Tháo gỡ “điểm nghẽn” để thị trường trái phiếu bước vào giai đoạn mới
Tháo gỡ “điểm nghẽn” để thị trường trái phiếu bước vào giai đoạn mới |
Bốn… “điểm nghẽn” lớn
Về xu hướng của thị trường TPDN Việt Nam, ông Nguyễn Đình Duy, Giám đốc, chuyên gia phân tích cao cấp nhóm vĩ mô, khối xếp hạng và nghiên cứu của VIS Rating cho biết, giai đoạn 2022-2023, thị trường đã trải qua một giai đoạn điều chỉnh dẫn đến giá trị phát hành mới bị sụt giảm so với mức đỉnh năm 2021 (năm 2021 phát hành được gần 800.000 tỷ đồng, năm 2022 giảm xuống 300 nghìn tỷ đồng). Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2023, khối lượng phát hành đã tăng trở lại.
Trong các kênh huy động vốn của doanh nghiệp Việt Nam, kênh huy động vốn từ cổ phiếu mặc dù nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng đầu tư tuy nhiên chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Kênh huy động chủ yếu vẫn đến từ tín dụng ngân hàng và từ TPDN.
Với sự quan tâm của Chính phủ, đặc biệt đã thể hiện trong mục tiêu phát triển thị trường tài chính từ nay đến năm 2030, kỳ vọng thị trường TPDN sẽ có những bước phát triển mới trong một chu kỳ mới. Vì vậy, nếu có thể tạm gọi từ năm 2018 đến năm 2023 là chu kì phát triển đầu tiên của thị trường có tăng, có giảm thì từ năm 2024 trở đi, thị trường sẽ phát triển bền vững hơn.
Cũng theo ông Duy, mục tiêu của Chính phủ đến năm 2030 sẽ đạt quy mô là 25% GDP là mục tiêu khá tham vọng, bởi nếu ước tính theo GDP tăng trưởng hàng năm bình quân từ 5-6% thì ước tính thị trường TPDN sẽ phải tăng lên gấp khoảng gần ba lần cho đến năm 2030 mới đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, nếu giải quyết được bốn điểm nghẽn, gồm chất lượng phát hành của các doanh nghiệp; về nhà đầu tư định giá trái phiếu; về thanh khoản của thị trường; về đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư… thì thị trường sẽ phát triển theo hướng lành mạnh hơn và tích cực hơn.
Điểm nghẽn đầu tiên về chất lượng phát hành, đại diện VIS Rating cho biết, các doanh nghiệp SPI, còn gọi là các cái doanh nghiệp dạng vỏ, không có hoạt động kinh doanh cốt lõi nhưng vẫn phát hành trái phiếu để huy động vốn vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Trong khi vấn đề minh bạch thông tin và khả năng trả nợ của họ kém hơn so với các doanh nghiệp khác.
“Chúng tôi bóc tách cho từng loại hình doanh nghiệp thì các doanh nghiệp dạng SPI này có tỉ lệ chậm trả rất là cao”, ông Duy minh chứng.
Thêm nữa, tác động đến chất lượng phát hành là mục đích phát hành của các đợt TPDN. Trong năm 2023, mục đích phát hành là tái cơ cấu nợ đã tăng lên. Xu hướng này cho thấy các doanh nghiệp hiện tại vẫn đang sử dụng kênh trái phiếu không nhằm mục đích để tài trợ cho các dự án dài hạn như mục đích nguyên thủy của TPDN mà chủ yếu làm kênh tài chính để có thể duy trì trạng thái hiện tại mà thôi.
Điểm nghẽn thứ hai là chưa có sự phân hóa rõ ràng trong các loại hình rủi ro của trái phiếu. Một quan niệm rất phổ biến là cứ trái phiếu có tài sản đảm bảo thì rủi ro ít hơn so với trái phiếu không có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể bóc tách ra là tài sản đảm bảo cũng có rất là nhiều dạng và có rất nhiều loại tài sản đảm bảo không có khả năng thanh khoản, không thể chuyển đổi được thành tiền để khi xảy ra rủi ro cho trái chủ thì trái chủ khả năng thu hồi đến đâu...
Điểm nghẽn thứ ba của thị trường liên quan đến vấn đề định giá. Hiện nay có rất ít thông tin tin cậy để nhà đầu tư có thể tự mình thực hiện, cần phải có những hoạt động của các đơn vị xếp hạng tín nhiệm trên thị trường để giúp cho các công chúng đầu tư phân biệt được rủi ro của TPDN, cũng như đưa ra được những quyết định đầu tư đúng đắn hơn.
Cuối cùng là về cơ cấu nhà đầu tư ở thị trường Việt Nam, liên quan đến độ sâu của thị trường. Thị trường có thể giao dịch mua bán dễ dàng hay không đến từ hai phía, cả người mua và người bán.
Hiện tại, người mua lớn nhất trên thị trường Việt Nam vẫn là các ngân hàng. Tuy nhiên, sự ra đời của hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ trên HNX đã giúp cho quy mô giao dịch của của trái phiếu trên thị trường thứ cấp tăng lên rất nhiều trong giai đoạn cuối năm 2023 và đầu năm 2024, giúp tăng tính thanh khoản của thị trường trái phiếu. Nhưng chúng ta cần nhắm đến thị trường trái phiếu mà đa phần các nhà đầu tư sẽ mua và nắm giữ nhiều hơn.
Thị trường đã bắt đầu một chu kỳ mới?
Trả lời câu hỏi liệu thị trường đã vượt qua đáy khó khăn để bắt đầu một chu kỳ mới hay chưa, ông Dương Đức Hiếu, Giám đốc, chuyên gia phân tích cao cấp khối xếp hạng và nghiên cứu của VIS Rating, cho biết thị trường đang bắt đầu bước sang chu kỳ mới. Trong đó xuất hiện một số điểm hoàn toàn mới, đấy là sự tham gia sâu rộng hơn của hoạt động xếp hạng tín nhiệm ở các công ty tín nhiệm trong chu kỳ này.
“Trong sáu tháng đầu năm 2024 chúng ta sẽ quan sát được rằng sẽ có khoảng 10 ngân hàng thương mại lần đầu tiên sẽ công bố cái xếp hạng nội địa của mình. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư có được so sánh tương quan trong ngành Ngân hàng. Sang năm 2025, chúng ta sẽ thấy có những câu chuyện là công ty A được nâng hạng tín nhiệm, nhưng công ty B có thể bị hạ bậc tín nhiệm. Những câu chuyện như vậy hoàn toàn chưa có trong chu kỳ trước và nó sẽ phát triển mạnh mẽ trong chu kỳ này, điều này sẽ giúp nhà đầu tư có góc nhìn minh bạch và đầy đủ hơn trước khi ra quyết định đầu tư”, ông Hiếu nhận định.
Đối với vấn đề vai trò, giá trị của hoạt động xếp hạng tín nhiệm trong sự phát triển bền vững của thị trường trái phiếu Việt Nam trong chu kỳ tới sẽ như thế nào, ông Hiếu cho biết sẽ không có một mẫu số chung để Việt Nam mà có thể rút ra. Tuy nhiên, lợi ích mà quan trọng xếp hạng tín nhiệm mang lại đó là nhà đầu tư có thể thấy điểm số xếp hạng của doanh nghiệp, của trái phiếu là gì; tiếp theo là các hoạt động xếp hạng tín nhiệm gần nhất được thực hiện đó là nâng hạng hay hạ bậc hay triển vọng của điểm số xếp hạng tín nhiệm.
Giá trị thứ hai của xếp hạng tín nhiệm là tách bạch rủi ro của từng loại trái phiếu, phân loại cái chất lượng của từng loại trái phiếu dựa trên rủi ro của đơn vị phát hành và mức độ ưu tiên thanh toán của cái trái phiếu như thế nào, dựa trên các biện pháp đảm bảo, ví dụ như tài sản đảm bảo là gì, hay là có đơn vị nào bảo lãnh hay không… Từ những việc phân tích những yếu tố này nhà đầu tư sẽ tự đánh giá được chất lượng trái phiếu đầu tư như thế nào…
Lợi ích cuối cùng là khi nhà đầu tư có được đầy đủ thông tin, có được sự phân loại về chất lượng, có được sự phân loại về định giá… sẽ dẫn đến sự tham gia của rất nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức, là những đơn vị sẽ giúp chiều sâu của thị trường sẽ tốt hơn
“Hiện nay nếu so sánh với các quốc gia châu Á khác, tỷ lệ phần trăm các TPDN được xếp hạng của chúng ta vẫn còn thấp. Nếu mà nhìn vào mặt tích cực sẽ thấy rằng tiềm năng tăng trưởng rất là tốt. Tuy nhiên nếu nhìn vào thách thức sẽ thấy sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều để thúc đẩy hoạt động xếp hạng tín nhiệm”, ông Hiếu nói.