Những điều tốt đẹp hơn sẽ đến với kinh tế Việt Nam
Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng Tăng trưởng kinh tế 2024 sẽ rất tích cực |
Bà Janet YellenBộ trưởng Tài chính hoa kỳ:
Hoa Kỳ và Việt Nam luôn là những đối tác kinh tế - thương mại quan trọng của nhau
Bà Janet Yellen |
Trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen khẳng định, việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện phản ánh những bước tiến ngoạn mục trong quan hệ hai nước, tăng cường sự hiểu biết, lòng tin, thể hiện cam kết của Hoa Kỳ trong việc mở ra những cơ hội mới trong hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1995, Hoa Kỳ và Việt Nam luôn là những đối tác kinh tế-thương mại quan trọng của nhau; và Việt Nam là đối tác chủ chốt trong triển khai chính sách khu vực của Hoa Kỳ. Hiện Hoa Kỳ hợp tác với Việt Nam để tăng cường tính tự cường của chuỗi cung ứng khu vực và Việt Nam có tiềm năng trong chuỗi cung ứng về bán dẫn.
“Chúng tôi tin rằng khả năng phục hồi kinh tế dài hạn đòi hỏi chuỗi cung ứng toàn cầu đa dạng. Điều này có nghĩa là làm sâu sắc thêm hội nhập kinh tế của chúng ta với nhiều quốc gia mà chúng ta có thể tin cậy – trong đó có Việt Nam”, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ nói.
Đánh giá cao nỗ lực của NHNN trong việc hiện đại hóa và tăng cường tính minh bạch của khung khổ điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam nhằm thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo sự an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ tin rằng, các giải pháp NHNN đã thực hiện trong thời gian qua rất quan trọng, giúp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và tăng cường khả năng thích ứng của nền kinh tế Việt Nam trước các diễn biến của thị trường tài chính thế giới và các cú sốc từ bên ngoài.
"Có thể nói, việc điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá đang được phát huy tốt, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Hai năm qua, kinh tế thế giới đã trải qua các cú sốc lớn và theo quan điểm của tôi, việc điều hành tỷ giá linh hoạt đã giúp Việt Nam vượt qua những cú sốc này", bà Janet Yellen nói.
Ông Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam:
Củng cố hơn nữa mô hình tăng trưởng
Ông Andrea Coppola |
Việt Nam cần xem xét để gia hạn Chương trình phục hồi, hỗ trợ phát triển năm 2024 nhằm đảm bảo hiệu quả của việc thực thi chính sách, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, phải tiếp tục cảnh giác trước những điểm yếu của khu vực tài chính; đồng thời nỗ lực khôi phục niềm tin và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản sẽ là chìa khóa hỗ trợ ổn định kinh tế trong ngắn hạn và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Sau đợt suy thoái toàn cầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ giảm tốc hơn nữa vào năm 2024, trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Hoa Kỳ. Hiệu suất chưa cao trong năm tới có thể là hệ quả của những tác động có độ trễ từ xu hướng chính sách tiền tệ thắt chặt năm 2023 trong bối cảnh điều kiện tín dụng hạn chế và thương mại toàn cầu suy yếu. Rủi ro chính cho năm 2024 bao gồm rủi ro địa chính trị, tác động từ các cuộc xung đột đến giá năng lượng...
Do tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục chậm lại vào năm 2024, vì vậy mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6% đến 6,5% cho năm 2024 của Việt Nam là rất tham vọng. Bất chấp suy thoái toàn cầu, nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam có thể dần được cải thiện; tăng trưởng kinh tế sẽ tăng nhẹ nhưng sẽ rất khó đạt được mức 6% hoặc 6,5% trừ khi nhu cầu, tiêu dùng và đầu tư trong nước tăng tốc mạnh hơn nữa. Dự báo Việt Nam sẽ phục hồi về mức 5,5% trong năm 2024 và 6,0% trong năm 2025.
Việt Nam cần nâng cao sức chống chọi trước các cú sốc bên ngoài và tận dụng sức mạnh nội tại cũng như năng suất trong nước để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Bằng cách này, Việt Nam có thể biến những thách thức do suy thoái kinh tế toàn cầu thành cơ hội để củng cố hơn nữa mô hình tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Các nhà chức trách có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa, bằng cách đẩy nhanh việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng và dự án đầu tư công mang tính chuyển đổi trạng thái, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn. Tiếp tục thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân và cải thiện năng suất bằng cách nâng cao trình độ của lực lượng lao động để có thể tăng cường hơn nữa khả năng cạnh tranh của khu vực tư nhân.
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam:
Cần giữ được sự cân bằng, hài hòa giữa tăng trưởng - lạm phát
Ông Shantanu Chakraborty |
Theo báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 12/2023 của ADB, chúng tôi dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 ở mức 6,0%. Sự phục hồi yếu hơn dự kiến của nhu cầu bên ngoài tiếp tục cản trở tăng trưởng các ngành công nghiệp và dịch vụ, làm chậm quá trình phục hồi của việc làm và tiêu dùng trong nước. Do đó tôi cho rằng, triển vọng kinh tế năm 2024 lạc quan, nhưng vẫn cần thận trọng. Bởi vẫn có một số trở ngại bên ngoài liên quan đến tình hình kinh tế vĩ mô ở các đối tác thương mại chính của Việt Nam. Nếu việc thắt chặt tiền tệ ở những nước này tiếp tục, có thể ảnh hưởng đến Việt Nam trong năm 2024, nhất là xuất khẩu.
Nhưng nhìn chung, nền kinh tế đã cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ trong năm vừa qua. Bất chấp những cơn gió ngược này, Chính phủ đang thực hiện các bước đi đúng đắn để giải quyết các thách thức. Lạm phát, lãi suất đều được giữ ở mức thấp; và mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 so với các nước là khá tốt. Chính phủ đã cân bằng tốt giữa CSTT và tài khóa để đảm bảo khả năng phục hồi cao trước một số thách thức toàn cầu mà nền kinh tế phải đối mặt.
Bên cạnh đó, triển vọng kinh tế Việt Nam năm nay và trong tương lai sẽ phụ thuộc vào mức độ đầu tư công được thực hiện, cũng như thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân để cải thiện cơ sở hạ tầng và cải thiện khả năng phục hồi của đất nước trước các khía cạnh và các thách thức khác nhau như liên quan đến chống biến đổi khí hậu. Cùng với đó là tiếp tục cải cách chính sách để đảm bảo có một khuôn khổ chính sách mạnh mẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Việt Nam phải làm nhiều hơn nữa để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, đảm bảo sự chắc chắn và nhất quán trong các quy định cũng như trong quá trình thực thi.
Với CSTT, làm sao giữ được sự cân bằng giữa việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo lạm phát không vượt khỏi tầm kiểm soát và đảm bảo lãi suất hợp lý là những trụ cột quan trọng nhất. Cho đến nay, Chính phủ và NHNN đã làm rất tốt điều này, trên cơ sở duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn nhiều so với nhiều nước láng giềng ở Đông Nam Á, đồng thời giữ lãi suất và lạm phát ở mức thấp. Trong đó, NHNN đã rất chủ động trong việc giảm lãi suất, nới lỏng CSTT, qua đó góp phần tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế trong năm 2023.
Năm 2024, xu hướng lạm phát toàn cầu sẽ như thế nào và các NHTW lớn sẽ vận hành CSTT của họ ra sao; liệu có xuất hiện sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu do các bất ổn, xung đột hiện nay… Tôi nghĩ những yếu tố như vậy là một hàm số của những thách thức kinh tế vĩ mô và cùng với các yếu tố trong nước khác, đều cần phải được tính toán đến trong xây dựng, điều hành CSTT trong năm nay, với mục tiêu có được sự cân bằng, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế - lạm phát - lãi suất.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam:
Tăng trưởng kinh tế 2024 có thể đạt 6%
Ông Ngô Đăng Khoa |
Năm 2023 với nhiều thách thức và khó khăn đã đi qua. Bước sang năm mới, ai cũng mong cầu những điều tốt đẹp hơn sẽ đến, và có vẻ các số liệu kinh tế tích cực vừa qua cũng ủng hộ điều này.
Sau kết quả tăng trưởng thấp dưới 4% trong 6 tháng đầu năm 2023, kể từ quý III/2023, các số liệu đã phục hồi tích cực hơn, trong đó một phần nhờ sự cải thiện về thương mại. Tháng 11/2023 cũng đánh dấu là tháng thứ ba liên tiếp chứng kiến xuất khẩu tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu như nông sản tiếp tục cho thấy sự cải thiện đáng kể vào những tháng cuối năm. Bên cạnh sản xuất, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng tiếp tục là trụ cột vững chắc cho tăng trưởng. Doanh số bán lẻ tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sự phục hồi liên tục của cả du lịch trong nước và quốc tế. Những yếu tố này giúp GDP cả năm 2023 đạt 5%, tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế 2024 đạt khoảng 6%.
Về đầu tư nước ngoài, Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực ASEAN đã nhận được dòng vốn FDI đáng kể, trở thành một ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Năm 2024, FDI sẽ vẫn tiếp tục là điểm sáng và là một trong những động lực thúc đẩy nền kinh tế.
Dẫu vậy, những thách thức vẫn còn đó. Các mặt hàng xuất khẩu như dệt may và da giày vẫn chưa cho thấy dấu hiệu cải thiện, nên thương mại có thể phải cần một thời gian mới thấy được sự phục hồi trên diện rộng. Một thách thức nữa là nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng rất lớn. Theo ước tính của Trung tâm cơ sở hạ tầng Toàn cầu (GIH), trong 20 năm tới, Việt Nam cần trung bình ít nhất 25 tỷ USD mỗi năm chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, so với các nước ASEAN, sự tham gia của khối tư nhân vào lĩnh vực này vẫn còn hạn chế. Do đó, hy vọng Chính phủ sẽ có thêm các chính sách để khuyến khích hơn nữa sự tham gia của khu vực tư nhân vào cơ sở hạ tầng năng lượng.
Ngoài ra, rủi ro lạm phát do áp lực nguồn cung, bao gồm giá lương thực, năng lượng và rủi ro địa chính trị vẫn còn khá phức tạp. Chúng ta cần theo dõi những yếu tố thách thức này, cũng như rất cần sự đồng bộ trong chính sách nhằm góp phần ổn định yếu tố nguồn cung, giảm biến động về giá, từ đó tiếp tục thúc đẩy kinh tế tăng trưởng bền vững.
Về mặt chính sách, một loạt các biện pháp hỗ trợ thông qua chính sách tiền tệ và tài khoá đã được triển khai để giải quyết những lo ngại về tăng trưởng. NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng với 4 lần hạ lãi suất trong năm 2023, duy trì thanh khoản VND dồi dào, góp phần giúp định hướng cho mặt bằng lãi suất thấp hơn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng… Các dấu hiệu tích cực về việc lạm phát có khả năng được kiểm soát cũng như triển vọng kinh tế cũng đang cho thấy đà hồi phục nhất định. Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ở mức 4,50% cho năm 2024.
Về mặt tài khoá, các cơ quan chức năng cũng đã công bố nhiều biện pháp hỗ trợ khác nhau, với mức độ gần như tương đương với những biện pháp được đưa ra trong thời kỳ đại dịch, như giảm thuế VAT, đẩy mạnh đầu tư công vào các dự án trọng điểm cơ sở hạ tầng,... Ngoài ra, các biện pháp nới lỏng hạn chế về thị thực du lịch đã có hiệu lực cũng góp phần thu hút lượng khách du lịch ngày càng tăng, đóng góp vào doanh thu dịch vụ du lịch.