầu năm 2021, giao dịch qua các kênh trực tuyến tại Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) tăng mạnh, số lượng khách hàng tăng 195%, số lượng giao dịch tăng 239% và tổng giá trị giao dịch tăng 302% so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong những tháng gần đây, tỉ lệ khách hàng giao dịch online tăng liên tục qua từng tháng.
Không chỉ đơn giản hóa thủ tục đăng ký, việc miễn giảm nhiều loại phí dịch vụ ngân hàng như: phí chuyển khoản, phí duy trì tài khoản... đi kèm các ưu đãi về hoàn tiền, tích điểm hay quay số trúng thưởng cũng là điều kiện thúc đẩy người dân ưu tiên lựa chọn phương thức thanh toán trực tuyến qua ứng dụng ngân hàng.
Hiện Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã giảm từ 50-75% phí dịch vụ chuyển mạch và bù trừ so với mức phí hiện hành, áp dụng từ 1/8 đến cuối năm 2021. Nhiều ngân hàng liên tục triển khai các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán như Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank)...
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, việc phát triển ứng dụng ngân hàng số, đẩy mạnh thanh toán trực tuyến không chỉ giúp khách hàng có những trải nghiệm dịch vụ hiện đại, tiện lợi hơn mà với các ngân hàng, đây cũng là giải pháp tiết kiệm chi phí hoạt động, giảm chi phí vốn đầu vào cho ngân hàng; tạo điều kiện giúp ngân hàng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng hơn nữa trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)