TP.HCM: Đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu
Đề xuất giảm gần 12.000 tỷ đồng thuế xăng dầu | |
Giá xăng dầu tăng cao, doanh nghiệp cần hỗ trợ kịp thời | |
Chủ tịch Quốc hội đề nghị giám sát về vấn đề xăng dầu |
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM Trương Văn Ba cho biết, quản lý thị trường sẽ đề nghị Sở Công thương TP.HCM cũng như các cơ quan hữu quan rút giấy phép kinh doanh đối với trường hợp vi phạm nặng. Lực lượng quản lý thị trường TP.HCM phối hợp cùng Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an TP. HCM), Sở Công thương TP.HCM, chia thành các tổ công tác đã đồng loạt kiểm tra các cây xăng trên địa bàn trong những ngày vừa qua.
Các tổ công tác đã đồng loạt kiểm tra các cây xăng trên địa bàn trong những ngày vừa qua |
Theo báo cáo của Quản lý thị trường TP.HCM, trong ngày 1/3, trên địa bàn TP.HCM có 5 cửa hàng xăng dầu đang tạm ngưng hoạt động. Đó là trạm xăng dầu 178 - DNTN Thừa Phúc, địa chỉ số 178 Lê Quang Định, phường 14, quận Bình Thạnh ngưng hoạt động từ tháng 10/2021 đến nay, lý do chủ doanh nghiệp mất do Covid-19. Cửa hàng xăng dầu thuộc Công ty TNHH MTV Xăng dầu Bùi Công Trừng, số 57/5 Bùi Công Trừng, khu phố 2 phường Thạnh Lộc Quận 12, ngưng kinh doanh 30 ngày từ 09h00 ngày 16/2 đã tháo trụ bơm xăng dầu bàn giao mặt bằng, lý do: sửa chữa cửa hàng để hợp tác kinh doanh với Xí nghiệp bán lẻ xăng dầu (Công ty Xăng dầu khu vực II TNHH MTV - Petrolimex), công ty đã có văn bản gửi Sở Công thương TP.HCM. Cửa hàng xăng dầu Tam Bình (thuộc Công ty cổ phần lương thực TP.HCM) - địa chỉ 165B Quốc lộ 1A, khu phố 3, phường Bình Chiểu, TP.Thủ Đức đang ngưng kinh doanh để sửa chữa; Theo trình bày của đại diện cửa hàng thì ngày 11/2, Công ty Cổ phần Lương thực TP.HCM đã có công văn gửi Sở Công thương TP.HCM xin ngưng hoạt động cửa hàng xăng dầu Tam Bình để sửa chữa nâng cấp, thời gian sửa chữa là 30 ngày từ ngày 12/2 đến ngày 12/3/2022.
Tại cửa hàng xăng Chi nhánh Công ty Thanh Bình, địa chỉ số 1474 Tỉnh lộ 10, Tân Tạo, Bình Tân, đơn vị này cho biết đã hết xăng và phía công ty đã gửi công văn xin ngưng kinh doanh 1 tháng vào ngày 16/2 nhưng chưa được Sở Công thương duyệt; Tổ công tác đã chứng kiến bên phía công ty thực hiện đo các bồn chứa xăng và hiện không còn xăng, tạm ngưng kinh doanh xăng. Cuối cùng là đại lý bán lẻ xăng dầu của Công ty TNHH SX-TM-DV Đồng Tiến Phát, tại địa chỉ số 560A Thoại Ngọc Hầu, Phường 10, Quận Tân Bình, cửa hàng cho biết hiện đã được bán cho Công ty Hồng Đức, địa chỉ số 206 đường Tỉnh 864, ấp Tân Thuận, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang từ tháng 6/2021, hai bên chưa thực hiện việc bàn giao cửa hàng.
Trước đó, có 2 cửa hàng hết xăng Ron 95, nay đã nhập xăng về và hoạt động trở lại bình thường. Đến thời điểm ngày 1/3, trên địa bàn TP.HCM có 3 trường hợp thiếu xăng Ron 95 để bán, nhưng cửa hàng vẫn mở cửa hoạt động kinh doanh bình thường và đang chờ nhập xăng để tiếp tục kinh doanh.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, Cục đã yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường xăng dầu và hàng hóa phục vụ phòng chống dịch Covid-19. Đơn vị cũng chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường đảm bảo 100% quân số tại đơn vị, phân công tổ công tác trực ngoài giờ và ngày nghỉ để công tác đột xuất, tổ chức niêm yết thông tin đường dây nóng của Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 Thành phố, Cục Quản lý thị trường TP.HCM và của Đội Quản lý thị trường tại các cửa hàng xăng dầu, nhà thuốc, trung tâm thương mại... để kịp thời tiếp nhận thông tin phản ánh của người tiêu dùng.
“Cục Quản lý thị trường thành phố tiếp tục chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác giám sát đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm ngưng nghỉ kinh doanh không lý do, găm hàng, bán nhỏ giọt phải kịp thời kiếm tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, Cục cũng chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường phải làm rõ tình trạng thiếu xăng dầu của một số cửa hàng xăng dầu để tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp xử lý và báo cáo kiến nghị Tổng cục Quản lý thị trường, UBND TP. HCM chỉ đạo các đơn vị chức năng xử lý theo đúng quy định”, ông Đạt cho biết.
Ngày 1/3, Bộ trưởng Bộ Công thương đã có công điện yêu cầu lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trước tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19 và xung đột tại Ukraine. Theo công điện, dịch Covid-19 và xung đột tại Ukraine đã làm giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh; mặt hàng tiêu dùng như lương thực, thực phẩm tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường trong nước. Do đó, lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát các biến động về cung cầu, giá cả; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thị trường có biến động để thu lời bất chính.