Tài chính xanh chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa doanh nghiệp và ngân hàng
Tạo động lực tăng trưởng cho tài chính xanh Ngân hàng tiên phong đón đầu làn sóng kinh tế xanh lam Giải bài toán tài chính trong phát triển xanh |
Ngày 18/10, Báo SGGP - Đầu tư Tài chính phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), tổ chức Hội thảo tài chính xanh với chủ đề: "Chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa doanh nghiệp và ngân hàng".
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Chính phủ Việt Nam xác định mục tiêu tổng quát trong giai đoạn mới là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Mục tiêu cụ thể của chiến lược bao gồm giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm và nâng cao năng lực chống chịu.
Nhờ nỗ lực triển khai các đồng bộ các giải pháp và sự vào cuộc tích cực của cả ngành ngân hàng. Việc rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế tín dụng, ngân hàng và điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của ngành ngân hàng được thực hiện kịp thời để phù hợp với những mục tiêu về tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường.
Nhận thức của hệ thống ngân hàng đã có sự chuyển biến rõ rệt trong thực hiện cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực xanh, quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; việc xây dựng các sản phẩm về ngân hàng xanh, tín dụng xanh được các ngân hàng triển khai một cách đa dạng, từ hoạt động nội bộ ngân hàng đến các hoạt động cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính theo định hướng của NHNN.
Nhiều TCTD đã chủ động hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế để nhận các hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ tài chính để tài trợ cho các dự án mang lại lợi ích về môi trường
Đến 30/6/2024, đã có 50 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 650.300 tỷ đồng, tăng 4,71% so với cuối năm 2023, chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (gần 30%). Tại thời điểm 31/12/2023, dư nợ tín dụng xanh đạt 620.984 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022.
Thực hiện Thông tư Thông tư số 17/2022/TT-NHNN về hướng dẫn TCTD thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, đến nay 100% NHTM đã xây dựng quy định nội bộ và thực hiện đánh giá rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng; 17 NHTM có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường. Một số TCTD tiên phong trong việc hoàn thiện quy định nội bộ này có thể kể đến như HD Bank, VPBank, SHB, BIDV, Nam Á Bank, OCB…
Để thực thi tài chính xanh, ngân hàng đóng vai trò quan trọng bằng cách cung cấp vốn cần thiết cho các dự án nhắm tới phát triển bền vững. Họ đánh giá tính khả thi của các dự án này, quản lý rủi ro tài chính và đảm bảo rằng các quỹ được sử dụng hiệu quả. Việc đầu tư vào các dự án xanh thường có thể đưa đến quản lý những yếu tố rủi ro cao hơn, do tính đổi mới, và đôi khi chưa được chứng minh của các công nghệ liên quan.
Bên cạnh ngân hàng, doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng, vì doanh nghiệp là những người trực tiếp dấn thân vào các dự án xanh. Họ đổi mới, triển khai các công nghệ và thực tế thực hành phát triển bền vững. Họ có khả năng gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vốn tài trợ do các rủi ro liên quan đến các dự án xanh. Đây là nơi sự hợp tác giữa ngân hàng và doanh nghiệp trở nên cần thiết.
Chính vì vậy, trong thực thi tài chính xanh, sự đồng hành, hợp tác và chia sẻ lợi ích rủi ro giữa ngân hàng và doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng.