Sẽ hình thành Silicon Beach tại Đà Nẵng
Tại buổi làm việc, ông Hồ Kỳ Minh đã giới thiệu tổng quan về môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn trên địa bàn và các định hướng phát triển kinh tế của Đà Nẵng trong thời gian tới
Đặc biệt, Đà Nẵng xác định vi mạch bán dẫn là cơ hội và là động lực tăng trưởng trong thời gian đến. Mục tiêu của Đà Nẵng qua các buổi tiếp xúc, làm việc với các doanh nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ là để tiếp xúc sâu, đặt vấn đề cụ thể với các đối tác đang có mong muốn thúc đẩy hợp tác, đầu tư lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo tại Đà Nẵng.
Công ty Ampere quan tâm sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam và tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Đà Nẵng nói riêng |
Xác định vi mạch bán dẫn là động lực tăng trưởng, UBND TP. Đà Nẵng đang xây dựng Đề án "Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của TP. Đà Nẵng" và các cơ chế, chính sách đặc thù thu hút chuyên gia, nhà đầu tư đến thành phố làm việc, nghiên cứu, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn và AI, xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn. Đồng thời, chính quyền địa phương cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư, triển khai các dự án, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố, hướng đến mục tiêu cùng chia sẻ các giá trị và lợi ích chung.
Ông Rohit Vidwans, Giám đốc Kỹ thuật & Sản xuất và Đối tác, Công ty Ampere rất quan tâm đến sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam nói chung và tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Đà Nẵng nói riêng.
Ông Rohit Vidwans đánh giá cao triển vọng phát triển của Đà Nẵng và cho biết, công ty Ampere có kế hoạch mở rộng tại Việt Nam trong 5 năm tới để phát triển thêm các phòng lab cũng như phát triển đội ngũ nhân sự tại đây ngoài chi nhánh đang hoạt động ở TP. Hồ Chí Minh được thành lập từ năm 2018. Ba nhóm nhân sự mà công ty đang hướng đến bao gồm kỹ sư phần mềm, kỹ sư lắp ráp, kiểm tra, đóng gói vi mạch (ATP), kỹ sư thiết kế.
Ông Rohit cho hay, Đà Nẵng đang là địa điểm có nhiều thuận lợi để đặt văn phòng thứ hai của công ty tại Việt Nam trong thời gian tới. Vì Đà Nẵng có khả năng đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn kỹ sư chất lượng cao của công ty, cơ sở hạ tầng kết nối tốt…
Trao đổi thêm tại cuộc họp, vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ được Công ty Ampere rất quan tâm, nếu đầu tư tại Đà Nẵng, công ty đề nghị thành phố đưa ra những giải pháp bảo hộ quyền sở trí tuệ cho các sản phẩm của công ty.
Đại diện lãnh đạo TP. Đà Nẵng cam kết sẽ hỗ trợ tối đa việc bảo mật thông tin và bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm, quy trình vận hành của công ty nhờ hệ thống an ninh được đầu tư bài bản tại Khu công viên phần mềm số 2. Hơn nữa, Đà Nẵng sẵn sàng mời chuyên gia về an ninh mạng để tăng cường bảo mật.
Việc hợp tác giữa TP. Đà Nẵng và công ty Ampere là một trong những thiết lập đối tác quan trọng trong quá trình tạo lập hệ sinh thái vi mạch bán dẫn cho thành phố, tạo tiền đề hiện thực hoá tầm nhìn “xây dựng khu vực bán dẫn bên bờ biển – Silicon Beach” tại Đà Nẵng.
Cũng trong chương trình công tác lần này, lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng đã làm việc với Công ty AMR tại TP. San Jose, bang California (Hoa Kỳ), ARM là doanh nghiệp chuyên cung cấp các thiết kế kiến trúc chip (IP) và lcung cấp các thiết kế chip hàng đầu trong hầu hết điện thoại thông minh. Giấy phép kiến trúc chip của AMR được bán cho các doanh nghiệp sản xuất bộ xử lý trung tâm hoặc CPU, sau đó, doanh nghiệp thu tiền bản quyền trên mỗi con chip sử dụng chất xám công nghệ. Khách hàng của ARM là những tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ và chip, bao gồm Apple, Nvidia, Google, Microsoft, Amazon, Samsung, Intel và TSMC (Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan).
Tại buổi làm việc, ông Hồ Kỳ Minh chia sẻ, hiện nay Đà Nẵng đang xây dựng Đề án "Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của TP. Đà Nẵng" và các cơ chế, chính sách đặc thù thu hút chuyên gia, nhà đầu tư đến Đà Nẵng...
Công ty ARM ủng hộ Đà Nẵng trong hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và thu hút đầu tư lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. |
Ông Stephen Ozoigbo, Giám đốc công ty ARM cho biết, doanh nghiệp đã thiết lập mối quan hệ hợp tác thân thiết với Việt Nam và đã tổ chức các buổi gặp và làm việc với các bộ ngành trung ương của Việt Nam trong thời gian qua. Về cấp độ địa phương, Công ty ARM chào mừng và ủng hộ Đà Nẵng trong hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và thu hút đầu tư lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt, trong bối cảnh Đạo luật CHIPS được ban hành mở ra nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn vốn phân bổ cho đào tạo các lĩnh vực này.
Ông Stephen Ozoigbo nhận định, đây là thời điểm rất phù hợp để ARM và TP. Đà Nẵng tăng cường hợp tác. “ARM rất quan tâm đến giáo dục và đào tạo khu vực công và khu vực tư”. ARM cũng đã thiết kế sẵn các chương trình đào tạo online cho lĩnh vực thiết kế vi mạch. Qua đó, công ty ARM bày tỏ mong muốn mở rộng mạng lưới đào tạo tại Đà Nẵng và có kế hoạch đến thành phố thăm và làm việc vào ngày 11/3/2024 với sự tham gia của công ty VMO (đối tác của ARM trong đào tạo) và hệ thống khách hàng của ARM đến từ Hàn Quốc, Đài Loan…
Ngoài ra, Công ty VMO đề xuất ký Biên bản ghi nhớ hợp tác ba bên giữa Công ty ARM, công ty VMO và Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng để hợp tác triển khai đào tạo nền tảng ARM tại Đà Nẵng.
Sau buổi làm việc, Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng sẽ tiếp tục làm việc với công ty ARM và công ty VMO để triển khai ký kết MOU, triển khai các chương trình đào tạo trong thời gian tới. Đồng thời, kết nối công ty ARM làm việc với các trường đại học trên địa bàn Đà Nẵng. Thành phố cam kết sẽ hỗ trợ tối đa công ty mở rộng chi nhánh tại Đà Nẵng, quan tâm hỗ trợ sinh viên yên tâm theo học các chương trình của ARM và cung ứng lại nguồn nhân lực là các sinh viên xuất sắc sau các khoá đào tạo cho công ty ARM.