Tăng trưởng kinh tế 2024 sẽ rất tích cực
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ tiêu dùng nội địa Nhiều cơ hội cho Việt Nam trong thu hút vốn ngoại và mục tiêu tăng trưởng |
Xin cho biết góc nhìn của bà về điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong năm 2023?
Tôi cho rằng, NHNN đã điều hành rất tốt trong năm qua. Nhìn vào diễn biến lạm phát, chúng ta thấy lạm phát được kiểm soát rất tốt và điều này khó có thể có được nếu không có sự quản lý năng động của NHNN. Cùng với đó là định hướng kéo giảm lãi suất. Thông qua các lần cắt giảm lãi suất chính sách của NHNN đã tạo dư địa và khuyến khích tiếp cận tín dụng và kết quả tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt khoảng 13,5%.
Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam |
NHNN cũng khuyến khích các hoạt động đối thoại, làm việc giữa các ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp thông qua các hội nghị, hội thảo; đồng thời đưa các chỉ đạo, hướng dẫn cho các ngân hàng trong cắt giảm các thủ tục cho vay cũng là những động thái mà chúng tôi rất hoan nghênh. Nếu nhìn vào diễn biến tỷ giá giữa VND và USD, chúng ta thấy sự ổn định và cho thấy nỗ lực trong quản lý, điều hành của NHNN nhất là trong bối cảnh biến động phức tạp toàn cầu trong năm vừa qua.
Và một điểm nữa tôi muốn nhấn mạnh là việc NHNN tập trung vào chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong lĩnh vực ngân hàng, bởi điều này vừa phù hợp với xu hướng chung hiện nay, đồng thời là yếu tố quan trọng giúp cho khu vực ngân hàng vận hành và hoạt động hiệu quả hơn.
Với mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay và nhiều khả năng sẽ ổn định trong năm 2024, bà nhìn nhận thế nào về triển vọng tăng trưởng tín dụng?
Như chúng ta thấy, việc tiếp cận tín dụng đã rất thuận lợi trong năm 2023 và với việc tăng trưởng tín dụng khá tích cực trong năm vừa qua. Cho nên, tôi hình dung rằng, việc giữ được môi trường lãi suất ổn định như hiện nay sẽ thúc đẩy niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và các ngân hàng sẽ tiếp tục có đủ khả năng cung cấp tín dụng. Điều này sẽ giúp cho tăng trưởng tín dụng tích cực hơn nữa trong năm nay, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cao hơn.
Tuy nhiên, kỳ vọng này cũng phải gắn với những yếu tố vĩ mô khác, nhất là lạm phát. Chẳng hạn như hy vọng sẽ không có những bật tăng mạnh của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khiến chính sách tiền tệ phải có những điều chỉnh để kiểm soát lạm phát.
Theo bà, cần phải làm gì để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay và các năm tiếp theo?
Các động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam đều đã có sự phục hồi trong thời gian qua, nhất là nếu chúng ta nhìn vào giai đoạn nửa cuối năm 2023. Vì vậy, trong năm 2024, chúng tôi tin rằng mục tiêu tăng trưởng đặt ra sẽ hoàn toàn có thể đạt được. Ví dụ mới đây, Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Standard Chartered đã công bố báo cáo, trong đó dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 6,7% trong năm nay. Triển vọng tăng trưởng trong trung hạn cũng rất hứa hẹn.
Nhưng rõ ràng, vẫn còn nhiều việc cần làm để hiện thực hóa triển vọng, từ việc cần tiếp tục tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đến tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư… Tôi thấy những công việc như vậy đều đã được bàn thảo và rất nhiều nội dung trong đó đang được triển khai tích cực. Chính vì vậy, tôi kỳ vọng khung khổ pháp luật, quy định và quản trị của Việt Nam sẽ ngày càng tiệm cận với toàn cầu, minh bạch, dễ hiểu và dễ tuân thủ cho tất cả mọi người.
Công nghiệp chế biến chế tạo là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng |
Việt Nam là quốc gia đã thu hút được rất nhiều nguồn vốn FDI và chắc chắn tới đây tiếp tục mong muốn thu hút được thêm nhiều hơn nữa. Đặc biệt, việc Chính phủ Việt Nam cam kết về mục tiêu Net Zero và đặt ra lộ trình đạt được là yếu tố cực kỳ quan trọng. Bởi điều này vừa phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững và dài hạn của Việt Nam, vừa hỗ trợ cho xuất khẩu tốt hơn.
Chúng ta đều biết trong thời gian này và tới đây, xuất khẩu vào thị trường phát triển lớn sẽ ngày càng khó khăn khi các quy định và yêu cầu của họ ngày càng chặt chẽ hơn, đòi hỏi các hoạt động sản xuất, xuất khẩu đều phải hướng đến các yếu tố xanh và bền vững.
Bên cạnh đó, cam kết và lộ trình thực hiện mục tiêu Net Zero cũng giúp Việt Nam thu hút được các dòng vốn FDI chất lượng vào Việt Nam đúng như mong muốn. Chúng ta đã nói, nghe nói nhiều về việc Việt Nam cần tham gia sâu, ở các nấc thang cao hơn, giá trị gia tăng lớn hơn trong các chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu và các cuộc bàn thảo sôi nổi gần đây về ngành bán dẫn là một ví dụ. Gắn cùng với đó, làm sao thu hút đầu tư nhiều hơn trong các lĩnh vực như chuyển đổi năng lượng, đầu tư cải thiện hạ tầng để kéo giảm chi phí logistics, hay thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, dược phẩm… cũng rất cần thiết cho tăng trưởng bền vững trong tương lai.
Xin cảm ơn bà!