Tận dụng cơ hội từ CPTPP chưa cao như kỳ vọng
Tận dụng cơ hội từ CPTPP | |
Quy định về lập hồ sơ mời thầu theo Hiệp định CPTPP, EVFTA | |
Thuế xuất khẩu ưu đãi thực hiện Hiệp định CPTPP từ 8,3-3,6% |
Bộ chủ quản đánh giá có quá lạc quan?
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và biến động địa chính trị của thế giới, song việc tận dụng hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong 3 năm qua đã giúp xuất khẩu Việt Nam đạt được những thành quả rất đáng khích lệ. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của Việt Nam sang các thị trường trong CPTPP đạt 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020 (tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2021 đạt gần 336,17 tỷ USD, tăng 18,9% so với năm 2020, theo Tổng cục Hải quan).
Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, một số ngành hàng cũng đã tranh thủ tận dụng được cơ hội từ CPTPP.
Chẳng hạn với ngành thủy sản, kim ngạch xuất khẩu của ngành liên tục tăng tại 10 nước thành viên CPTPP, đặc biệt tại thị trường Nhật Bản tăng 33%, Canada tăng 67%, Mexico tăng 59%. Ngành chế biến lương thực, thực phẩm có mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cũng duy trì ở hai con số kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày sang khối CPTPP đã tăng từ 10% lên 14%...
Những biến động trên thị trường thế giới khiến đơn hàng xuất khẩu của các ngành giảm mạnh nhưng xuất khẩu sang thị trường trong khối CPTPP vẫn giữ được "phong độ". Xuất khẩu tăng trưởng cao, xuất siêu cải thiện cho thấy các ngành hàng xuất khẩu đã tận dụng tốt CPTPP để thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường.
Thông kê chỉ ra tận dụng ưu đãi từ CPTPP còn khiêm tốn
Các chuyên gia nhận định, CPTPP sẽ tiếp tục mở ra những lợi thế về ưu đãi thuế quan, tạo động lực thu hút đầu tư để tăng năng lực sản xuất, từ đó giúp các doanh nghiệp xuất khẩu cạnh tranh tốt hơn trên trường quốc tế. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, mức độ tận dụng tối đa các cơ hội từ CPTPP và tận dụng ưu đãi thuế quan của các doanh nghiệp Việt Nam chưa cao như kỳ vọng.
Theo thống kê của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kim ngạch cấp CO mẫu CPTPP trong năm 2021 đạt 2,5 tỷ USD, bằng 6,34% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các nước thành viên đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Đặc biệt với nhiều ngành hàng chủ lực, mức độ tận dụng ưu đãi rất thấp khiến tổng thể mức độ tận dụng ưu đãi từ CPTPP còn rất khiêm tốn khi so với các FTA khác. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất chủ quan trong nhận thức và năng lực tận dụng ưu đãi thuế quan, cũng như e ngại, chưa có nhiều giải pháp quyết liệt để tận dụng tối đa các cơ hội ưu đãi từ CPTPP.
Ông Ngô Trung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho biết kết quả khảo sát của VCCI cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp hiểu về CPTPP hay hiểu rõ về hiệp định này đã tăng từ khoảng hơn 2% cách đây hơn hai năm lên gần 9% đầu năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang CPTPP nói chung, đặc biệt là sang 3 thị trường trước đó chưa có FTA là Mexico, Canada và Peru tăng trưởng rất mạnh. Tuy nhiên, đi sâu vào phân tích cho thấy còn một số điểm cần khắc phục là mặc dù chúng ta xuất khẩu sang Canada, Mexico giá trị tăng nhưng tỷ trọng ở các thị trường này còn tương đối khiêm tốn trong tổng kim ngạch.
Một vấn đề khác là những mặt hàng chúng ta có tỷ lệ tận dụng CPTPP tốt thì giá trị lại tương đối thấp, còn những mặt hàng xuất khẩu giá trị cao thì tỷ lệ tận dụng lại tương đối khiêm tốn. Đây cũng là những vấn đề cần chú ý để tập trung cải thiện hơn trong thời gian tới.
Cần biết cơ hội ở đâu
Bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết với dệt may, cản trở lớn để tận dụng CO ưu đãi trong CPTPP chính là quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi.
Chỉ ra một số ngành hàng không tận dụng được ưu đãi thuế cao vì chúng ta sử dụng nhiều nguyên liệu từ nước ngoài, song bà Hương cũng cho biết thêm một yếu tố nữa là số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam rất lớn nên cơ hội để tiếp cận với thông tin, tiếp cận với thị trường quốc tế còn hạn chế.
Vì vậy, để tận dụng tối đa các ưu đãi trong Hiệp định CPTPP nói riêng và các FTA nói chung, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và nắm bắt thông tin về mặt hàng và thị trường cũng như những ưu đãi thuế quan theo các hiệp định đem lại để có thể biết được cơ hội của chúng ta ở đâu, ở thị trường nào và nhóm hàng nào.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần quan tâm nhiều hơn đến những quy định về quy tắc xuất xứ, tìm hiểu xem làm thế nào để đáp ứng được quy tắc này nhằm hưởng ưu đãi thuế quan, trên cơ sở đó xây dựng những chiến lược cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.
Ngoài ra, để được cấp CO ưu đãi, doanh nghiệp cũng cần phải đầu tư về lưu trữ chứng từ để chứng minh xuất xứ, kết nối với cả các nhà cung cấp nguyên vật liệu trong nước và trong khu vực để có khả năng đáp ứng được quy tắc xuất xứ tốt hơn.