Tiền lương và biến động nhân sự
Một trong những nội dung Quốc hội thảo luận được rất nhiều cử tri quan tâm là lộ trình cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Vấn đề này cũng đã được Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII vừa qua thảo luận nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, dự kiến thực hiện từ ngày 01/7/2024.
Theo đó, quan điểm của Đảng, Quốc hội là xây dựng bảng lương mới thay cho bảng lương hiện nay, gồm bảng lương về chức danh lãnh đạo từ trung ương cho đến cơ sở, bảng lương chuyên môn nghiệp vụ và 3 bảng lương cho lực lượng vũ trang; Sắp xếp, thu gọn chế độ phụ cấp so với hiện nay; Chế độ tiền thưởng bằng 10% quỹ tiền lương cơ bản không bao gồm phụ cấp…
Thời gian thực hiện cơ chế tiền lương, phụ cấp mới dự kiến là từ 1/7/2024, và chủ yếu điều chỉnh đối với người lao động hưởng lương từ ngân sách. Song các chuyên gia cho rằng, cơ chế tiền lương này sẽ tác động đến chính sách lương, phụ cấp của tất cả các ngành, lĩnh vực, các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Thực tế ngay từ đầu năm nay biến động nhân sự trong các doanh nghiệp rất mạnh, trong đó có cả nhân sự của ngành Ngân hàng. Bên cạnh đó, chính sự phát triển vượt bậc của các sản phẩm, dịch vụ số hóa cũng khiến các ngân hàng phải cơ cấu lại nhân sự cho phù hợp với định hướng, mục tiêu phát triển. Nhu cầu của bên sử dụng lao động và mong muốn thay đổi của người lao động đã khiến việc tuyển dụng nhân sự ngân hàng khá sôi động.
Ngày 27/10 Agribank ra thông báo tuyển dụng lao động tại các chi nhánh trong hệ thống đợt 2 năm 2023. Quy mô tuyển dụng tới 1.139 chỉ tiêu với các vị trí tuyển dụng bao gồm: Tín dụng; Kế toán; Thanh toán quốc tế; Pháp chế; Thủ quỹ, kiểm ngân. Trong đó, vị trí tuyển dụng nhiều nhất là tín dụng với 653 chỉ tiêu, tiếp ngay sau là kế toán với 361 chỉ tiêu. Agribank đã tuyển dụng gần 600 chỉ tiêu vào làm việc tại các chi nhánh trong hệ thống.
Vietcombank cũng đang cần tuyển dụng 16 nhân sự cho các đơn vị thuộc Trụ sở chính. Trước đó, tháng 8/2023 Vietcombank đã tuyển dụng 62 chỉ tiêu bổ sung nhân sự cho các đơn vị tại Trụ sở chính. Từ đầu năm ngân hàng này đã có nhiều đợt tuyển dụng trong đó, riêng tháng 3/2023 đã tuyển tới 350 chỉ tiêu. BIDV cũng tuyển dụng hơn 350 nhân sự, bao gồm 323 chuyên viên thuộc nhóm nghiệp vụ tín dụng như quản lý khách hàng, quản lý rủi ro, kế hoạch tổng hợp, quản trị tín dụng và 19 chuyên viên nghiệp vụ kế toán như giao dịch viên, chuyên viên tài chính kế toán.
Ở khối các NHTMCP việc tuyển dụng cũng không kém phần sôi động. LPBank đang cần tuyển dụng các vị trí Phó Giám đốc phụ trách Khách hàng doanh nghiệp, các vị trí quản lý cấp phòng, chuyên viên cao cấp về Công nghệ thông tin, Ngân hàng số, kiểm soát viên, giao dịch viên… VPBank tuyển chuyên viên cao cấp phát triển ngân hàng số; MB đang tuyển chuyên viên kinh doanh thẻ khối ngân hàng số; SHB đang tuyển dụng Phó giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ….
Trong các thông báo tuyển dụng của ngân hàng có điểm chung là ngoài các yêu cầu về tuân thủ quy trình, quy định về nghiệp vụ theo vị trí việc làm thì đều có yêu cầu về chỉ tiêu. Thậm chí có ngân hàng đưa ra yêu cầu nhân sự phải đáp ứng các chỉ tiêu tài chính và cả chỉ tiêu phi tài chính. Và chính vì có sự “chuyển dịch” của người lao động nên không ít ngân hàng tranh thủ “săn đầu người“ của ngân hàng khác. Một ngân hàng lớn đã không hề giấu giếm mục đích này khi nêu rõ trong thông báo tuyển dụng: Các ứng viên sẽ thi tuyển qua các vòng: vòng 1 (sơ tuyển hồ sơ), vòng 2 (thi viết), vòng 3 (thi phỏng vấn). Đối với ứng viên dự tuyển vị trí tín dụng, kế toán, thanh toán quốc tế, pháp chế có 3 năm kinh nghiệm trở lên liên quan đến vị trí tuyển dụng, làm việc tại các công ty kiểm toán lớn (Deloitte, E&Y, PwC, KPMG,...), ngân hàng lớn (VietinBank, Vietcombank, BIDV,...), qua vòng 1 (sơ tuyển hồ sơ) sẽ được tham gia vòng 3 luôn.
TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, tiền lương tạo ra “đòn bẩy” để kích thích, để cho người lao động phấn đấu, quan tâm nhiều hơn đến vận mệnh, thanh danh của đơn vị mà người ta cống hiến. Tuy nhiên, nếu muốn tăng lương phải có bài toán đi trước về mặt nhân sự. Muốn giải quyết được bài toán nhân sự thì cần phải cân đối quỹ tiền lương...